Chủ động các giải pháp chống xâm lấn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long

Thứ ba, 23/03/2010 10:04

 Nước ngọt bị xâm lấn mặn đang phổ biến ở nhiều
địa phương tại ĐBSCL (ảnh: Internet)

(ĐCSVN) - Hiện nay, nhiều tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng. Cùng với đó nước cũng bị xâm mặn gây hại cho cây trồng, đe dọa đến năng suất vụ lúa đông xuân 2009-2010.

Theo thống kê hiện có khoảng 80.000 ha lúa đông xuân tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau chậm phát triển hoặc thiếu nước ngọt để tưới. Tại một vài địa phương xuất hiện tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ. Các dòng sông ở đây cũng đều bị nhiễm mặn. Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, mực nước trên các sông chính trong khu vực như sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tiền, Hàm Luông, Cổ Chiên... đều xuống thấp và độ mặn cao hơn cùng kỳ nhiều năm. Hiện nước mặn đã xâm nhập sâu từ 30- 40km trên các sông chính tại khu vực này.

Xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của hơn 4 triệu người dân trong khu vực. Hiện, ở một số nơi như các đảo của Kiên Giang người dân do thiếu nước sinh hoạt nên phải mua nước với giá 120.000 đồng/m3; ở Bình Đại là 70.000 đồng/m3.

Trước diễn biến của tình trạng này, mới đây, tại Sóc Trăng, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai giải pháp chống hạn và xâm nhập mặn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, theo đó, Bộ NN&PTNT cho rằng, những giải pháp phải làm ngay là khẩn trương xây dựng đập tạm giúp dân trữ nước ngọt và ngăn mặn xâm nhập sâu hơn. Tích cực trữ nước ngọt ở những nơi có thể…. Các địa phương nên chuyển sang trồng các giống lúa chịu mặn, phèn; bố trí lịch thời vụ né hạn, mặn; tập trung cho thủy lợi nội đồng; điều tiết nguồn nước hợp lý để đảm bảo phục vụ sản xuất.

Bộ trưởng  Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan khoa học gấp rút rà soát lại công tác quy hoạch thủy lợi cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long có tính tới tác động yếu tố biến đổi khí hậu bao gồm nước biển dâng và thay đổi chế độ nước, chế độ nhiệt của toàn bộ khu vực, trong đó có sự ảnh hưởng bất thường của sự xâm nhập mặn, hạn hán, thủy triều... trong những năm gần đây để quy hoạch sát với thực tế và có các biện pháp phòng chống có hiệu quả.

Cùng với các bộ, ngành, hiện nhiều địa phương đã triển khai các biện pháp để chống xâm lấn mặn. Tại Bến Tre, theo Trung tâm khí tượng thuỷ văn tỉnh Bến Tre, từ nay đến cuối tháng 3, tháng 4 và đầu tháng 5/2010, nước mặn có khả năng xâm nhập sâu trên các sông chính trong tỉnh từ 55 - 60km (hiện nay là 40km). Để khẩn trương ngăn chặn tình trạng này, Sở NN & PTNT Bến Tre đã thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh giúp người dân nắm rõ khả năng chống chịu mặn của một số loại cây trồng, vật nuôi để bà con chủ động phòng chống, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm; đắp đập cục bộ, tạm thời trên các kênh, rạch để trữ nước ngọt, đề phòng mặn xâm nhập sâu và kéo dài. Sở cũng chỉ đạo các trạm thuỷ nông thường xuyên kiểm tra các công trình đầu mối, trục dẫn; đo độ mặn hàng ngày ở các cửa cống lấy nước để xây dựng lịch vận hành công trình cho phù hợp và đồng bộ, đảm bảo phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Tại Vĩnh Long, tỉnh đã chủ động thực hiện các biện pháp trữ nước, tiết kiệm nước, đẩy nhanh tiến độ các công trình thủy lợi; tranh thủ lấy nước ngọt giữ lại trong đợt nước lớn để có đủ nước tưới phục vụ sản xuất khi nước ròng. Đặc biệt, ngành Nông nghiệp tỉnh còn huy động trên 10.000 máy bơm lớn nhỏ với công suất từ 500 -1.000 mét khối/giờ để bơm, tát, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho đất sản xuất nông nghiệp trong vụ Hè Thu....

Tại An Giang, tỉnh đã khẩn trương triển khai các phương án phòng chống hạn, chống xâm nhập mặn; sử dụng nguồn nước ngọt tiết kiệm, hợp lý để phục vụ cho sản xuất, ngành Nông nghiệp An Giang triển khai nạo vét 120 kênh mương thủy lợi với chiều dài trên 404 km, tổng khối lượng nạo vét trên 4,66 triệu mét khối, kinh phí thực hiện 64 tỷ đồng. Ngành yêu cầu các địa phương khẩn trương tiến hành nạo vét các tuyến kênh mương bị bồi lắng, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất và nước sinh hoạt cho ngưòi dân. Bên cạnh đó, có kế hoạch vận hành hợp lý các công trình cống bọng để điều tiết nước, trữ nước; kết hợp với ngành liên quan để đóng, mở các cống, điều hòa phân phối nước hợp lý, hạn chế thấp nhất tình trạng người dân tự ý xé bờ bao, mở cống không đúng quy trình làm thất thoát nguồn nước ngọt.

Tại Trà Vinh, theo quan trắc của ngành chuyên môn, độ mặn đo được tại khu vực vàm Trà Vinh trên sông Cổ Chiên - cách biển 35 km vào thời điểm hiện nay là 6,8%o (độ mặn nước biển khoảng 30%o) và tại vàm Cầu Quan trên sông Hậu - cách biển 40 km là 8,0%o. Độ mặn được các ngành chuyên môn dự báo là sẽ tiếp tục tăng cao và đạt đỉnh vào tháng 4, hiện nay tỉnh đã chỉ đạo vận hành điều tiết công trình một cách hợp lý để chống xâm mặn nội đồng... Đồng thời ngành nông nghiệp vẫn đang tiếp tục tăng cường nạo vét kênh thuỷ lợi nội đồng để phục vụ cấp nước trong khu vực.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực