Ngân hàng thương mại trong bối cảnh tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN

Thứ tư, 23/11/2016 14:44
(ĐCSVN) - Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành, việc tự do hoá thương mại trong khu vực sẽ khuyến khích các hoạt động kinh doanh và đầu tư lớn hơn, do đó, nhu cầu về các dịch vụ ngân hàng cũng sẽ tăng mạnh.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: thebank.vn)

Hội nhập tài chính AEC sẽ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam có cơ hội mở rộng thị phần và tiếp cận với công nghệ quản trị tiên tiến, hiện đại. Sự tự do luân chuyển các dòng vốn đầu tư của AEC sẽ có tác động tích cực đến phát triển hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) của Việt Nam không chỉ theo chiều rộng mà còn theo chiều sâu. Sự có mặt của nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn tài chính lớn sẽ góp phần chuyên nghiệp hoá thị trường ngân hàng Việt Nam. Việc mở cửa và hội nhập trong lĩnh vực ngân hàng cho phép các NHTM trong và ngoài nước được hoạt động, kinh doanh, cạnh tranh và lớn mạnh trong một sân chơi bình đẳng hơn, đồng thời cũng đem lại cho ngành ngân hàng Việt Nam những cơ hội trao đổi, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hoạch định chính sách tài chính, tiền tệ, quản lý ngoại hối, giám sát, phòng ngừa rủi ro. Đã có nhiều NHTM Việt Nam mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại nhiều nước như Singapore, Lào, Campuchia, Myanmar…

Thị trường tài chính Việt Nam cũng đang là đích nhắm tới của nhiều ngân hàng ngoại trong khu vực. Chẳng hạn, Ngân hàng Kasikorn (Thái Lan) đã khai trương 2 văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ngân hàng Public Bank Berhad (PBB) của Malaysia cũng đã trở thành ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, sau các ngân hàng HSBC, ANZ, ShinhanVietnam, Hong Leong Bank,… Các ngân hàng ở AEC đã xuất hiện ngày càng nhiều cũng như mở thêm nhiều chi nhánh ở Việt Nam cho thấy các tổ chức tín dụng trong khu vực đã chuẩn bị mọi điều kiện kỹ lưỡng để tận dụng tối đa cơ hội từ sự kiện AEC. Và theo đó, các NHTM Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh rất lớn từ những hoạt động của những ngân hàng ngoại.

Mặc dù trong thời gian qua, hệ thống NHTM Việt Nam đã có những bước phát triển nhất định, song khoảng cách giữa các NHTM trong nước và NHTM trong khu vực và trên thế giới vẫn còn rất lớn về mọi phương diện. Vì vậy, khi hội nhập, hệ thống NHTM Việt Nam cũng gặp phải những thách thức không nhỏ. Các NHTM Việt Nam hiện nay có tiềm lực tài chính nhỏ, chất lượng tài sản thấp, danh mục sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng dịch vụ chưa cao. Công nghệ ngân hàng còn có khoảng cách đáng kể so với trình độ của khu vực và thế giới. Các NHTM hiện chỉ có lợi thế về mạng lưới chi nhánh phân phối sản phẩm dịch vụ và khách hàng rộng rãi, am hiểu về tập quán và môi trường kinh doanh.

Để tận dụng tối đa cơ hội, giảm thiểu thách thức khi tham gia AEC, các NHTM Việt Nam cần chủ động trang bị thông tin cần thiết. Bản thân nội tại các NHTM cần tìm hiểu về chỉ tiêu, hiệp định khung ngành ngân hàng trong AEC nói chung và thông tin chỉ đạo từ Ngân hàng Nhà nước nói riêng qua việc nắm bắt các thông tin về tính pháp lý, thủ tục hành chính và cam kết tổng thể trong AEC.

Các ngân hàng cần được đổi mới về cách quản trị, điều hành, quản lý rủi ro cho phù hợp với các công ước và thông lệ quốc tế. Cần nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn chủ sở hữu, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới. Các ngân hàng cũng cần xây dựng lộ trình và thực hiện tăng quy mô vốn tự có, cải thiện hệ số an toàn vốn theo tiêu chuẩn basel II.

Tích cực chuyển dịch cơ cấu hoạt động và tìm cách xuất khẩu dịch vụ ngân hàng. Sự phát triển của sản phẩm dịch vụ ngân hàng trong những năm gần đây đã cho thấy sự năng động của hệ thống tài chính trong việc khai thác và phát triển sản phẩm đa dạng hoá, đồng thời đã phát triển một hệ thống dịch vụ ngân hàng đa dạng, hướng theo nhu cầu của nền kinh tế. Nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại, nhất là các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt dựa trên nền tảng công nghệ cao đã tiến kịp với trình độ phát triển của nhiều nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong hoạt động cung cấp dịch vụ trong bối cảnh hội nhập, các NHTM cần nỗ lực hơn nữa để tăng tỷ trọng đóng góp của hoạt động bán lẻ, của hoạt động dịch vụ.

Bên cạnh đó, các NHTM cần nỗ lực tăng trưởng các mặt hoạt động nhằm cải thiện chỉ số hiệu quả. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tài sản và bảo đảm các tỷ lệ an toàn hoạt động. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có khả năng cạnh tranh quốc tế. Các NHTM ngoài việc nâng cao năng lực quản trị, cần đầu tư nghiên cứu và phát triển dịch vụ, tài chính hướng tới xuất khẩu để có thể đẩy mạnh hoạt động tại thị trường nước ngoài…/.

Đ.H

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực