Tổng Kiểm toán Nhà nước giải tỏa lo ngại lộ bí mật đơn vị kiểm toán

Thứ sáu, 25/10/2019 18:28
(ĐCSVN) - Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định, khi Kiểm toán Nhà nước muốn truy cập vào dữ liệu điện tử của một cơ quan, tổ chức thì phải được cơ quan đó đồng ý, cung cấp tài khoản; phải thống nhất về phạm vi, nội dung giới hạn truy cập.

Chiều 25/10, Quốc hội thảo luận toàn thể tại Hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Trước khi thảo luận về Dự án Luật này, Quốc hội đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

 

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc. (Ảnh: quochoi.vn)

Giới hạn quyền truy cập dữ liệu của Kiểm toán Nhà nước

Báo cáo đã làm rõ một trong những vấn đề còn gây tranh cãi là về việc bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, qua thảo luận tại Quốc hội ở kỳ họp thứ 7, có ý kiến tán thành quy định của dự thảo luật nhưng đề nghị quy định chặt chẽ để bảo đảm bí mật của đơn vị được kiểm toán. Ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm và phân quyền truy cập phù hợp. Có đại biểu đề nghị không giao quyền truy cập cho KTNN vì liên quan đến an ninh, tài liệu mật, tối mật, quyền riêng tư được pháp luật bảo hộ, quy định bảo vệ bí mật nhà nước.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc bổ sung quyền truy cập cho KTNN là cần thiết để phục vụ hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, xu thế của cách mạng 4.0.

Tuy vậy, đúng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội nêu, cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, có những thông tin là bí mật riêng tư, bí mật nhà nước… nên cần phân cấp quyền truy cập phù hợp và phải quản lý, giám sát chặt chẽ.

Do vậy, sau khi tiếp thu, Dự án Luật chỉ cho phép KTNN truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán.

Chỉ Trưởng đoàn kiểm toán được phép truy cập dưới sự giám sát và thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Đồng thời, KTNN chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

Chỉ lấy dữ liệu, tài liệu phục vụ cho vấn đề kiểm toán

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho rằng, việc quy định này là rất cần thiết, phù hợp với thời đại, xu thế hiện nay. Tuy nhiên, theo đại biểu, cơ sở dữ liệu thường có nhiều loại thông tin khác nhau, thông tin mật, tối mật, có những thông tin bí mật riêng tư... được pháp luật bảo hộ đầy đủ. Vì vậy, cần phân cấp quyền truy cập phù hợp, có quản lý, giám sát chặt chẽ, không để lộ, lọt bí mật.

Mặt khác, theo đại biểu, để KTNN có quyền truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia để khai thác, thu thập thông tin có liên quan đến nội dung kiểm toán, song Dự án Luật lại chưa quy định rõ thẩm quyền và phạm vi được phép truy cập là chưa đầy đủ.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đề nghị cần cân nhắc quy định này để không ảnh hưởng đến quyền của các đối tượng kiểm toán; vấn đề bảo đảm an ninh quốc gia khi truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia; năng lực của Trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán để truy cập vào cơ sở dữ liệu điện tử; việc xử lý khi đối tượng kiểm toán và đối tượng có liên quan đến hoạt động kiểm toán không đồng thuận với phạm vi truy cập dữ liệu điện tử.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cũng đặt vấn đề: Liệu quy định này có thành tiền lệ để sau nay các cơ quan thuế, cơ quan thanh tra cũng đề xuất quyền truy cấp cơ sở dữ liệu liên quan khi thực hiện nhiệm vụ?.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng nên có sự phân định giữa truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia với cơ sở dữ liệu điện tử của các đơn vị được kiểm toán. Theo đó, đối với cơ sở dữ liệu quốc gia cần quy định về truy trình khai thác, tiếp cận hợp lý, chặt chẽ; còn dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán thì áp dụng tương tự như việc yêu cầu cung cấp và tiếp cận tài liệu giấy hiện nay.

Giải trình tại phiên họp, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định, trong xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều sử dụng dữ liệu điện tử, hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, thanh toán điện tử và báo cáo điện tử. Điều đó đòi hỏi KTNN phải bắt kịp xu hướng thế này.

Chia sẻ lo lắng của đại biểu Quốc hội về vấn đề bí mật của doanh nghiệp, đơn vị, bí mật cá nhân, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, điều này không đáng ngại, vì khi KTNN muốn truy cập vào dữ liệu điện tử của một cơ quan, tổ chức thì phải được cơ quan đó đồng ý, cung cấp tài khoản; phải thống nhất về phạm vi, nội dung giới hạn truy cập.

Đồng thời, Trưởng đoàn kiểm toán phải chịu trách nhiệm về bảo mật và các quy định pháp luật có liên quan và nếu ủy quyền cho kiểm toán viên thì kiểm toán viên cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật; người ủy quyền cũng phải chịu trách nhiệm như người được ủy quyền.

“KTNN chỉ lấy dữ liệu, tài liệu phục vụ cho vấn đề kiểm toán, không lấy các dữ liệu khác, kể cả về dữ liệu điện tử quốc gia cũng phải được cấp tài khoản và quy định về thời gian, nội dung, giới hạn được truy cập” – ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh./.

 

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực