Phản ứng của cộng đồng quốc tế trước dự luật của Israel về khu định cư Bờ Tây

Thứ tư, 08/02/2017 14:58
(ĐCSVN) – Ngay sau khi Quốc hội Israel ngày 6/2 thông qua một dự luật nhằm hợp pháp hóa khoảng 4.000 ngôi nhà xây dựng tại các khu định cư ở Bờ Tây, Liên hợp quốc và nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng phản đối và chỉ trích quyết định này.


Quốc hội Israel thông qua  dự luật nhằm hợp pháp hóa khoảng 4.000 ngôi nhà
 xây dựng tại các khu định cư ở Bờ Tây. (Ảnh: AFP)

Trong tuyên bố đưa ra ngày 7/2, người phát ngôn của Tổng thư ký Liên hợp quốc, nhà lãnh đạo Antonio Guterres đã đánh giá rằng quyết định của Quốc hội Israel hợp pháp hóa khoảng 4.000 ngôi nhà xây dựng trên phần đất của người Palestine là “trái với luật pháp quốc tế và sẽ để lại những hậu quả pháp lý sâu rộng đối với Israel”.

Theo người phát ngôn, “Tổng thư ký hối tiếc một cách sâu sắc về việc thông qua dự luật này”, đồng thời nhấn mạnh “sự cần thiết phải tránh bất kỳ hành động nào có thể làm chệch hướng các giải pháp hai nhà nước". "Tất cả các vấn đề cơ bản cần được các bên giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp dựa vào những nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an và các thỏa thuận song phương. Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ quá trình này" – ông nhấn mạnh.

Trước khi Quốc hội Israel tiến hành bỏ phiếu về dự luật, Đặc phái viên của Liên hợp quốc về tiến trình hòa bình Trung Đông Nickolay Mladenov ngày 6/2 cũng đã tuyên bố văn bản này sẽ có "hậu quả pháp lý sâu sắc đối với Israel" và làm giảm "những triển vọng tuyệt vời về tiến trình hòa bình của Israel – Arabe”. Ông Mladenov nhắc lại rằng dự luật từng được Tổng chưởng lý Israel đánh giá là trái với hiến pháp và trái với luật pháp quốc tế.

Tổng chưởng lý Israel Avichai Mandelblit từng tuyên bố rằng dự luật này không phù hợp với hiến pháp và vi phạm luật pháp quốc tế. Ông cũng từng cho biết sẽ không ủng hộ nó trước Tòa án tối cao.

Ngoài ra, trong tuyên bố được đưa ra tối 7/2, Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách về an ninh và đối ngoại Federica Mogherini đánh giá rằng luật này đã vượt qua “ngưỡng mới và nguy hiểm”. Theo bà, Quốc hội Israel thông qua luật về tình trạng pháp lý của khu đất trong vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, vượt quá thẩm quyền của mình. Và nếu được áp dụng, luật này sẽ loại bỏ hoàn toàn thực tế về một Nhà nước với các quyền bất bình đẳng, bị chiếm đóng và một cuộc xung đột vĩnh viễn.

Nhân chuyến thăm của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, Pháp cũng lên án mạnh mẽ việc Quốc hội Israel thông qua dự luật. Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết: “Tôi muốn tin rằng Israel và chính phủ của họ có thể xem xét lại văn bản này và có thể rút lại”. Nhà lãnh đạo Pháp cũng lưu ý rằng luật này sẽ dẫn đến “một thực tế là sáp nhập các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”.

Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas mạnh mẽ bác bỏ luật này: "Trong một thách thức trắng trợn với mong muốn của cộng đồng quốc tế (...), chính phủ Israel hôm qua đã trình bày một dự luật tại Knesset cho phép đánh cắp vùng đất của Palestine để định cư và hợp thức hóa các khu định cư trên toàn bộ vùng đất của người Palestine bị chiếm đóng từ năm 1967, bao gồm Đông Jerusalem". Ông Abbas nhấn mạnh rằng: "Luật này là trái với luật pháp quốc tế", đồng thời nêu rõ: "Đây là một sự xâm lược chống lại người dân của chúng tôi và chúng tôi sẽ phản đối trong các tổ chức quốc tế".

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cũng nêu rõ: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc Quốc hội Israle thông qua một đạo luật hợp pháp hóa nhiều thuộc địa với 4.000 ngôi nhà được xây dựng trên tài sản của người Palestine". "Chính sách của Israel ứng xử (...) là không thể chấp nhận được" – tuyên bố nhấn mạnh.

Liên đoàn Arab cũng lên án việc Israel hợp pháp hóa hàng nghìn ngôi nhà định cư xây dựng ở Bờ Tây, cho rằng luật này là "một vỏ bọc cho hành vi chiếm đoạt đất đai và tài sản xứng đáng của người dân Palestine". Trong tuyên bố được đưa ra, người đứng đầu Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit đánh giá luật này là một trong những chính sách của Israel nhằm xóa bỏ mọi cơ hội cho một giải pháp hai Nhà nước, cũng như việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập.

Ngoài ra, các quốc gia khác như Anh, Đức, và Jordan, cũng bày tỏ sự không đồng tình đối với quyết định mới của Quốc hội Israel. Cộng đồng quốc tế lo ngại về một luồng gió mới đang thổi mạnh có thể khiến cho triển vọng về nền hòa bình giữa Israel và Palestine bị dập tắt.

Quốc hội Israel ngày 6/2 đã thông qua một dự luật gây tranh cãi nhằm hợp pháp hóa khoảng 4.000 ngôi nhà xây dựng bất hợp pháp trên vùng đất của người Palestine tại các khu định cư ở Bờ Tây với 60 phiếu thuận và 52 phiếu chống. Dự luật ghi rằng các chủ đất người Palestine ban đầu sẽ được bồi thường bằng tiền hoặc đất./. 

Khánh Linh (Tổng hợp theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực