Đổi mới phương thức quản lý bằng pháp luật thích ứng với cách mạng 4.0

Thứ sáu, 22/03/2019 15:01
(ĐCSVN) - Để thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam và Lào phải đổi mới phương thức quản lý nhà nước bằng pháp luật hướng tới một nền quản trị mở dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.
Ngày 22/3, tại Hải Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Lào, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội quốc gia Lào và Thành uỷ Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế: “Quản lý nhà nước bằng pháp luật thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ở Việt Nam và Lào”.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương,
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu tại Hôi thảo (Ảnh: VA)

Việt Nam và Lào là hai quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra cho hai nước Việt Nam và Lào nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh. Tuy nhiên, cả hai nước sẽ phải đối phó với nhiều thách thức như: Sự tụt hậu về công nghệ, sự rối loạn thị trường lao động truyền thống, khả năng mất an toàn, an ninh thông tin, sự thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao, xâm phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ…

Để thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam và Lào phải đổi mới phương thức quản lý nhà nước bằng pháp luật hướng tới một nền quản trị mở dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Đó phải là nền quản trị đáp ứng các yêu cầu: Sự minh bạch trong hoạt động của chính quyền; sự tuân thủ các giá trị đạo đức, nguyên tắc và chuẩn mực chung để duy trì và ưu tiên lợi ích công cộng; trách nhiệm giải trình trước người dân về các quyết định của Nhà nước và sự chịu trách nhiệm về những quyết định đó; sự tham gia của các chủ thể trong xã hội vào quá trình hoạch định, triển khai chính sách và cung cấp dịch vụ.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đột phá công nghệ trong nhiều lĩnh vực đang tạo ra những thay đổi sâu sắc trong cuộc sống, việc làm, hoạt động sản xuất kinh doanh và phương thức quản lý, điều hành của nhà nước.

Bước chuyển nhanh sang nền kinh tế số và tầm quan trọng của tiến bộ khoa học – công nghệ trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế sâu, rộng đưa đến 3 cách tiếp cận phát triển mới cho mọi quốc gia: Thứ nhất, lợi thế phát triển quan trọng nhất thuộc về những ngành công nghệ cao dựa trên tri thức và số hoá; thứ hai, nguồn lực phát triển quan trọng nhất là tài nguyên số, tri thức và nhân tài; thứ ba, cơ hội phát triển quan trọng nhất đến từ nỗ lực tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

GS Nguyễn Xuân Thắng nhận định: Thực tiễn hơn 30 năm tiến hành công cuộc Đổi mới ở Việt Nam cho thấy, mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng đã mang lại tốc độ tăng trưởng khá cao, góp phần giảm mạnh tỷ lệ đói nghèo. Tuy nhiên, nếu tiếp tục duy trì mô hình đó, càng hội nhập sâu hơn, nền kinh tế Việt Nam sẽ càng lệ thuộc vào bên ngoài, càng có nguy cơ lún sâu vào “bẫy gia công, lắp ráp” và vướng vào những nấc thang thấp của chuỗi giá trị toàn cầu.

Để vươn tới khát vọng trở thành một quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ, Việt Nam cần chuyển sang mô hình tăng trưởng mới, dựa trên nền tảng công nghệ, tri thức và đổi mới sáng tạo. Nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển dịch của nền kinh tế cần song hành với việc thiết lập được môi trường thể chế và quản trị phù hợp, mà trụ cột là bộ máy nhà nước tinh gọn, vận hành hiệu lực, hiệu quả.

GS Nguyễn Xuân Thắng cho hay, mô hình quản lý nhà nước bằng pháp luật ở Việt Nam là mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng với nhiệm vụ “then chốt” xây dựng Đảng toàn diện cả về tư tưởng và đạo đức, bộ máy và cán bộ, mang tư duy và hành động đổi mới, nỗ lực xây dựng Nhà nước quản lý theo pháp luật, liêm chính, phục vụ và hành động đang được triển khai đồng bộ và quyết liệt, đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.

GS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, những kết quả của Hội thảo sẽ được Ban tổ chức chắt lọc phục vụ cho việc soạn thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội lần thứ XI của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.

Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Thongsalith Mangnomek, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện Chính trị và hành chính quốc gia Lào bày tỏ: Hội thảo lần này có ý nghĩa đối với hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân hai nước Lào – Việt Nam, Việt Nam – Lào. Đúng vào thời điểm Đảng nhân dân cách mạng Lào và Đảng Cộng sản Việt Nam đang triển khai nghị quyết của Đảng hơn nửa nhiệm kỳ. Trong giai đoạn này, Việt Nam và Lào đã thu được thành tựu to lớn: Chính trị có sự ổn định, kinh tế tăng trưởng liên tục và văn hoá xã hội tiến bộ không ngừng phát triển. Nổi bật trong giai đoạn này, Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã đề ra và đang triển khai nghị quyết về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật, đây là một bước đột phá về thể chế.

Để góp phần cải cách quản lý nhà nước vững mạnh, xây dựng hệ thống quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật đáp ứng với điều kiện hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này, PGS.TS Thongsalith Mangnomek đề nghị các nhà khoa học hai nước cùng nhau trao đổi, nghiên cứu một số vấn đề quan trọng như: Nghiên cứu việc xây dựng nhà nước kiến tạo, nhà nước kiểu mới trong điều kiện công nghệ tiên tiến, hiện đại; nghiên cứu hệ thống quản lý nhà nước về kinh tế, cùng nhau tìm con đường phát triển bền vững; duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định...

Cùng với đó, tập trung làm rõ những vấn đề quản lý nhà nước bằng pháp luật về an ninh chính trị, nâng cao năng lực nắm quyền của Đảng, phát huy chế độ dân chủ nhân dân theo con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, tạo sự tin tưởng và uy tín cho người dân.

Cùng nhau nghiên cứu hệ thống quản lý nhà nước về các loại doanh nghiệp để cho các đối tượng hoạt động theo đúng pháp luật quy định; xây dựng hệ thống quản lý công mới, vận dụng sự tiến bộ của công nghệ vào trong quá trình quản lý theo hướng xây dựng Chính phủ điện tử; coi việc phục vụ nhân dân làm trọng tâm, xây dựng nhà nước thông minh và có ý tưởng đổi mới.

Đại biểu hai nước Việt Nam - Lào chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: VA)

Tại Hội thảo Khoa học quốc tế, các đại biểu của hai nước Việt Nam và Lào đã thảo luận, tập trung làm rõ những yêu cầu đặt ra đối với quản lý nhà nước bằng pháp luật trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế; phân tích thực trạng quản lý nhà nước bằng pháp luật ở Việt Nam và Lào trên lĩnh vực của đời sống xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đề xuất các sáng kiến, giải pháp nhằm tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và Lào trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật thích ứng với những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng./.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực