Tổng thư ký LHQ kêu gọi tăng cường giảm nợ cho các nước đang phát triển

Thứ sáu, 29/05/2020 15:42
(ĐCSVN) – Ngày 28/5, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi tăng cường giảm nợ, đồng thời thúc giục Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đẩy mạnh thanh khoản bằng cách cấp phát mới Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) cho tất cả các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình bị ảnh hưởng do tác động của đại dịch COVID-19.
 Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres. (Ảnh: teletrader.com)

“Giảm bớt nợ nần không thể giới hạn ở các nước kém phát triển nhất”, ông Guterres nhấn mạnh tại cuộc họp trực tuyến cấp cao của LHQ gồm 50 nhà lãnh đạo các nước về cách ứng phó trước các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 gây ra đối với các nền kinh tế. “Việc giảm nợ cần phải được mở rộng cho tất cả các nước đang phát triển và các nước có thu nhập trung bình khi họ yêu cầu hoãn nợ, vì họ mất khả năng tiếp cận thị trường tài chính”.

Tổng Thư ký LHQ cho rằng, các nền kinh tế đang phát triển trên thế giới phải đối mặt với gánh nặng nợ ngày càng tăng, suy thoái toàn cầu, giá xăng dầu và các loại hàng hóa xuất khẩu giảm mạnh, tiền tệ suy yếu. “Nhiều quốc gia đang phát triển và có thu nhập trung bình rất dễ bị tổn thương và đang gặp khó khăn về nợ nần do suy thoái kinh tế toàn cầu”, ông cho hay.

Cũng tại cuộc họp, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass đồng thời đưa ra cảnh báo rằng, cần phải tăng cường giảm nợ hơn nữa. Ông cũng cho biết, tính đến nay có khoảng một nửa trong số 77 các quốc gia nghèo nhất thế giới đủ điều kiện được hưởng trợ giúp đã nộp đơn xin giãn nợ.

Hiện, các quốc gia châu Phi đang đứng trước nghĩa vụ thanh toán khoản nợ lên tới 44 tỷ USD chỉ riêng trong năm nay. Ước tính, đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực tới nền kinh tế sẽ khiến hơn 60 triệu người trên toàn thế giới rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực trên toàn thế giới.

Trước đó, vào tháng 4 vừa qua, chính phủ các nước thuộc nhóm các nền kinh tế phát triển và đang nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đồng ý hoãn việc thanh toán nợ cho 77 nước nghèo nhất thế giới trong 1 năm, kể từ ngày 1/5/2020.

Động thái này được thúc đẩy bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), được coi là một quyết định nhanh chóng phù hợp với tình hình khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và G20 đã kêu gọi các ngân hàng tư nhân cùng tham gia. Đề xuất này được hỗ trợ bởi nhóm chủ nợ của Paris Club, với những nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt với suy thoái kinh tế lớn nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 1930.

Các hành động đóng băng khoản nợ cả gốc lẫn lãi của G20 cho các quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ giúp giải phóng hơn 20 tỷ USD để các quốc gia này cải thiện hệ thống y tế, sẵn sàng đối phó với đại dịch COVID-19 hiện nay. Bên cạnh đó, các chủ nợ thuộc các tổ chức chính phủ hay các tổ chức cá nhân sẽ chi trả từ 12 đến 14 tỷ USD các khoản thanh toán dịch vụ nợ song phương của 77 quốc gia.

Theo Chủ tịch Viện Tài chính Quốc tế (IIF) Tim Adams, “các chủ nợ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới có đủ khả năng thanh khoản cần thiết để đối phó với đại dịch COVID-19”.

Cũng tại cuộc họp, các nhà lãnh đạo thế giới đều đã lên tiếng kêu gọi thế giới cần hợp tác và thích nghi với tình hình mới sau đại dịch COVID-19. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa và Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho rằng các nước cần phải sáng tạo và tìm ra những phương thức hợp tác mới. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định những mục tiêu phát triển bền vững với tầm nhìn tới năm 2030 của LHQ có tầm quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay các nước cần hợp tác để cùng nhau đạt được những mục tiêu đã đề ra./.

Hoài Hà (Theo báo chí nước ngoài)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực