Đề xuất TP Hà Nội được tăng mức thu phí, lệ phí

Thứ hai, 01/06/2020 11:07
(ĐCSVN) – Chính phủ đề xuất TP Hà Nội được thực hiện thí điểm: Thu phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí; Tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%) được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí...
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Tờ trình (Ảnh: quochoi.vn) 

Sáng 1/6, tại phiên họp thứ 45 (Đợt 2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Hà Nội muốn quyết định một số khoản thu phí

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tiếp thu ý kiến UBTVQH tại phiên họp thứ 44, Chính phủ đã soạn thảo các nội dung Nghị quyết gồm 6 cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù sau:

Nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc Thủ đô phải đảm bảo khả năng trả nợ.

Cho phép tạm ứng Quỹ Dự trữ tài chính của thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng.

Được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội.

Nguồn: VTV 

Cho phép sử dụng kinh phí thường xuyên của một số đơn vị do tiết kiệm được để đầu tư công trình nhỏ mang tính chất xây dựng cơ bản, không phải theo quy trình của Luật Đầu tư công.

Cho phép sử dụng ngân sách cấp thành phố hỗ trợ các địa phương khác (trong nước) để đầu tư xây dựng một số công trình phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo chương trình hợp tác giữa Thủ đô và các địa phương.

Việc giao cho Hội đồng nhân dân quyết định về cơ cấu ngân sách sử dụng cho giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, tại Tờ trình mới, UBND TP Hà Nội đề xuất bổ sung thêm 03 nội dung. Cụ thể gồm: HĐND thành phố Hà Nội quyết định một số khoản thu phí (ban hành danh mục, tăng mức); Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Thành phố như đã báo cáo ở trên sẽ tạo động lực cho Thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn; giúp Thành phố có điều kiện sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đã có và huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, giao thông, ngập úng.

 "Về cơ bản, không có ảnh hưởng đến Kế hoạch tài chính 05 năm Quốc gia, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội phê chuẩn; cũng như cơ bản không làm thay đổi các cân đối lớn về ngân sách nhà nước và nợ công, cũng như không ảnh hưởng đến phân bổ Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các Bộ và các địa phương và có tác động tích cực đến việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính – NSNN và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Thành phố và cả nước. Việc cho phép thí điểm chính sách thu phí mới hoặc điều chỉnh các chính sách thu phí hiện có sẽ có tác động đến một số doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Thành phố, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng lớn đến sản xuất, lưu thông hàng hóa của thị trường cả nước; tập trung thu đối với hàng hóa, thu nhập trực tiếp phát sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội " - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Phải được sự đồng thuận của nhân dân

Thẩm tra dự thảo nghị quyết, Uỷ ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội cơ bản đồng tình với các nội dung Chính phủ trình.

Về nội dung mới liên quan đến thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí, cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định này tương thích với cơ chế thí điểm đối với Thành phố Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Vì vậy, cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình.

Tuy nhiên, về việc cho phép tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đối với các loại phí (không kể loại phí thuộc nguồn thu NSTW hưởng 100%), đa số ý kiến đề nghị không quy định trần tăng thu, mức tăng cụ thể do HĐND Thành phố quyết định trên cơ sở thực tế và có sự đồng thuận của nhân dân.

Bên cạnh đó, có ý kiến đồng ý với việc tăng mức thu phí 1,5 lần so với quy định hiện hành nhưng phải kiểm soát, quản lý chặt chẽ, đảm bảo không gây ảnh hưởng đến thị trường và xã hội.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ủng hộ quan điểm không quy định trần tăng thu. “Nếu quy định chỉ tăng không quá 1,5 lần thì sau này HĐND TP Hà Nội có thể bị trói hơn HĐND TP Hồ Chí Minh” – ông nói.

Đồng tình với đề xuất, song Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc lại, mục tiêu chính của vấn đề này không phải để tăng thu, mà để thực hiện mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước, đảm bảo an ninh, đảm bảo Hà Nội thực sự là thủ đô văn minh, hiện đại.

Về mức tăng, ông đề nghị không quy định cứng là 1,5 lần, Hà Nội có thể thu phí gấp 3-4 lần mức chung, nhưng phải hợp lý và đảm bảo nhận được sự đồng tình của nhân dân, xã hội.

Ngoài ra, các ý cơ bản nhất trí với đề xuất ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: UBTVQH thấy rằng, việc ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính - ngân sách là rất cần thiết để tạo cơ chế chủ động trong sử dụng các nguồn lực để phát triển thủ đô. Đây là yêu cầu đặt ra để tiếp tục thực hiện tốt hơn Luật Thủ đô và cũng là làm thí điểm để từ đó tổng kết, đánh giá ban hành chính sách mới, góp phần tăng quyền phân cấp cho các địa phương.

Theo đó, UBTVQH nhất trí bổ sung Nghị quyết này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV để Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự rút gọn, thông qua tại 1 kỳ họp.

Về hồ sơ, đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến, hoàn chỉnh lại hồ sơ theo đúng quy định pháp luật. Ủy ban Tài chính – Ngân sách sẽ thẩm tra chính thức để trình ra Quốc hội ngay kỳ họp đợt 2 này.

Về cơ chế cụ thể, UBTVQH nhất trí trình ra Quốc hội xem xét, quyết định các cơ chế đặc thù về tài chính ngân sách cho thành phố Hà Nội như Chính phủ trình. Tuy nhiên, lưu ý không khống chế về mức trần thu phí, lệ phí mà giao cho HĐND thành phố Hà Nội quyết định danh mục và mức thu, trừ lệ phí tòa án.../.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực