Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) 🎥

Thứ tư, 20/11/2019 10:11
(ĐCSVN) - Sáng 20/11, với 435/453 đại biểu Quốc hội tán thành, 9 đại biểu không nhất trí và 9 đại biểu không biểu quyết, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Gồm 17 chương, 220 điều, Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.

Kết quả biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi). Ảnh: KT 

Không giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần

Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định: Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.

Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo các quy chuẩn kỹ thuật có liên quan.

Trước đó, khi thảo luận về dự án luật này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần; một số ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành về thời giờ làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, đồng thời có ý kiến đại biểu đề nghị cần hết sức cân nhắc khi thay đổi quy định về thời giờ làm việc bình thường trong bối cảnh hiện nay do đây là vấn đề lớn, chưa có đánh giá tác động một cách đầy đủ.

leftcenterrightdel
Thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi (Nguồn: Truyền hình VTV3) 

Một số trường hợp được làm thêm 300 giờ/năm

Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 01 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 01 ngày; không quá 40 giờ trong 01 tháng.

Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 01 năm.

Bộ luật cũng quy định rõ những trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 01 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; Trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời; Trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước do hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất.

Như vậy, so với Bộ luật hiện hành, Bộ luât Lao động (sửa đổi) vẫn giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm, nhưng ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

Dịp Quốc khánh được nghỉ 02 ngày

Theo Bộ luật Lao động (sửa đổi), dịp Quốc khánh sẽ nghỉ 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau).

Trước đó, khi thảo luận về dự án Bộ luật, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm 01 ngày nghỉ trong năm có hưởng nguyên lương cho người lao động; có ý kiến đề nghị nếu được Quốc hội quyết định bổ sung 01 ngày nghỉ thì nên chọn ngày nghỉ liền kề Ngày Quốc khánh 02 tháng 9; có ý kiến đề nghị chọn Ngày Gia đình Việt Nam (ngày 28 tháng 6 dương lịch).

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xin ý kiến, kết quả có 402 đại biểu Quốc hội cho ý kiến về nội dung này và có 370 đại biểu Quốc hội đồng ý bổ sung một (01) ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.

Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, mặc dù có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị ngày nghỉ hưởng nguyên lương nên chọn Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nếu được Quốc hội quyết nghị bổ sung thêm một ngày nghỉ trong năm thì nên chọn ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 02/9. Như vậy, ngày Quốc khánh nước ta, người lao động sẽ được nghỉ hai ngày. Đây là ngày Tết Độc lập, cũng là dịp để người lao động có thêm thời gian tham gia các hoạt động kỷ niệm, chào mừng Quốc khánh 02/9, tăng thêm ý nghĩa chính trị, nâng cao niềm tự hào dân tộc về sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, đáp ứng được mong muốn của người lao động có thêm thời gian nghỉ ngơi, sum họp gia đình và giúp trẻ em, học sinh, sinh viên chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới./. 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực