Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Thứ hai, 28/05/2018 10:40
(ĐCSVN) - Hội nghị Gặp gỡ châu Âu 2018 tại Hà Nội; Syria tuyên bố đánh bật IS khỏi thủ đô Damascus; Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên; Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tái đắc cử; Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Nga…là một số tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.

Hội nghị Gặp gỡ châu Âu 2018 tại Hà Nội

Ngày 25/5, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Phái đoàn Liên minh châu Âu và Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Hội nghị “Gặp gỡ châu Âu 2018”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Gặp gỡ châu Âu 2018 (Ảnh TTXVN)

Hội nghị có sự tham dự của khoảng 600 đại biểu (trong đó có hơn 200 đại biểu châu Âu) bao gồm: lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các vị Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự các nước châu Âu, đại diện các cơ quan kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa, giáo dục, tổ chức phi chính phủ của châu Âu, đại diện cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam.

Hội nghị nhằm đánh giá hợp tác giữa châu Âu - Việt Nam, các triển vọng thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác thực chất giữa hai bên, đặc biệt là sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu cũng như giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu được ký kết trong thời gian tới sẽ là bước ngoặt quan trọng, tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Âu.

Bên cạnh đó, Hội nghị lần này cũng là kênh kết nối quan trọng để các địa phương Việt Nam trao đổi, thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác cấp độ địa phương Việt Nam với các đối tác châu Âu trên các lĩnh vực tiềm năng mà hai bên cùng quan tâm như: đầu tư, thương mại, năng lượng sạch, thành phố thông minh, nông nghiệp, thủy sản, cơ sở hạ tầng, hậu cần – logistics, sản xuất và chế tạo, y tế - dược và du lịch. Qua đó, góp phần tăng cường, nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam với các nước châu Âu và Liên minh châu Âu nói chung, giữa các địa phương Việt Nam với các đối tác châu Âu nói riêng.

Tới dự và phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan hệ Việt Nam - châu Âu đang đứng trước những vận hội to lớn cần nắm bắt để có thể phát triển mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa, đặc biệt việc ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với những cam kết chất lượng cao cũng như khả năng ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do khác với châu Âu trong thời gian tới đang đưa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất khu vực cũng như toàn cầu.

Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam bám sát tinh thần của Chính phủ kiến tạo, quan tâm, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng thuận lợi, cải cách hành chính ở tất cả các cấp, có cơ chế thu hút các nguồn lực, thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đối tác nước ngoài, trong đó có các đối tác châu Âu đến đầu tư tại Việt Nam.

Khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác quan trọng nhất của Liên minh châu Âu trong ASEAN, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong quá trình đổi mới và phát triển; hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet kỳ vọng vào những bước cuối cùng hướng tới việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu. Hiệp định không chỉ giúp nâng cao quy mô, chất lượng của nền kinh tế Việt Nam mà còn đưa Việt Nam trở thành cửa ngõ và trung tâm sản xuất đối với các công ty châu Âu khi đi vào ASEAN.

Trên cương vị của mình, Đại sứ Bruno Angelet cam kết sẽ thúc đẩy các cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đầu tư vào Việt Nam và kêu gọi thêm các nhà đầu tư mới trong thời gian tới, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hội nghị “Gặp gỡ châu Âu 2018” là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động “Gặp gỡ Đại sứ” do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Cơ quan đại diện nước ngoài, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tổ chức nhằm hỗ trợ các địa phương trong tiến trình hội nhập quốc tế, qua đó làm sâu sắc thêm quan hệ song phương, tăng cường kết nối hợp tác hiệu quả, thiết thực với các đối tác quan trọng, trong đó có các nước châu Âu và Liên minh châu Âu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên

Ngày 24/5, trong một bức thư do Nhà trắng công bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định hủy bỏ cuộc gặp đã được lên kế hoạch với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Trong bức thư, có đoạn viết: “Chúng tôi đánh giá cao thời gian, sự kiên nhẫn và nỗ lực của ông đối với các cuộc đàm phán gần đây của chúng tôi cũng như các cuộc thảo luận liên quan đến hội nghị thượng đỉnh mà hai bên đã theo đuổi từ lâu, được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 12/6, tại Singapore”. Tuy nhiên, Tổng thống Trump cho biết: “Đáng buồn, do sự tức giận và thù địch thể hiện trong tuyên bố gần đây nhất của ông, tôi cảm thấy lúc này không phải thời điểm thích hợp để tiến hành cuộc gặp được lên kế hoạch trong thời gian dài này”.

Cũng trong bức thư này, ông chủ Nhà trắng cho rằng, thế giới sẽ mất đi một “cơ hội tuyệt vời cho hòa bình lâu dài, thịnh vượng và giàu có” khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên bị hủy bỏ.

Ngay sau khi hủy cuộc gặp với Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố quân đội Mỹ sẵn sàng đáp trả "nếu cần thiết" đối với bất cứ "hành động liều lĩnh" nào của Bình Nhưỡng. Song ông Trump cũng hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể diễn ra vào một thời điểm sau ngày 12/6.

Thông báo bất ngờ về hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều của tổng thống Trump được đưa ra ngay sau khi Triều Tiên vừa hoàn tất việc dỡ bỏ bãi thử hạt nhân duy nhất Punggye-ri, động thái cho thấy Bình Nhưỡng muốn thay đổi một cách nghiêm túc. Do đó, ngay lập tức, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đàm phán trực tiếp. Nhiều nước khác như Nga, Pháp, Singapore… cũng bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Tổng thống Trump.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tái đắc cử

Ngày 21/5 Ủy ban Bầu cử quốc gia Venezuela thông báo ứng cử viên của đại diện cho liên minh cánh tả Mặt trận Tổ quốc Mở rộng, đương kim Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử diễn ra một ngày trước đó với hơn 5,8 triệu phiếu ủng hộ, tương ứng 67,7% số phiếu. Với chiến thắng này, ông Maduro sẽ tiếp tục lãnh đạo quốc gia Nam Mỹ thêm 6 năm nữa.

Trong buổi lễ nhậm chức tại Quốc hội lập hiến ngày 24/5, Tổng thống Maduro đã tuyên thệ "tôn trọng và thực thi Hiến pháp và lãnh đạo mọi sự thay đổi cách mạng". Theo thông báo của Quốc hội lập hiến, ông Maduro sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 6 năm tiếp theo từ tháng 1/2019.

Cuộc bầu cử lần này ở Venezuela diễn ra trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức cả về chính trị, kinh tế và xã hội do những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong nước, cũng như sức ép từ bên ngoài. Trước đó, phe đối lập liên tục tổ chức các cuộc biểu tình phản đối việc tổ chức tổng tuyển cử vào thời điểm hiện tại vì cho rằng không bảo đảm các điều kiện bảo đảm công bằng và minh bạch. Cùng với đó, một cuộc chiến kinh tế cũng được ráo riết phát động trong thời gian qua nhằm gây hỗn loạn tình hình kinh tế xã hội tại quốc gia Nam Mỹ này.

Mặt khác, Venezuela cũng phải đối mặt với những sức ép từ bên ngoài khi Mỹ đã liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các cá nhân và tổ chức tại Venezuela. Mỹ cũng đã cùng với Liên minh châu Âu (EU) và một số nước ở Mỹ Latinh đã tuyên bố sẽ không công nhận kết quả cuộc bầu cử lần này.

Tuy nhiên, việc ông Maduro tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống lần này đã một lần nữa cho thấy dù đất nước còn gặp nhiều khó khăn, song người dân Venezuela vẫn ghi nhận những nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng đồng thời tiếp tục đặt niềm tin vào liên minh cánh tả Mặt trận Tổ quốc Mở rộng, vào những điều mà cố Tổng thống Hugo Chavez đã lựa chọn, xây dựng một đất nước Venezuela bình đẳng, vì lợi ích của mọi tầng lớp trong xã hội.

Syria tuyên bố đánh bật IS khỏi thủ đô Damascus

Ngày 21 người Palestine từ tay IS. Trước đó, trong nhiều tuần qua, quân đội Syria và các đồng minh đã chiến đấu nhằm giành lại quyền kiểm soát thành trì của IS tại quận al-Hajar al-Aswad và trại tị nạn Yarmuk của người Palestine.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cũng cho biết, để đảm bảo thành công cho chiến dịch bao vây khu vực phía Nam thủ đô Damascus, việc sơ tán các tay súng IS từ thành trì cuối cùng ở thủ đô Damascus đã kết thúc. Theo đó, 32 xe buýt đã chở 1.600 người, trong đó có các tay súng IS và thân nhân, ra khỏi khu vực phía Nam Damascus trong ngày 20 và 21/5.

Có thể nói, thắng lợi ở Damascus là kết quả của những chiến dịch quân sự quyết liệt được quân đội Syria tiến hành trên nhiều mặt trận, trong đó có những khu vực chiến lược, những vùng đất mà IS đã thiết lập thành trì vững chắc. Trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát các khu vực chung quanh thủ đô, chính quyền Damascus đã ký các thỏa thuận rút quân với lực lượng nổi dậy, theo đó tạo lối đi an toàn cho phiến quân cùng gia đình sơ tán chủ yếu đến khu vực tây bắc Syria. Trong hai tháng qua, khoảng 110 nghìn người đã sơ tán đến khu vực này và khu vực do phiến quân kiểm soát ở Aleppo.

Việc các tay súng IS chịu buông súng và rút khỏi thủ đô Damascus được coi là bước tiến quan trọng trên chiến trường Syria, là động lực lớn cho quân đội chính phủ Syria tiến hành những chiến dịch nhằm giải phóng hoàn toàn đất nước. Tuy thắng lợi quân sự giúp quân đội chính phủ Syria lật ngược cán cân sức mạnh trên thực địa, song những nguy cơ tiềm ẩn vẫn là thách thức lớn đối với chính quyền Damascus. Cuộc nội chiến ở Syria, do những bàn tay can thiệp từ bên ngoài, đã trở thành cuộc khủng hoảng phức tạp và khó lường. Hiện những diễn biến trên "bàn cờ Syria" còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Cánh cửa hòa bình ở quốc gia Trung Ðông chỉ được mở ra nếu các biện pháp giải quyết khủng hoảng tập trung thúc đẩy đối thoại, chấm dứt xung đột và tránh sự can thiệp từ bên ngoài.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Nga

Ngày 21/5, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến thăm Nga và tại đây đã diễn ra cuộc gặp cấp cao không chính thức đầu tiên giữa Thủ tướng Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Chuyến thăm này được xem là cơ hội để hai nhà lãnh đạo Nga và Ấn Độ tăng cường tình hữu nghị và khẳng định mối quan hệ Đối tác chiến lược.

Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã bày tỏ hài lòng trước đà phát triển tích cực của mối quan hệ giữa hai nước hiện nay. Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Nga Putin đã nhất trí triển khai một cuộc đối thoại kinh tế chiến lược giữa hai nước nhằm xác định sự đồng thuận lớn hơn nữa trong thương mại và đầu tư. Đồng thời, hai nước còn đi sâu thảo luận các vấn đề quốc tế chủ chốt, nhất trí về tầm quan trọng của việc xây dựng một trật tự thế giới đa cực. Thủ tướng Modi và Tổng thống Putin quyết định tăng cường tham vấn và phối hợp với nhau, bao gồm cả khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hai bên thống nhất tiếp tục hợp tác với nhau thông qua các tổ chức đa phương như Liên hợp quốc, SCO, BRICS và G20.

Có thể thấy, Nga và Ấn Độ là đồng minh lâu năm, được thử thách qua nhiều thăng trầm, có quan hệ đối tác lâu đời trong các lĩnh vực an ninh, năng lượng nguyên tử... Chính vì vậy, chuyến thăm lần này đã thu hút rất nhiều sự chú ý, đặc biệt trong bối cảnh gần đây quan hệ hai nước chịu những tác động không nhỏ khi cục diện địa-chính trị quốc tế và khu vực đang biến đổi nhanh chóng. Do đó, cuộc gặp lần này cũng được coi là cơ hội để Ấn Độ và Nga làm mới quan hệ Đối tác chiến lược khi mà mối quan hệ giữa hai bên vốn dựa phần lớn vào quốc phòng và quan hệ kinh tế-thương mại thì vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác. Hiện, Ấn Độ đứng thứ 17 trong số các đối tác thương mại của Nga với kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt 4.000 tỷ USD.

Lãnh đạo Nga, Nhật Bản nhất trí hướng tới hiệp định hòa bình

Ngày 26/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định sẽ nỗ lực hướng tới ký kết hiệp định hòa bình sau chiến tranh và đẩy mạnh hợp tác kinh tế song phương.

Trong cuộc hội đàm tại Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận cách thức thúc đẩy hoạt động kinh tế chung trong 5 lĩnh vực tại các quần đảo tranh chấp như đã nhất trí vào tháng 9 năm ngoái. Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí đẩy nhanh các cuộc tham vấn nhằm tăng cường hoạt động thương mại tại các vực trên và cử phái đoàn thương mại đến đây vào mùa Hè này. Nhật Bản hy vọng các hoạt động này sẽ mở đường cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ kéo dài trong nhiều thập kỷ, cuối cùng dẫn tới việc ký hiệp định hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Về phần mình, Nga muốn thu hút đầu tư của Nhật Bản tại khu vực Viễn Đông còn kém phát triển.

Phát biểu tại họp báo ở thủ đô Moskva sau cuộc hội đàm, Tổng thống Putin nhấn mạnh "quan trọng là hai bên cùng kiên nhẫn hướng tới một giải pháp (cho vấn đề hiệp định hòa bình) không chỉ đáp ứng các lợi ích quốc gia của cả hai bên mà còn phải được sự chấp nhận của người dân hai nước". Tổng thống Putin ủng hộ đề xuất cử phái đoàn doanh nghiệp của Nhật Bản đến các đảo tranh chấp vào nửa cuối năm 2018. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga hoan nghênh tiến bộ ổn định của hợp tác Nga-Nhật, trong các vấn đề thương mại-đầu tư, đối thoại chính trị, trao đổi giữa các bộ ngành, khu vực và các cơ quan, cũng như dự án chung trong nhiều lĩnh vực.

Về phần mình, Thủ tướng Abe cho biết Tokyo sẵn sàng tăng cường hợp tác với Nga. Ông bày tỏ hy vọng sẽ đạt được đột phá mới trong việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã khiến quan hệ song phương bị ảnh hưởng nghiêm trong kể từ kết thúc chiến tranh.

Nga và Nhật Bản cùng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo hiện do Nga kiểm soát và gọi là Nam Kuril trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Tranh chấp lãnh thổ khiến hai nước không ký được hiệp định hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ ngoại giao và thương mại song phương.

Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận vấn đề Triều Tiên, trong đó hai bên tái khẳng định mong muốn duy trì hòa bình khu vực, đồng thời hợp tác chặt chẽ trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên...

Công bố giải thưởng Man Booker quốc tế 2018

Ngày 22/5/2018, lễ công bố giải Man Booker Quốc tế 2018 đã được tổ chức tại Bảo tàng Victoria và Albert ở thủ đô London, Anh. Vượt qua 107 tác phẩm khác, cuốn tiểu thuyết với tựa đề tiếng Anh là “Flights” của Olga Tokarczuk đã giành được giải thưởng danh giá này. Với giải thưởng này, tác giả Olga Tokarczuk đã trở thành cây bút Ba Lan đầu tiên đoạt giải thưởng văn học Man Booker Quốc tế.

“Flights”, do dịch giả Jennifer Croft chuyển ngữ sang tiếng Anh và Fitzcarraldo Editions xuất bản, là tiểu thuyết gồm những câu chuyện về phân tích thần kinh học bắt nguồn từ các sự kiện trải dài từ thế kỷ XVII tới nay. Đó là câu chuyện kể về nhà giải phẫu học người Hà Lan Philip Verheyen, người đã mổ xẻ và vẽ những bức ảnh về cái chân cụt của mình. Ông làm như vậy để khám phá ra dây chằng Achilles. Thông qua những câu chuyện kể trên cùng những phân tích về các chủ đề khác nhau, tiểu thuyết “Flights” đã đưa độc giả vượt qua bề ngoài của tầng hiện đại và đi sâu vào bản chất của con người.

Tokarczuk (56 tuổi), là một nhà văn sở hữu 8 tiểu thuyết và 2 bộ sưu tập truyện ngắn, từng đoạt giải thưởng ở Ba Lan. 

Giải thưởng Man Booker Quốc tế (Man Booker International Prize) được thành lập vào tháng 6/2004, do tổ chức Man Group tài trợ, nhằm bổ sung cho giải Man Booker. Khác với giải thưởng Man Booker - giải thưởng văn học được trao hàng năm cho một tiểu thuyết dài được coi là hay nhất viết bằng tiếng Anh và có tác giả là công dân quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung Anh hay công dân Cộng hòa Ireland và Zimbabwe, thì giải Man Booker quốc tế là giải thưởng văn học quốc tế, được trao cho tác phẩm xuất bản bằng tiếng Anh hoặc dịch sang tiếng Anh. Như vậy, giải thưởng này sẽ tôn vinh những tác giả có hoạt động nghệ thuật tích cực, phát triển và có đóng góp chung vào nền văn học nghệ thuật thế giới. Giải có trị giá 50.000 bảng Anh (khoảng 67.000 USD)./.

Tô Chu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực