Đẩy mạnh phát triển nguồn vốn tín dụng cho tăng trường xanh

Thứ ba, 24/09/2019 17:56
(ĐCSVN) - Tăng trưởng xanh là một trong những mục tiêu phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới nhằm hướng tới phát triển bền vững. Đối với nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam, vấn đề tăng trưởng gắn với phát triển sâu, rộng và bền vững là vấn đề có tính cấp thiết.

Theo bà Hoàng Thị Phương Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ngân hàng Nhà nước, các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP đồng thời cũng đưa ra mục tiêu cụ thể cho chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, để tài trợ cho Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn. Do vậy, Việt Nam cần có chiến lược và khuôn khổ chính sách tài chính xanh phù hợp nhằm tạo ra các công cụ và sản phẩm tài chính xanh hữu hiệu nhằm huy động vốn cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam thông qua thị trường tài chính. 

Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Trong khảo sát về áp dụng “tín dụng xanh” trong ngành ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước cho thấy có 19 tổ chức tín dụng xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường xã hội, trong đó có 13 tổ chức tín dụng tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường xã hội vào quy trình hoạt động “tín dụng xanh”, 10 tổ chức tín dụng đã xây dựng được sản phẩm tín dụng ngân hàng cho “tín dụng xanh”, 17 tổ chức tín dụng đã sử dụng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho 10 ngành kinh tế. Các con số đầu tư tài chính trong ngành tài chính xanh của lĩnh vực ngân hàng cũng hết sức khả quan. Tính đến quý I/2019, đã có 20 tổ chức tín dụng cho vay tín dụng xanh với dư nợ 242.000 tỷ đồng, tăng 2% so với năm 2018, trong đó cho vay trung dài hạn xấp xỉ 188.000 tỷ đồng, cho vay ngắn hạn là 54.000 tỷ đồng. Đối tượng cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 131.000 tỷ đồng, cho vay lĩnh vực quản lý bền vững đô thị là 31.000 tỷ đồng, cho vay lâm nghiệp bền vững là 13.600 tỷ đồng, cho vay năng lượng tái tạo mới đạt trên 8.000 tỷ đồng. Cũng tính đến hết tháng 3/2019, dư nợ tín dụng đánh giá theo rủi ro môi trường xã hội đạt gần 314.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ ngắn hạn là 138.000 tỷ đồng.

Theo bà Hạnh, cùng với những tín hiệu bước đầu khởi sắc trong ngành tài chính xanh, Việt Nam cũng nhận thức được nhiều thách thức và rủi ro tiềm ẩn đối với lĩnh vực này như bảng cân đối tài sản của các ngân hàng chủ yếu được hình thành từ luồng vốn ngắn hạn nên thiếu vốn trung và dài hạn đầu tư cho các dự án xanh, nền kinh tế thiếu các kênh huy động vốn trung và dài hạn để hỗ trợ cho tài chính xanh…; khó khăn trong việc kiểm soát kết quả đầu ra của các dự án xanh cũng như trong việc thẩm định, đánh giá tính chất “tín dụng xanh” của các dự án đề xuất… Những hạn chế này đang trở thành những rào cản đối với sự phát triển của ngành tín dụng xanh ở Việt Nam.

Theo các chuyên gia, để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành/lĩnh vực xanh, các tổ chức tín dụng (TCTD) cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay với các TCTD.

Cùng với đó, cần làm rõ, đưa ra những quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn về các danh mục các ngành/lĩnh vực xanh để có thể áp dụng chung, thống nhất cho cả nước dẫn tới việc thiếu cơ sở để các TCTD căn cứ lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Đồng thời, phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực; trên cơ sở đó mới thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh; đồng thời đòi hỏi có sự hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực cho các TCTD trong việc lựa chọn, thẩm định, giám sát các khoản cấp tín dụng xanh.

Theo đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam (Đề án 1064), phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng. Ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh./.

Hồng Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực