Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang
Tối 28/5 (theo giờ Mỹ), tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc đã nộp bản kiến nghị tóm lược phân xử lên Tòa án quận Đông Texas nhằm bác bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan đến hoạt động của tập đoàn khổng lồ này trên thị trường toàn cầu.
Logo của Huawei tại trung tâm hội nghị Las Vegas, thuộc thành phố Las Vegas, tiểu bang Nevada (Mỹ), ngày 9/1/2018 (Ảnh: David Becker/Getty Images)
Theo hãng tin Reuters, bản kiến nghị tóm lược phân xử được Huawei nộp lên Tòa án quận Đông Texas (nơi đặt trụ sở chính của tập đoàn Huawei tại Mỹ) yêu cầu bác bỏ tính hợp pháp của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm 2019.
Dự luật NDAA đã được Quốc hội Mỹ phê chuẩn thành luật vào mùa hè năm ngoái, áp đặt lệnh cấm các cơ quan liên bang và các nhà thầu của các cơ quan này không được sử dụng thiết bị của Huawei vì những lý do an ninh quốc gia, đồng thời chỉ rõ mối quan hệ giữa các hoạt động của Huawei với Chính phủ Trung Quốc.
Hiện Trung Quốc được cho là đang đẩy mạnh các biện pháp đáp trả trước các hành vi gây sức ép về thương mại từ phía Mỹ. Ngày 31/5, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ công bố bản danh sách các “thực thể nước ngoài” gây tổn hại đến các lợi ích chính đáng của các công ty Trung Quốc.
Các nhà chức trách Trung Quốc cũng vừa quyết định mở cuộc điều tra công ty chuyển phát nhanh FedEx của Mỹ trước nghi ngờ vi phạm các quy định về chuyển phát nhanh của Trung Quốc, trong đó có việc cáo buộc FedEx đã thay đổi địa chỉ tiếp nhận bưu kiện và vi phạm nghiêm trọng các lợi ích pháp lý của khách hàng.
Ngày 1/6, Mỹ đã bắt đầu áp mức thuế 25% đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu sang Mỹ. Đáp lại, Trung Quốc cũng nâng mức thuế đối với nhiều mặt hàng trong danh mục hàng hóa trị giá 60 tỷ USD mà Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Nhật Bản và Mỹ nhất trí đẩy nhanh đàm phán thỏa thuận thương mại mới
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 27/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại mới giữa hai nước.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo sau hội đàm tại Tokyo ngày 27/5/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)
Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với Tổng thống Trump ở thủ đô Tokyo, Thủ tướng Abe cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại song phương mới nhằm đạt được mối quan hệ hai bên cùng có lợi.
Về phần mình, Tổng thống Trump khẳng định ông cần điều chỉnh sự mất cân đối “khủng khiếp” trong cán cân thương mại Mỹ-Nhật, đồng thời nói bóng gió về khả năng hai nước sẽ công bố một thỏa thuận thương mại mới vào tháng 8/2019. Ông nói: “Chúng tôi sẽ nhanh chóng đưa cán cân thương mại trở lại cân bằng”.
Trước đó, phát biểu tại cuộc gặp với giới doanh nghiệp Nhật Bản, Tổng thống Trump nói ông muốn giải quyết vấn đề mất cân đối trong cán cân thương mại Mỹ-Nhật và dỡ bỏ hàng rào đối với các hàng hóa xuất khẩu của Mỹ, đồng thời đảm bảo sự công bằng giữa hai nước và dành đặc quyền cho nhau.
WHO: Mỗi năm thuốc lá giết chết ít nhất 8 triệu người
Ngay trước Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mong muốn thu hút sự chú ý đến các tổn thất do thuốc lá gây ra đối với sức khỏe của phổi. Hơn 40% các trường hợp tử vong liên quan đến thuốc lá là do các bệnh về phổi như: ung thư, bệnh hô hấp mãn tính và bệnh lao.
Thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật, tử vong và nghèo đói trên thế giới (Ảnh: WHO)
Theo Tổng giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, mỗi năm, thuốc lá giết chết ít nhất 8 triệu người và hàng triệu người mắc bệnh ung thư phổi, bệnh lao, hen suyễn hoặc bệnh hô hấp mãn tính do thuốc lá. "Phổi khỏe mạnh là điều cần thiết để sống khỏe mạnh. Hôm nay, như mọi ngày, bạn có thể bảo vệ phổi của mình cũng như của bạn bè và gia đình bằng cách nói không với thuốc lá" – ông nói thêm.
Hút thuốc là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới ung thư phổi và chịu trách nhiệm gây ra hơn 2/3 số ca tử vong do căn bệnh này trên toàn thế giới.
Hút thuốc thụ động tại nhà hoặc tại nơi làm việc cũng làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Năm 2017, thuốc lá đã giết chết 3,3 triệu người hút thuốc và những người khác tiếp xúc với khói thuốc phụ từ các bệnh về đường hô hấp, trong đó có 1,5 triệu người chết vì các bệnh hô hấp mãn tính. Ngoài ra, hơn 60.000 trẻ em dưới 5 tuổi chết vì nhiễm trùng đường hô hấp dưới do hút thuốc thụ động.
Khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 tại Singapore
Đối thoại Shangri-La lần thứ 18 - diễn đàn an ninh hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương - đã chính thức khai mạc tối 31/5 tại Singapore. Đối thoại lần này thu hút số lượng đại biểu đông nhất từ trước đến nay, gồm các quan chức quốc phòng và giới học giả đến từ gần 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 30 bộ trưởng hoặc thứ trưởng quốc phòng.
Lễ khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 18. (Ảnh: Xuân Vịnh/TTXVN)
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ "ổn định và mang tính xây dựng" giữa Mỹ và Trung Quốc đồng thời nêu bật những vai trò tiềm năng mà Singapore cũng như các quốc gia nhỏ khác có thể đóng góp vào việc củng cố trật tự thế giới đa phương.
Đối thoại lần này có 6 phiên toàn thể, bao gồm: Tầm nhìn của Hoa Kỳ về an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; An ninh Triều Tiên: Những bước tiếp theo; Trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á và những thách thức; Trung Quốc và hợp tác an ninh quốc tế; Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh; Đảm bảo một khu vực tự cường và ổn định. Ngoài ra còn có 6 phiên họp đồng thời với các chủ đề liên quan đến an ninh hàng hải, phát triển công nghiệp quốc phòng, hợp tác quốc phòng.
Dẫn đầu đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 18, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có một số cuộc gặp song phương và dự kiến sẽ có bài phát biểu tại Phiên toàn thể thứ 5, diễn ra ngày 2/6, với chủ đề “Ngăn ngừa xung đột tại các lĩnh vực có cạnh tranh”.
Nam Phi: Một nửa số thành viên nội các mới là nữ giới
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tối 29/5 đã công bố danh sách nội các mới của chính phủ với một nửa số thành viên là nữ giới.
Tân Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa (Ảnh: Anadolu)
Phát biểu trên sóng truyền hình, Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết: “Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước, một nửa trong số các bộ trưởng là nữ giới”. Cũng theo ông, tỷ lệ người trẻ trong nội các cũng được tăng lên đáng kể nhằm hiện thực hóa cam kết của chính phủ trong việc giao trọng trách cho thế hệ lãnh đạo kế cận trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Theo Tổng thống Cyril Ramaphosa, số bộ trưởng đã giảm xuống còn 28 (so với số 36 bộ trưởng trước đây) nhằm cắt giảm chi tiêu, tăng cường sự phối hợp và cải thiện tính hiệu quả trong công việc.
Ông Ramaphosa (66 tuổi) đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nam Phi hôm 25/5 sau khi đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền do ông lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 8/5. Phát biểu trong lễ nhậm chức, Tổng thống Ramaphosa cam kết sẽ tái sinh nền kinh tế vốn đang trì trệ, tạo công ăn việc làm cho người dân và khắc phục tình trạng tham nhũng ở đất nước.
Nước Áo sắp có nữ Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử
Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen ngày 30/5 cho biết ông đã lựa chọn Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Brigitte Bierlein làm Thủ tướng lâm thời của nước này, sau khi sa thải Thủ tướng Sebastian Kurz và các bộ trưởng trong nội các của ông này vì bê bối chính trị.
Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Áo Brigitte Bierlein (trái) phát biểu sau khi được Tổng thống Alexander Van der Bellen (phải) bổ nhiệm làm Thủ tướng lâm thời, tại Vienna, ngày 30/5/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bà Brigitte Bierlein hiện gần 70 tuổi - độ tuổi bắt buộc nghỉ hưu trong ngành tòa án. Bà sẽ có nhiệm vụ thành lập nội các mới với sự ủng hộ của Quốc hội cho đến khi nước Áo tiến hành bầu cử, dự kiến vào tháng 9 tới.
Trong phát biểu với báo giới, Tổng thống Alexander Van der Bellen nhấn mạnh: "Bà (Bierlein) đang là Chủ tịch của Tòa án Hiến pháp Áo và sẽ được tôi bổ nhiệm là Thủ tướng nước Cộng hòa Áo trong vài ngày tới". Với quyết định này của Tổng thống Van der Bellen, nước Áo sẽ có nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử.
Ngày 27/5, Quốc hội Áo đã bỏ phiếu thông qua bản kiến nghị bất tín nhiệm đối với chính phủ của Thủ tướng Sebastian Kurz, chỉ vài ngày sau khi chính phủ này trở thành chính phủ tạm quyền do vụ bê bối liên quan tới một đoạn băng video./.