Cân nhắc thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản

Thứ ba, 20/06/2017 21:18
(ĐCSVN) - Sáng 20/6, Quốc hội thảo luận thảo hội trường về dự án Luật Thủy sản sửa đổi. Trong đó, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc việc thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) phát biểu tại Hội trường  (Ảnh: quochoi.vn)

Về thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường, có 3 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất là không thành lập Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, mà cần có chính sách, quy định khuyến khích thành lập và phát triển Quỹ cộng đồng. Loại ý kiến thứ hai là thành lập Quỹ trung ương và Quỹ cấp tỉnh. Loại ý kiến thứ ba là thành lập Quỹ trung ương và khuyến khích phát triển Quỹ cộng đồng, không thành lập Quỹ cấp tỉnh.

Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) cho rằng việc lập quỹ cần cân nhắc cẩn thận đảm bảo khả thi và hiệu quả, tránh mang tính chất hình thức. “Luật Thủy sản năm 2013 đã quy định nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được hoặc một số địa phương có lập nhưng nguồn thu rất ít, chưa hiệu quả thì việc tiếp tục quy định trong luật này cần phải rút kinh nghiệm và có quy định phải đảm bảo tính khả thi cao về huy động nguồn lực tài chính cho quỹ và vận hành quỹ hiệu quả” – đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cũng đề xuất nên đổi tên thành Quỹ bảo vệ và phát triển thủy sản. Theo đại biểu, như vậy nghĩa là không giới hạn trong lĩnh vực nguồn lợi thủy sản mà mở rộng ra các lĩnh vực khác như nuôi trồng, khai thác.

Trong khi đó, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) bày tỏ nhất trí với phương án không thành lập quỹ nhưng cần có chính sách quy định khuyến khích thành lập quỹ cộng đồng. Đại biểu lý giải, nước ta hiện có hơn 70 quỹ tài chính ngoài ngân sách và có xu hướng gia tăng theo đề xuất của các bộ, ngành trình Chính phủ. Theo thống kê sơ bộ nguồn lực tài chính nhà nước ngoài ngân sách hàng năm ước tính khoảng 300.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các quỹ này hoạt động còn kém hiệu quả do cơ chế quản lý lỏng lẻo, nhiều quỹ tồn dư không sử dụng đến, trong khi ngân sách nhà nước phải đi vay để chi.

Đại biểu cũng cho rằng, việc thành lập quỹ vô tình sẽ làm tăng thêm biên chế và chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 39 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng…

Mặt khác, đại biểu nhấn mạnh “Nghị quyết Trung ương V khóa XII đã ban hành nhằm phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường. Trên tinh thần để cơ chế thị trường điều tiết nhiều hơn là sự can thiệp hành chính của Nhà nước. Do vậy nên điều chỉnh quỹ này theo hướng khuyến khích thành lập và phát triển quỹ cộng đồng mà không thành lập cứng nhắc quỹ trung ương hay quỹ địa phương”…

Từ các lý do nêu trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc theo hướng không thành lập quỹ nhưng cần có chính sách quy định khuyến khích thành lập quỹ cộng đồng. Tránh lập lại tình trạng thành lập quỹ nhưng lại không đi vào hoạt động được như trong luật cũ đã ban hành.

Cũng về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cũng đồng tình với ý kiến không thành lập quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách mà cần có chính sách quy định khuyến khích thành lập và phát triển quỹ cộng đồng. Đại biểu phân tích, việc thành lập Quỹ bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cần phải dựa vào địa phương, vào cộng đồng thì mới quản lý hiệu quả. Thực tế một số địa phương đã hình thành quỹ cộng đồng gắn với mô hình đồng quản lý. Vì vậy, để tiếp tục phát triển mô hình thực tế đã có ở các địa phương, đại biểu cho rằng việc khuyến khích thành lập và phát triển quỹ cộng đồng để tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia quản lý hoạt động thủy sản là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, để quỹ được thành lập và hoạt động tốt gắn với mô hình đồng quản lý, đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể về mô hình, về hình thức hoạt động của quỹ ngay trong dự thảo luật.

Ngoài nội dung trên, nhiều ý kiến đại biểu góp ý về những hành vi bị cấm trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.

Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung từ "tận diệt" sau từ "hủy diệt" để quy định được đầy đủ và chặt chẽ, bởi vì hiện nay xuất phát từ nhu cầu của các nhà hàng, các quán ăn uống tại nhiều địa phương trên phạm vi cả nước thì các loại cá con đã trở thành món đặc sản của vùng, miền theo mùa vụ. Điều này làm cho những người khai thác thủy sản hình thành cách thức, các phương thức, các hình thức đánh bắt đặc biệt để đáp ứng nguồn cung ngày càng cao của thị trường như sử dụng các loại phương tiện đánh bắt thủy sản có mắt lưới nhỏ, bắt tất cả các loại cá con có kích thước nhỏ. Nhấn mạnh đây là một phương thức đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt sẽ làm giảm tính đa dạng giống loài thậm trí tiệt trủng một số giống, loài, đại biểu đề nghị hành vi này cũng cần được luật hóa để từ đó có giải pháp ngăn chặn kịp thời bảo vệ tính đa dạng sinh học.

Trong khi đó, đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định) đê nghị bổ sung thêm 2 hành vi bị cấm đó là: tổ chức cá nhân không được nuôi các loại thủy sản ngoại lai khi chưa được sự cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong danh mục. Các tổ chức, cá nhân không được xả chất thải chưa qua xử lý ra nguồn nước mà nguồn nước ấy phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, các loài thủy sản đang sinh sống.

Đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, ở các địa phương vừa qua có tình trạng lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển để nuôi tôm, lấn chiếm mặt biển, đầm, lầy để nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường. Do vậy đề nghị dự thảo luật cần có quy định cấm các nội dung này.  Bên cạnh đó, cần có quy định chặt chẽ về loại thủy sản ngoại nhằm ngăn chặn ngay từ đầu tình trạng xâm nhập các loại thủy sản ngoại lai gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và thiệt hại về kinh tế - xã hội.

Giải trình tai phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Đất nước chúng ta về mặt địa hình, tiềm năng thì được khái quát là tam sông, tứ hải, nhất phần điền. Tại kỳ họp ngay đầu khóa mà Quốc hội dành cho Chính phủ trình hai luật sửa đổi, một là luật về lâm nghiệp, hai là luật về thủy sản cho thấy yêu cầu bức thiết của chúng ta trong việc hoàn thiện tiếp một bước văn bản pháp luật để thực hiện khai thác tiềm năng lợi thế đất nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với điều kiện hội nhập”. 

Bộ trưởng đánh giá những ý kiến đóng góp của các vị đại biểu là rất xác đáng, đầy đủ và sâu sắc.

Lý giải về sự cần thiết thành lập Quỹ, Bộ trưởng khẳng định: “Đa dạng sinh học của chúng ta rất lớn, hàng nghìn loại thủy, hải sản từ miền núi đến hải đảo, tuy nhiên do nguyên nhân này, nguyên nhân khác mà hiện nay thủy, hải sản đang bị cạn kiệt. Muốn không cạn kiệt phải cần có những chế tài và Quỹ này là một chế tài. Nếu chúng ta có chế tài, các tỉnh, các địa phương có điều kiện phục hồi”.

Vẫn theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, hiện nay nhận thức chung của xã hội về bảo vệ môi trường được nâng lên một bước. Các thành phần kinh tế phát triển đến mức có điều kiện để hỗ trợ trong công tác bảo tồn. Nếu như các tỉnh yêu cầu thành phần kinh tế bổ trợ vào quỹ này thì rất nhiều tỉnh sẵn sàng.

“Quỹ này chúng ta nên tính toán căn cơ dài hơi, không vì trước đây không làm được mà bây giờ không có quỹ này. Theo phương châm thiết kế, xã hội hóa tối đa, quản lý chặt, dùng đúng mục đích cả hai cấp là cấp Trung ương và cấp tỉnh. Nếu làm như vậy thì góp phần rất tốt cho môi trường và góp phần rất tốt cho kinh tế của chúng ta” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu./.         

Minh Duyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực