Chắp cánh ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp

Thứ năm, 28/05/2020 21:22
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung một lần nữa khẳng định: Con đường lập thân, lập nghiệp tốt nhất của mỗi người là chọn cho mình một ngành học, một lĩnh vực, ngành nghề phù hợp để lập thân và thông qua thân đấy để lập thân...".
 Nguồn: VTV

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại lễ phát động cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” năm 2020 - Startup Kite, do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức chiều ngày 28/5.

“Bắt đầu có thể là các ý tưởng nhỏ nhưng ngày mai sẽ là đốm lửa sáng”

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại chương trình 

Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang có những tác động to lớn và mạnh mẽ đối với nền kinh tế xã hội toàn cầu.

“Theo nghiên cứu của thế giới gần đây, trong khoảng 10 -15 năm nữa, có khoảng 30% công việc hiện tại và khoảng 40% lao động sẽ có những kỹ năng không còn phù hợp, buộc phải thay đổi. Do đó, việc quan trọng hàng đầu đối với nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực phải hình thành và trang bị cho người lao động kỹ năng cơ bản để thích ứng” - Bộ trưởng phát biểu.

Mặt khác, theo Bộ trưởng, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các nước trên thế giới. Đối với Việt Nam, COVID-19 đang khiến khoảng 670.000 người đang rơi vào tình trạng giãn việc, ngưng việc, thiếu việc và thất nghiệp.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã có quyết tâm chính trị rất lớn. Lần đầu tiên Chính phủ tung ra cái gói trợ giúp xã hội kịp thời và có hiệu quả tức thì. Tuy vậy, theo Bộ trưởng, đây cũng chỉ là những giải pháp có tính chất hỗ trợ, gốc rễ lâu dài chính là tạo cho các doanh nghiệp từng bước tái tạo trở lại thị trường. Trong đó, điều quan trọng là quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nhân lực. Bởi lẽ, “đã đến lúc chúng ta không thể dựa vào nguồn nhân lực với số đông, giá rẻ. Nguồn nhân lực Việt Nam, kể cả đi lao động nước ngoài cũng đòi hỏi phải có kĩ năng” - Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định lại: “Học đại học là điều rất quý, rất nên khuyến khích học đại. Nhưng đại học không phải là con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp. Con đường lập thân, lập nghiệp tốt nhất của mỗi người là chọn cho mình một ngành học, một lĩnh vực, ngành nghề phù hợp để lập thân và thông qua thân đấy để lập thân...".

Với ý nghĩa như vậy, Bộ trưởng đánh giá cao ý nghĩa của cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020. Qua đó tiến tới ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp.

Theo Bộ trưởng, bắt đầu có thể là các ý tưởng nhỏ nhưng ngày mai sẽ là đốm lửa sáng. Bộ trưởng kỳ vọng các doanh nhân thành công sẽ hưởng ứng và nhiệt tình trong việc dẫn đường chỉ lối cho thanh niên, sinh viên.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT, đại diện Hội đồng cố vấn cuộc thi khẳng định: “Với tư cách ban cố vấn, ban giám khảo, chúng tôi sẽ cổ vũ các bạn và sẽ theo các bạn, hỗ trợ các bạn, chúng tôi sẽ là bệ đỡ cho những cánh diều ước mơ của các bạn bay lên. Trong cuộc thi này không phải người được giải là người chiến thắng, mà những người nhiệt tình tham gia cuộc thi này mới là người chiến thắng chân chính”.

 Đại diện cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Cao đẳng FPT Polytechnic cho rằng, sau đại dịch COVID-19, việc làm trở nên mong manh hơn bao giờ hết, vậy nên các bạn sinh viên không chỉ đơn thuần trông đợi nhận lương hàng ngày mà hãy sẵn sàng khởi sự doanh nghiệp của chính bản thân mình.

“Trong suốt 10 năm thành lập, FPT Polytechnic đã có những tấm gương sinh viên khởi nghiệp. Điều này này bắt nguồn từ chính triết lý “Thực học - Thực nghiệp" của nhà trường. Học những gì doanh nghiệp cần, học qua dự án, thầy cô chính là những chuyên gia dẫn dắt, tham quan - phỏng vấn với doanh nghiệp… Tôi tin rằng, việc tiếp cận thực tế, tiếp xúc doanh nghiệp chính là môi trường để những ý tưởng khởi nghiệp ra đời, rút ngắn khoảng cách từ ý tưởng đến thực tế” – ông Vũ Chí Thành nói.

Cơ hội nhận hỗ trợ triển khai dự án từ các nhà đầu tư

 Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động cuộc thi

Startup Kite là hoạt động nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và tự tạo việc làm của HSSV trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; kích thích óc sáng tạo, tư duy năng động, truyền nguồn cảm hứng kinh doanh; thúc đẩy việc ứng dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị trong nhà trường vào cuộc sống; đồng thời kết nối các dự án có tính khả thi cao với các nhà đầu tư.

Startup Kite năm 2020 sẽ được tổ chức thành ba vòng: vòng sơ tuyển, bán kết và vòng chung kết.

Vòng sơ tuyển sẽ diễn ra từ ngày 28/5 đến hết ngày 15/8, thí sinh/đội thi tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc gửi hồ sơ dự thi về cơ sở giáo dục nghề nghiệp mình học tập. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ lựa chọn ra 3 hồ sơ (Nhất, Nhì, Ba) để vào vòng bán kết trước ngày 20/8.

Vòng bán kết (vòng khu vực) diễn ra với hình thức online và offline từ 20/8 - 10/10 theo 8 khu vực trên cả nước: Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ. Các thí sinh/nhóm thí sinh sẽ thuyết trình và phản biện với Ban giám khảo là đại diện các doanh nghiệp trong khu vực để bảo vệ ý tưởng của mình. Tại mỗi khu vực sẽ chọn ra 3 hồ sơ (Nhất, Nhì, Ba) để tham dự vòng chung kết, hoàn thành trước ngày 11/10.

Vòng chung kết dự kiến diễn ra ngày 14-15/11 tại TP Hồ Chí Minh. 24 thí sinh/đội thí sinh xuất sắc nhất sẽ thuyết phục, thương thuyết với nhà đầu tư để huy động vốn, đồng thời sẽ xử lý những tình huống do Ban giám khảo đưa ra.

Dự kiến, lễ trao giải thưởng cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp” diễn ra vào ngày 15/11 tại TP Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp năm 2020.

Cơ cấu giải thưởng gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba, 21 giải Khuyến khích và 1 giải được yêu thích nhất. Mỗi giải Nhất, Nhì, Ba được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kèm tiền thưởng, Cup Vàng/Bạc/Đồng khởi nghiệp và nhận hỗ trợ triển khai dự án từ các nhà đầu tư. Giải khuyến khích và giải được yêu thích nhất được tặng giấy khen của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp kèm tiền thưởng và được hỗ trợ triển khai dự án từ các nhà đầu tư.

Hội đồng cố vấn và giám khảo của cuộc thi có ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam – Vinasa; ông Phạm Đình Đoàn, chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Phó chủ tịch Câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ; Shark Trần Anh Vương, Phó chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam; ông Lê Hải Bình, Chủ tịch AXYS Group, Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam; bà Lương Tú Anh, Tổng giám đốc Mắt Bão BPO, Phó chủ tịch Câu lạc bộ khởi nghiệp và hơn 30 doanh nhân trẻ thành đạt, hội viên Hội doanh nhân trẻ Việt Nam là chuyên gia cố vấn, giám khảo vòng bán kết (khu vực)./.



Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực