Chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp chống oan, sai

Thứ hai, 06/11/2017 15:14
(ĐCSVN) – Từ các vụ án oan thời gian qua, người bị oan đều khai quá trình điều tra bị Điều tra viên bức cung, nhục hình, ép khai báo sai sự thật nên buộc phải nhận tội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Bộ Công an, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao rà soát, đánh giá cụ thể vấn đề bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra và có giải pháp để khắc phục triệt để việc này.

Tỷ lệ khởi tố án tham nhũng tăng 20,8%

Sáng 6/11, trình bày Báo cáo công tác năm 2017, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí cho biết: Năm 2017, ngành Kiểm sát đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết số: 37, 63, 96 và 111 của Quốc hội, góp phần quan trọng vào công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Cụ thể: Đã kiểm soát chặt chẽ 100% các quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; số vụ việc yêu cầu khởi tố tăng 24,7% so với năm 2016; số vụ hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự tăng 32,5%;...

Các trường hợp bắt, tạm giữ, đã xử lý hình sự đạt 97,3%; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,9%, vượt 9,9% chỉ tiêu của Quốc hội; tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,9%, vượt 4,9% chỉ tiêu của Quốc hội; đặc biệt, số bị can phải đình chỉ do không tội phạm giảm 55,3%.  

 

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí báo cáo kết quả công tác năm 2017.(Ảnh: Văn Bình).


Kết quả, chất lượng tranh tụng tiếp tục được nâng cao; số bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm 14,3%; số kháng nghị được Tòa án xét xử chấp nhận vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 37 của Quốc hội (kháng nghị phúc thẩm vượt 13,8%, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm vượt 25,9%). Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự tăng 7,9%.

Năm 2017, ngành Kiểm sát tiếp tục chủ động phối hợp tốt với các cơ quan tư pháp xử lý nghiêm minh nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; điều tra hơn 5.000 vụ án trọng điểm; xét xử lưu động hơn 9.000 phiên tòa hình sự; tổ chức gần 8.000 phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính để rút kinh nghiệm.

Đáng chú ý, tỷ lệ khởi tố án tham nhũng tăng 20,8% (Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã phát hiện, khởi tố 14 vụ, chiếm 6,3% tổng số án tham nhũng các Cơ quan điều tra mới khởi tố); chất lượng điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên; không có trường hợp khởi tố, truy tố, xét xử oan; việc xử lý nghiêm minh, số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ giảm 4%.

VKSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, TAND tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố 11 vụ/134 bị can và đưa ra xét xử sơ thẩm, phúc thẩm 13 vụ/223 bị cáo về các hành vi tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, như: vụ Hà Văn Thắm, vụ Phạm Công Danh, vụ Giang Kim Đạt,… Đây là những vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo, theo dõi; kết quả xét xử được dư luận đồng tình ủng hộ, góp phần tạo hiệu ứng tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Nhấn mạnh ngành Kiểm sát luôn coi chống oan sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu và cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất, bởi lằn ranh giữa oan sai và bỏ lọt tội phạm rất hẹp, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết: Trong năm 2017, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp chống oan, sai. Kết quả, các trường hợp oan, sai giảm mạnh, điển hình là: số bị can đình chỉ do không phạm tội giảm 55,3%; số bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm xét xử tuyên không phạm tội giảm 14,3%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, một số đơn vị chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; việc phê chuẩn một số quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn chưa chính xác; một số trường hợp phải đình chỉ do bị can không phạm tội (chiếm 0,015% bị can đã xử lý, giải quyết) và một số trường hợp truy tố không đúng tội (chiếm 0,1% bị can đã truy tố); có trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội (chiếm 0,004% số bị cáo đã xét xử); việc giải quyết một số vụ án về tham nhũng còn kéo dài. Một số VKSND chưa kiểm sát chặt chẽ, kịp thời việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, nhất là đối với các tố giác, tin báo về tham nhũng….

Cần rà soát, đánh giá cụ thể vấn đề bức cung, nhục hình

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết: Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của VKSNDTC về những kết quả đạt được và nhận thấy, năm 2017, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của VKSND các cấp tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, tiến độ, chất lượng giải quyết một số vụ án vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; đáng lưu ý còn 32 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố phải đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm. Tỷ lệ trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng tăng.

Đáng lưu ý, số vụ án VKSNDTC thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, sau đó phân công cho VKSND địa phương thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm bị Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung vẫn chiếm tỷ lệ cao (45/114 vụ, chiếm 39,4%), trong đó phần lớn là các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng (32/45 vụ, chiếm 71,1%).

“Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, đây là những vụ án lớn, được dư luận đặc biệt quan tâm, do đó, cần có những giải pháp cụ thể để khắc phục triệt để những hạn chế và nâng cao chất lượng, tiến độ giải quyết đối với loại án này”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.

Bên cạnh đó, một số trường hợp VKSND truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt nên VKSND phải rút quyết định truy tố đối với 52 bị cáo, Tòa án chuyển tội danh khác đối với 65 bị cáo hoặc tuyên bị cáo không phạm tội. Số vụ việc được phát hiện, khởi tố, điều tra chỉ có 28 vụ là chưa phản ánh đúng tình hình tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ, VKSNDTC rà soát, thống kê về tổng số vụ án, bị can đang tạm đình chỉ điều tra từ trước cho đến thời điểm báo cáo; phân tích về các trường hợp tạm đình chỉ; trong đó, đặc biệt chú ý đến các vụ án sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, kịp thời làm rõ các vụ án có căn cứ phục hồi điều tra để điều tra kết luận vụ án.

Từ các vụ án oan thời gian qua, người bị oan (như các ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long…) đều khai quá trình điều tra bị Điều tra viên bức cung, nhục hình, ép khai báo sai sự thật nên buộc phải nhận tội. Đề nghị Bộ Công an, Cơ quan điều tra VKSNDTC rà soát, đánh giá cụ thể vấn đề bức cung, nhục hình trong giai đoạn điều tra và có giải pháp để khắc phục triệt để việc này.

VKSNDTC làm rõ những hạn chế của ngành Kiểm sát trong công tác kháng nghị đối với các bản án, quyết định dân sự, hành chính trong năm 2017, đặc biệt là nguyên nhân VKSNDTC chỉ kháng nghị được 01 vụ án loại này trong khi TANDTC kháng nghị tới 100 vụ. Đồng thời, đề nghị VKSNDTC cần có các giải pháp mạnh để nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hành chính.

Trong năm 2017, VKSND tối cao tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung lực lượng và bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra nhằm bảo đảm Cơ quan điều tra VKSND tối cao thực hiện tốt thẩm quyền điều tra theo quy định mới của pháp luật. Kết quả, hoạt động khởi tố, điều tra tuân thủ đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo, đạt 91,4%, tăng 16,8%, tỷ lệ kết thúc điều tra đạt 81,4%, tăng 14%, đều vượt chỉ tiêu của Quốc hội; nổi bật là đã phát hiện khởi tố nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp (chiếm 62,8% tổng số án đã khởi tố), kết quả thu hồi, phong tỏa tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ cao (54,7%).

Toàn Ngành thực hiện gần 9.000 cuộc kiểm sát trực tiếp công tác thi hành án, ban hành hơn 5.000 kháng nghị, kiến nghị yêu cầu các cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm, chất lượng kháng nghị được nâng lên; tỷ lệ kiến nghị được chấp nhận vượt 16,6% chỉ tiêu Nghị quyết số 111 của Quốc hội.

 

 

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực