Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Thứ hai, 14/05/2018 16:18
(ĐCSVN) - Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran; Tổng thống Nga Vladimir Putin nhậm chức; Hội nghị thượng đỉnh Nhật -Trung - Hàn lần thứ 7; đánh bom tại Indonesia; chứng khoán, giá dầu thế giới biến động nhẹ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran…là những tin tức quốc tế đáng chú ý tuần qua.

Mỹ tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. (Ảnh: Reuters)

Ngày 8/5, với lý do thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Iran và các cường quốc Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc) cùng với Đức dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama có "quá nhiều khiếm khuyết" và Iran đang tiếp tục âm thầm thực hiện các chương trình riêng của mình, Tổng thống Mỹ D.Trump đã tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.

Nhìn chung dư luận quốc tế đều chỉ trích động thái trên của chính quyền Mỹ, đi ngược lại với quan điểm của đại bộ phận các nước trên thế giới khi không hề có lý do xác đáng để ngừng thực thi thỏa thuận này. Các nhà phân tích cho rằng, việc Mỹ quay lưng với JCPOA cho thấy rõ Washington muốn ngăn chặn ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Iran tại khu vực, song điều này lại có thể làm tăng nguy cơ xung đột quân sự tại Trung Đông. Có thể thấy, vai trò của Iran tại các điểm nóng của khu vực, như Syria, Iraq hay Yemen, trong thời gian gần đây rõ ràng đã khiến Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực như Israel và Saudi Arabia không hề hài lòng. Tuy nhiên, việc ngăn chặn sức ảnh hưởng của Tehran vào thời điểm hiện nay được cho là không dễ dàng, bởi vị thế của Iran hiện nay tại Trung Đông đã khác nhiều.

Bằng hành động quay lại chính sách chủ chiến với Iran, chính quyền D.Trump dường như muốn gây sức ép để thương lượng lại một thỏa thuận mới mà Washington muốn chắc chắn hơn, với những giới hạn cứng rắn hơn dành cho Tehran. Nhưng cho đến nay, Iran vẫn từ chối đàm phán lại và những phản ứng ban đầu của chính quyền Tehran sau quyết định của ông D.Trump được cho là mạnh mẽ nhưng cũng khôn khéo. Ngay sau quyết định rút khỏi thỏa thuận JCPOA của Mỹ, Iran đã tuyên bố sẽ vẫn duy trì thỏa thuận dù có Mỹ hay không.      

Ngoài ra, quyết định của Tổng thống D.Trump còn được cho là có thể làm gia tăng căng thẳng với liên minh xuyên Đại Tây Dương kể từ khi ông nhậm chức 16 tháng trước, đặc biệt sau khi các nhà lãnh đạo châu Âu thời gian vừa qua đã tiến hành những chuyến thăm đến Washington và nhiều lần kêu gọi ông D.Trump không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran. Hiện chính quyền D.Trump vẫn để ngỏ về khả năng đàm phán một thỏa thuận khác với các đồng minh, nhưng chưa rõ liệu các nước châu Âu có đi theo định hướng đó và liệu họ có thể thuyết phục Iran chấp nhận điều này hay không.

Tổng thống Nga Vladimir Putin nhậm chức

Ngày 7/5, tại Điện Kremlin ở thủ đô Moskva, Tổng thống Nga Putin đã tuyên thệ nhậm chức, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 4, cũng là lần thứ 2 liên tiếp của mình.

Lễ nhậm chức của ông Putin được tổ chức với sự tham dự của hơn 5.000 khách mời. Lễ nhậm chức diễn ra hai tháng sau khi ông giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 3/2018. Tại cuộc bầu cử này, ông Putin đã giành chiến thắng thuyết phục với số phiếu cao kỷ lục so với các chiến thắng trước đây, đạt 76,7% số phiếu ủng hộ.          

Trong bài phát biểu nhậm chức của mình, Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng ông “nhận thức được trách nhiệm nặng nề trước người dân và đất nước Nga”, đồng thời coi việc “làm tất cả những gì có thể vì một tương lai hòa bình và thịnh vượng của đất nước” là nghĩa vụ và ý nghĩa của cuộc đời mình. Ông khẳng định “nước Nga sẽ trở nên mạnh mẽ và người dân Nga sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn”. Đồng thời, Tổng thống Putin cũng kêu gọi trách nhiệm của chính phủ đối với người dân. Theo ông, chỉ có sự tham gia tích cực của người dân vào các công việc của đất nước mới có thể giúp thúc đẩy sự đổi mới.

Ngay sau lễ nhậm chức, Tổng thống Putin đã ký một văn kiện quan trọng – Nghị định Tháng Năm, nhằm xác định mục tiêu phát triển đất nước tầm nhìn đến năm 2024. Nghị định xác lập các phương hướng nhiệm vụ của đất nước trong 6 năm tới là đưa nước Nga lọt “top 5” nền kinh tế lớn nhất thế giới; ưu tiên giải bài toán gia tăng dân số và nâng tuổi thọ trung bình tới 78 tuổi vào năm 2024 và tới 80 tuổi vào năm 2030; nâng cao mức sống người dân, trong đó chú trọng cải thiện điều kiện nhà ở, gia tăng thu nhập thực tế và giảm 50% tỷ lệ người nghèo; xác định cải thiện điều kiện nhà ở cho ít nhất 5 triệu gia đình mỗi năm; cũng như có kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân tài của đất nước…

Ngày 8/5, Tổng thống Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh, chính thức bổ nhiệm ông Dmitry Medvedev là Thủ tướng LB Nga.

Hội nghị thượng đỉnh Nhật - Trung - Hàn lần thứ 7

Ngày 9/5, tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản đã diễn ra hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc lần thứ 7. Đây là hội nghị thượng đỉnh giữa ba nước Đông Bắc Á được tiến hành sau 2 năm rưỡi gián đoạn và diễn ra trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh liên Triều vừa kết thúc với những tín hiệu tích cực cũng như diễn ra trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Mỹ và Triều Tiên.

Hội nghị đã đạt được kết quả tích cực khi ba nhà lãnh đạo đạt được một tuyên bố đặc biệt, theo đó kêu gọi phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, bày tỏ kỳ vọng vào sự thành công của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới, đồng thời khẳng định lập trường tiếp tục duy trì các nỗ lực chung của ba nước để đảm bảo thành công của hội nghị Hàn - Triều sẽ góp phần đảm bảo nền hòa bình và sự ổn định tại Đông Bắc Á.

Trong lĩnh vực hợp tác thương mại, ba nhà lãnh đạo đã tái khẳng định cam kết xây dựng một nền kinh tế thế giới mở và thúc đẩy thương mại tự do. Theo tuyên bố chung, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc nhận thức rõ vai trò quan trọng của ba nước chiếm hơn 20% tổng GDP toàn cầu này trong việc thúc đẩy sự thịnh vượng của thế giới; công nhận tầm quan trọng của tự do và mở cửa thương mại - đầu tư để đạt tăng trưởng; duy trì cam kết tự do hóa các nền kinh tế, đấu tranh chống mọi hình thức bảo hộ thương mại và cải thiện môi trường kinh doanh.

Hội nghị cấp cao Nhật - Trung - Hàn là một trong những cơ chế ngoại giao cấp cao quan trọng hàng đầu của khu vực, tạo ra những tác động to lớn đối với các chuyển động an ninh và thương mại của khu vực Đông Bắc Á. Được Hàn Quốc đề xuất năm 2004 bên lề Hội nghị ASEAN+3, hội nghị cấp cao Nhật - Trung - Hàn đã được lãnh đạo ba nước quyết định tổ chức thường niên, theo cơ chế luân phiên bắt đầu từ năm 2008. Tuy nhiên, do một số bất đồng, tiến trình này bị gián đoạn trong các năm 2013 và 2014. Năm 2015, hội nghị được nối lại tại Seoul, Hàn Quốc, song lại tiếp tục bị gián đoạn trong năm 2016 và 2017 do căng thẳng trong quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các biến động chính trị tại Hàn Quốc.

Bước sang năm 2018, trong bối cảnh an ninh khu vực Đông Bắc Á đang chuyển động tích cực với tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên chuẩn bị bước vào một giai đoạn bước ngoặt, còn nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, hội nghị cấp cao Nhật - Trung - Hàn được xem là cơ hội để ba nền kinh tế hàng đầu khu vực khôi phục lòng tin chiến lược và nâng tầm hợp tác.

Bầu cử tại Malaysia: Liên minh đối lập giành thắng lợi lịch sử

Ngày 9/5, cử tri Malaysia đã đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 14 bầu Hạ viện khóa mới gồm 222 đại biểu cùng 505 đại diện cơ quan lập pháp tại các bang. Ba lực lượng chính tham gia tranh cử trong cuộc bỏ phiếu lần này là Liên minh Mặt trận quốc gia cầm quyền (BN), Liên minh Hy vọng đối lập (PH) và Đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS).

Kết quả kiểm phiếu được Ủy ban Bầu cử Malaysia công bố ngày 10/5 cho thấy, Liên minh Hy vọng (PH) do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad (92 tuổi) lãnh đạo đã giành được 113 trong 222 ghế tại Hạ viện, vượt mức 112 ghế cần thiết để thành lập chính phủ mới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của Malaysia kể từ khi giành độc lập từ Anh vào năm 1957, một liên minh đối lập mới giành chiến thắng trong bầu cử.

Trong khi đó, Liên minh cầm quyền Mặt trận quốc gia (BN) của Thủ tướng Najib Razak chỉ giành được 79 ghế, giảm 54 ghế so với kết quả cuộc bầu cử gần đây nhất. Còn Đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS) giành được 18 ghế.

Như vậy, kết quả của cuộc tổng tuyển cử này đã chấm dứt 60 năm cầm quyền của Liên minh Mặt trận quốc gia (BN), đánh dấu bước thụt lùi lớn của Liên minh Mặt trận quốc gia (BN) nếu so sánh với con số 133 ghế mà liên minh này giành được trong cuộc bầu cử năm 2013.

Đồng thời, kết quả của cuộc bầu cử cũng đánh dấu sự trở lại chính trường Malaysia của cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad. Trước đó, ông Mahathir đã từng điều hành Chính phủ Malaysia từ năm 1981 đến 2003.

Các nhà phân tích cho rằng, khi liên minh đối lập PH thành lập chính phủ mới, một số chính sách được đưa ra dưới thời liên minh BN cầm quyền sẽ bị hủy bỏ, trong đó có chính sách thuế hàng hóa và dịch vụ 6%. Trước đó, ông Mahathir cam kết sẽ áp dụng trở lại trợ cấp nhiên liệu và hủy các khoản nợ của nông dân trồng cọ.

Đánh bom tại Indonesia

Cảnh sát Indonesia cho biết, ngày 13/5, 3 vụ đánh bom liên tiếp đã xảy ra tại thành phố Surabaya - thủ phủ tỉnh Đông Java của Indonesia. Theo người phát ngôn cảnh sát Đông Java, Frans Barung Mangera, tính đến chiều 13/5, đã có ít nhất 11 người thiệt mạng và 40 người bị thương trong các vụ tấn công này. Mỗi vụ xảy ra cách nhau 10 phút và vụ đánh bom đầu tiên xảy ra vào lúc 7h30' (giờ địa phương).

Chiều cùng ngày, lực lượng chức năng Indonesia đã công bố kết quả điều tra sơ bộ, trong đó xác định thủ phạm là một gia đình 6 người gồm bố, mẹ và 4 người con từ 9 đến 18 tuổi.

Phát biểu trước báo giới tại trụ sở cảnh sát ở thành phố Surabaya, người phát ngôn cảnh sát tỉnh Đông Java, Frans Burung Mangera, cho biết, gia đình trên có quan hệ với tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng và nằm trong số 500 người Indonesia theo Nhà nước Hồi giáo tự xưng trở về từ chiến trường Syria. Trong loạt vụ tấn công xảy ra ngày 13/5, người chồng đã lái một xe ô tô chở chất nổ đâm vào cửa một nhà thờ, hai vụ tấn công nhằm vào 2 nhà thờ khác sau đó, một vụ là do vợ cùng hai bé gái 9 và 12 tuổi thực hiện, vụ còn lại do 2 con trai riêng 16 và 18 tuổi của người chồng tiến hành.

Theo báo cáo mới nhất của cơ quan chức năng Indonesia, số nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công này đã lên tới 13 người trong khi 40 người bị thương vẫn đang điều trị tại bệnh viện. Chính phủ Indonesia cho rằng nhóm khủng bố JAD có quan hệ với Nhà nước Hồi giáo tự xưng là thủ phạm của các vụ tấn công này. Trong khi đó, hãng tin Amaq đăng tải thông tin Nhà nước Hồi giáo tự xưng thừa nhận đã gây ra các vụ tấn công tại Indonesia.

Ngay trong ngày 13/5, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã tới hiện trường thị sát, đồng thời ra tuyên bố lên án các vụ tấn công là hành động "man rợ", cướp đi mạng sống của nhiều người vô tội. Ông đã chỉ thị cho lực lượng cảnh sát truy tìm thủ phạm và triệt phá mạng lưới của những kẻ đã gây ra các vụ tấn công này.

Nhà thờ Công giáo Thánh Maria Tak Bercela, nhà thờ Thiên chúa giáo Indonesia và nhà thờ Central Pentecost ở thành phố Surabaya là 3 địa điểm bị tấn công trong ngày 13/5. Lực lượng chức năng đã phong tỏa các con phố bao quanh 3 nhà thờ này để tiến hành điều tra và phá dỡ chất nổ còn sót lại.

Chứng khoán, giá dầu thế giới biến động nhẹ sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Thị trường quốc tế không có nhiều biến động sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký với Iran và các cường quốc rạng sáng 9/5 (theo giờ Việt Nam), cho thấy giới đầu tư phần nào đã dự đoán trước tình huống này.

Tại châu Á, chỉ số Kospi của Hàn Quốc trong 15 phút đầu phiên ngày 9/5 tăng 0,02% (0,53 điểm) lên mức 2.450,34 điểm. Phản ứng mạnh nhất là chứng khoán Tokyo với chỉ số Nikkei 225 giảm 0,21% (46,80 điểm) còn 22.461,89 điểm, trong khi chỉ số Topix giảm 0,10% (1,71 điểm) xuống 1.778,11 điểm.

Tại Phố Wall (Uôn), kết thúc phiên giao dịch ngày 8/5, chỉ số công nghiệp Dow Jones chốt phiên với mức tăng 0,01% lên 24.360,21 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,03% xuống 2.671,92 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 0,02% lên 7.266,90  điểm.

Giá dầu thô giảm nhẹ sau tuyên bố của Tổng thống D.Trump, sau khi chạm mốc cao nhất trong 3 năm rưỡi trở lại đây trong ngày giao dịch trước đó. Cụ thể, tại New York (Niu Y-oóc), giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) giảm 0,167 USD còn 69,06 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,32 USD xuống còn 74,85 USD/thùng. Giới phân tích cho rằng các nhà đầu tư đang lạc quan rằng bất chấp tuyên bố trên, Tổng thống Mỹ sẽ không ngay lập tức rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran trong tương lai gần mà đặt ra một khung thời gian dài hạn cho việc thực hiện quyết định này./.

Lê Duy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực