Đại biểu Quốc hội: Giải pháp rất tốt nhưng sao không tạo đột phá?

Thứ năm, 25/05/2017 20:47
(ĐCSVN) – Phát biểu thảo luận tại tổ chiều ngày 25/5, đại biểu Nguyễn Công Bình (TP Hà Nội) đặt câu hỏi: các giải pháp phát triển kinh tế- xã được Chính phủ đưa ra đều tốt nhưng tại sao không tạo đột phá, không xoay chuyển?

Chiều 25/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, Sóc Trăng, Bình Phước thảo luận tại tổ (Ảnh: KT)

Giải pháp tốt nhưng sao không tạo đột phá?

Tại phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, Sóc Trăng, Bình Phước, nhất trí với những mặt đạt được nêu trong báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) lưu ý đến tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản còn tương đối cao; nợ đọng xây dựng cơ bản chủ yếu ở địa phương chứ không phải là nợ đọng từ ngân sách trung ương và việc chuyển nguồn từ ngân sách địa phương là rất lớn.

Tán thành với 9 nhóm giải pháp của Chính phủ trình Quốc hội trong kỳ họp này, đại biểu nhận xét, nếu chỉ nhìn vào các giải pháp của Chính phủ để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% thì vẫn có thể đạt được vì vẫn còn dư địa đầu tư công đã được Quốc hội phê duyệt trong kế hoạch đầu tư trung hạn và bố trí vốn trong kế hoạch tài chính 5 năm. Song đại biểu lo lắng bởi “Với cách làm như hiện tại thì dù các cơ quan Quốc hội rất sát cánh với Chính phủ nhưng đến thời điểm này giải ngân của tuyến đường cao tốc Bắc Nam sẽ ngày càng khó. Bởi theo luật đầu tư công thì đây là dự án trọng điểm quốc gia, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội”. Đại biểu cũng tính toán “Nếu 1 đồng đầu tư xây dựng cơ bản thì có thể huy động thêm 3 - 4 đồng xã hội. Như vậy nếu thêm được 20.000 tỷ đầu tư công thì thêm được 70-80 nghìn tỷ huy động từ xã hội góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng”.

Với công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đại biểu nêu vấn đề: “Khi đi nghiên cứu các Tập đoàn, Tổng công ty có vốn nhà nước thì bên cạnh việc họ bảo chờ đợi Nghị quyết Trung ương rồi mới xem đổi mới doanh nghiệp nhà nước như thế nào thì thực chất lại trông chờ xem ai là chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước”.

Với sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Đức Kiên thẳng thắn phát biểu: “nếu Thủ tướng không quyết liệt đưa bộ máy này vào hoạt động thì công tác cổ phần hóa rất khó khăn, dẫn đến rất khó rút vốn từ các doanh nghiệp nhà nước”.

 Đại biểu cũng kiến nghị “khi rút vốn thì Thủ tướng có trọng tâm luôn là đầu tư vào chỗ nào, công trình trọng điểm nào, lúc đấy mới giao cho các đơn vị cổ phần hóa bán vốn nhà nước theo tiến độ công việc mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy vừa tiết kiệm, không thất thoát mà lại mở ra cho mọi đối tượng của xã hội tham gia vào các ngành nghề vẫn bảo rằng rất hót, rất lãi như: bia, nước giải khát… Tôi cũng đề nghị Thủ tướng kiên quyết thực hiện tuyên bố của Thủ tướng trong năm 2016 là Chính phủ không đi bán bia, bán sữa”.

Đại biểu cũng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của cơ quan quản lý nhà nước thêm 1 bước bởi “Qua thông tin 20 nghìn liều thuốc ung thư bị hủy cho thấy tuy số tiền khoảng 14 tỷ do các nhà tài trợ, không phải vốn ngân sách nhưng cho thấy dấu hiệu cán bộ công chức không thể hiện hết tinh thần công bộc của dân như Thủ tướng đang chỉ đạo”.

Trong khi đó, phân tích báo cáo của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Quốc Bình (TP Hà Nội) bày tỏ lo ngại khi kinh tế tăng trưởng chậm, cơ cấu kinh tế chưa có chuyển dịch rõ rệt, công nghiệp xuất khẩu chủ yếu khai khoáng phụ thuộc vào giá dầu, chi đầu tư giải ngân thấp…

Về các giải pháp được Chính phủ đưa ra, đại biểu nhận định đây là giải pháp truyền thống nhưng chưa có đột phá. Đại biểu đề nghị cần có giải pháp cụ thể hơn, trước mắt đề nghị tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô; giảm lãi suất trung và dài hạn; tập trung tín dụng vào sản xuất; đẩy nhanh giải ngân các dự án theo kế hoạch.

“Giải pháp Chính phủ đưa ra rất tốt nhưng tại sao chúng ta không tạo được đột phá, không xoay chuyển được cơ bản?. Chúng ta nên xem xét lại, cần có cơ quan xem xét việc điều hành, hiệu lực thực thi các chính sách. Tôi nghĩ Chính phủ cần thành lập các tổ công tác vào từng lĩnh vực” – đại biểu đề xuất.

Quy trình có "vấn đề" thì cần sớm sửa đổi

Bên cạnh nội dung về kinh tế nhiều ý kiến đại biểu cũng bày tỏ quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, xã hội.

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (TP Hà Nội) đánh giá báo cáo của Chính phủ đã thể hiện rõ nội dung kết quả đạt được nhưng về lĩnh vực văn hóa xã hội cần quan tâm thêm. Theo đó, về giảm nghèo bền vững, Chính phủ cần phân tích đánh giá thêm thành tựu nhưng thời gian vừa qua Chính phủ cũng chậm ban hành 1 số dự án về giảm nghèo bền vững của giai đoạn 2016 – 2020 do đó đã ảnh hưởng đến mục tiêu quốc gia về giảm nghèo.

Về an toàn thực phẩm, theo đại biểu, Chính phủ đã chú trọng an toàn thực phẩm nhưng các bộ ngành chưa ban hành quy định về an toàn thực phẩm về chế biến dẫn đến ngộ độc thực phẩm nhiều nơi. “Chính phủ cần làm rõ an toàn thực phẩm ở khâu nào chứ cứ để chung chung thì năm sau sẽ có nhiều vụ ngộ độc hơn năm nay” – đại biểu nêu ý kiến.

Đáng chú ý, đại biểu cho rằng báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đến vấn đề gây nhức nhối xã hội gần đây là là bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em có diễn biến phức tạp.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thuận (Hải Phòng) bày tỏ lo ngại trước tình trạng có nhiều thông tin bị xuyên tạc, bịa đặt xúc phạm danh dự tổ chức, cá nhân thường xuyên liên tục mà không có xử lý rốt ráo. Hơn nữa, đại biểu cho rằng việc bố mẹ, con cái cùng nhà nhưng mỗi người một thiết bị cầm tay cũng đang thách thức tất cả giá trị văn hóa truyền thống mà lo ngại nhất là hình thành lớp trẻ vô cảm, tâm lý tiêu sài. “Tất cả những câu chuyện ấy chúng ta cần đặt vấn đề cho đúng, tôi nghĩ đã đến lúc siết chặt mặt trận thông tin” – đại biểu góp ý.

Trong khi đó, quan tâm đến thực trạng tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, đại biểu Phan Thị Bình Thuận (Tp Hồ Chí Minh) nêu: “Có nhiều nơi cán bộ lãnh đạo nhiều hơn so với nhân viên, nêu vấn đề này thì khi nào cũng nói đúng quy trình như vậy quy trình có vấn đề nên đề nghị cần sớm xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức viên chức cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành để việc tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ công chức viên chức đảm bảo chặt chẽ, tuyển dụng được đúng người có năng lực vào các cơ quan, đơn vị. Qua đó cũng đề nghị tăng cường công tác tổ chức thi các chức danh lãnh đạo trong bộ máy để tuyển dụng người có năng lực, trình độ chuyên môn”.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách phát biểu: "Nếu trước đây người dân thường phản ánh thực trạng bổ nhiệm cán bộ theo kiểu: thứ nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ và thứ tư là trí tuệ thì giờ đây người ta nói là "đồ đệ" đã thay trí tuệ ở vị trí thứ tư nên người tài không còn cửa vào bộ máy"./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực