Truyền thông Nhật Bản đưa tin về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.
(Ảnh cắt từ bản tin Mainichi/Kyodo)
Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức JCS cho biết, một quả tên lửa của Triều Tiên đã bay được khoảng 430 km, trong khi quả tên lửa còn lại đã bay được xa hơn, dựa trên thông số phân tích của Mỹ. Cả hai quả tên lửa đã bay ở độ cao khoảng 50 km. Các quả tên lửa này có thể đã được phóng đi từ một bệ phóng di động (TEL) và đã rơi xuống biển Nhật Bản.
“Chúng tôi cho rằng, trong thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tới khu vực này, và đây cũng là thời điểm Triều Tiên thực hiện các cuộc tập trận quân sự vào mùa hè. Chúng tôi đang theo sát tình hình” – quan chức JCS nói.
Theo quan chức trên, hiện các bên cần phân tích thêm để có thể xác nhận liệu Triều Tiên có sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo trong các vụ phóng vừa diễn ra hay không, hay đây chỉ là các thiết bị tương tự như loại tên lửa tầm ngắn mà Triều Tiên đã phóng hai lần vào hồi tháng 5/2019. Hiện quân đội Hàn Quốc đang giám sát chặt chẽ tình hình, đồng thời duy trì trạng thái sẵn sàng trong trường hợp Triều Tiên sẽ thực hiện thêm các vụ phóng.
Trả lời phỏng vấn truyền thông, một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho biết, nước này đã nắm được thông tin về việc Triều Tiên đã phóng một vật thể tầm ngắn, song không đưa ra bình luận gì thêm.
Một quan chức chính phủ Nhật Bản đã xác nhận thông tin Triều Tiên phóng hai bên lửa tầm ngắn về phía biển Nhật Bản vào sáng nay. Quan chức trên cho biết, các quả tên lửa của Triều Tiên đã rơi xuống biển trước khi tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản và không gây ra mối đe dọa an ninh nào.
Phát biểu trước phóng viên tại Tokyo, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya khẳng định Nhật Bản đang tiếp tục phân tích xem liệu các vật thể mà Triều Tiên vừa phóng đi có phải là tên lửa đạn đạo hay không.
Vụ phóng tên lửa này của Triều Tiên diễn ra vào thời điểm các vòng đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên đang có triển vọng được tái khởi động sau một thời gian đình trệ. Trong cuộc gặp gỡ bất ngờ tại khu vực phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên vào cuối tháng 6/2019, Tổng thống Mỹ D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí sẽ nối lại đàm phán cấp sự vụ trong “một vài tuần tới”. Tuy nhiên cho tới nay, Triều Tiên vẫn chưa đưa ra lời hồi đáp trước đề xuất đối thoại của phía Mỹ, đồng thời kêu gọi Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới với lời cảnh báo rằng “cuộc tập trận này có nguy cơ sẽ làm lu mờ các nỗ lực nối lại đàm phán hạt nhân”.
Vụ phóng này cũng diễn ra chỉ ít lâu sau khi hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), hôm 23/7 đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát một tàu ngầm mới đóng của Triều Tiên và kêu gọi triển khai các lực lượng hải quân để tăng cường khả năng quân sự.
Chính vì thế, động thái mới nhất này của Triều Tiên được nhìn nhận là trong một phần chiến lược “gia tăng sức ép” để hối thúc Mỹ nhượng bộ thêm trước thềm các vòng đàm phán hạt nhân được nối lại.
Tuy nhiên, các bản nghị quyết của Liên hợp quốc cấm Triều Tiên sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo. Chính vì thế, nếu như các vụ phóng tên lửa được Triều Tiên thực hiện vào sáng nay được chứng minh là có liên quan tới công nghệ này thì đây sẽ là một hành động vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc và khiến Triều Tiên có nguy cơ phải đối mặt với tình huống bất lợi./.