Sửa Luật Đất đai phải thận trọng, phù hợp thực tiễn

Thứ sáu, 14/02/2020 17:35
(ĐCSVN) – Việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai phải được nghiên cứu, tổng kết kỹ lưỡng, phân tích đánh giá tác động của chính sách, bảo đảm khoa học, thận trọng, phù hợp với thực tiễn.
 
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. (Ảnh: BL). 

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về mục đích, những nội dung cụ thể của việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.

Phóng viên (PV): Bộ trưởng cho biết việc sửa đổi nội dung sửa đổi Luật Đất đai đang được Bộ triển khai như thế nào?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, nhiệm vụ của Chính phủ giao về chuẩn bị nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung chính như: Thành lập Ban soạn thảo, Tổ Biên tập Dự án Luật với sự tham gia của đại điện lãnh đạo các bộ, ngành và một số địa phương; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý; tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương và ý kiến kiến nghị của cử tri, của người dân, doanh nghiệp về các vướng mắc, bất cập và hướng sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai…

Trong hơn 5 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; đã bước đầu khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, không đưa vào sử dụng, lãng phí.

Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi. Các địa phương cơ bản đã lập được hệ thống hồ sơ địa chính dạng số đồng bộ. Quy định về các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đã hình thành khung pháp lý để thị trường bất động sản vận hành, đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp khi có nhu cầu về đất nông nghiệp, đất ở, đất sản xuất kinh doanh. Chính sách tài chính về đất đai được hoàn thiện đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho ngân sách và tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước về đất đai bằng biện pháp kinh tế. Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được coi trọng, việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai một cấp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ công việc.

Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực nêu trên, tuy nhiên, thực tiễn triển khai thi hành Luật đất đai vẫn còn những tồn tại, bất cập, hạn chế, cần sửa đổi lại một số nội dung.

PV: Bộ trưởng có thể nêu cụ thể những hạn chế bất cập cần sửa đổi Luật Đất đai 2013?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Có thể nói, việc tổ chức thi hành pháp luật còn nhiều hạn chế, có nội dung mặc dù đã có quy định nhưng lại không được tổ chức thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ. Việc xác định giá đất, đặc biệt là xác định giá đất có tài sản nhà nước, giá đất để thanh toán công trình BT còn thấp so với thị trường, thủ tục xác định giá đất cụ thể còn kéo dài; vai trò của tổ chức phát triển quỹ đất trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để khai thác nguồn lực đất đai chưa được phát huy…

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật chưa thực sự có hiệu quả; vai trò của chính quyền cấp cơ sở trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai chưa được thực hiện tốt; khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến đất đai còn chiếm tỷ trọng lớn.

Một số pháp luật khác có liên quan khi quy định về đất đai còn mâu thuẫn, chồng chéo, không đồng bộ và thống nhất với Luật Đất đai dẫn tới không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện. Nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra.

Đặc biệt, tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai vẫn còn diễn ra ở một số địa phương, đơn vị như: tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng, không đăng ký biến động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không thực hiện nghiêm các nghĩa vụ tài chính theo quy định…

PV: Vậy Luật Đất đai sẽ được tập trung sửa đổi cụ thể những nội dung nào ,thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đảm bảo ổn định chính trị, xã hội của đất nước và đáp ứng yêu cầu hội nhập  trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm và bền vững. Đồng thời, tăng nguồn thu từ đất đai phục vụ cho đầu tư phát triển bằng hình thức thu hồi đất sau khi quy hoạch được công bố, tạo quỹ đất sạch của Nhà nước để đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, tạo ra sự đồng thuận và ủng hộ rộng rãi của nhân dân; giảm khiếu nại, khiếu kiện về đất đai.

Trọng tâm của việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, tập trung vào đổi mới công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đổi mới nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng; quy định tiêu chí xác định các khu vực cần bảo vệ nghiêm ngặt đối với từng loại đất, khu vực giữ ổn định, khu vực phát triển, khu vực quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, khu vực lấn biển.

Về chính sách kinh tế, tài chính đất đai, Luật sẽ tập trung vào việc quy định chính sách thuế lũy tiến đối với trường hợp chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng và trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời gian ngắn, chưa thực hiện đầu tư; bổ sung khoản thu này vào các khoản thu tài chính đất đai…

Ngoài ra, luật cũng sẽ được sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến chế độ quản lý, sử dụng các loại đất để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan.

Đất đai là lĩnh vực rất phức tạp, nhạy cảm và có tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai yêu cầu phải được nghiên cứu, tổng kết kỹ lưỡng, phân tích đánh giá tác động của chính sách, bảo đảm khoa học, thận trọng, có căn cứ lý luận, thực tiễn.

PV: Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của những cơ chế chính sách mới như công bố bảng giá đất mới; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Việc công bố bảng giá đất và xử phạt vi phạm hành chính lĩnh đất đai có ý nghĩa to lớn đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Đối với khung giá đất và bảng giá đất, đây là lĩnh vực tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế, xã hội, thu hút đầu tư, bồi thường, giải phóng mặt bằng nhất là các dự án đang triển khai việc thu hồi đất, nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất và có thể tác động đến thị trường quyền sử dụng. Việc Chính phủ ban hành quy định về Khung giá đất giai đoạn 2020-2024 khắc phục được một số tồn tại, hạn chế của Khung giá đất hiện hành, từng bước điều chỉnh giá đất phù hợp với giá thị trường theo lộ trình. Đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.

Đối với, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đây là chính sách quan trọng của Chính phủ. Mục đích của việc ban hành nghị định nhằm tăng cường chế tài của Nhà nước để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả cao nhất, tránh lãng phí đất đai. Đồng thời quy định rõ hơn các hành vi và mức xử phạt để dễ xác định trên thực tế đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực hiện.

Bên cạnh đó, các quy định tại Nghị định đã cụ thể hóa hành vi vi phạm trên thực tế; dễ xác định đối với người vi phạm và người, cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý vi phạm, đảm bảo tính công khai minh bạch, hạn chế thấp nhất hành vi tiêu cực trong quá trình tổ chức thực hiện.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực