Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: Nỗ lực chống oan sai

Thứ ba, 07/11/2017 16:29
​ (ĐCSVN) – Trưa ngày 7/11, trong phiên thảo luận tại Hội trường về công tác tư pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí đã tham gia giải trình làm rõ thêm các nội dung liên quan đến một số các chỉ tiêu công tác, chức năng xử lý các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, đặc biệt là vấn đề oan sai.

Lý giải nguyên nhân trong năm 2017, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) chỉ kháng nghị được 01 vụ án dân sự, hành chính trong khi Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị tới 100 vụ, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết:

Trước hết, trong báo cáo đã trình bày là hiện nay cán bộ kiểm sát viên của ngành kiểm sát về lĩnh vực dân sự và hành chính còn thiếu, ngành kiểm sát đang tập trung bồi dưỡng, đào tạo để nâng chất lượng đáp ứng nhiệm vụ.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí tham gia giải trình. (Ảnh: TH)

Tuy nhiên, Viện trưởng VKSNDTC cho rằng nguyên nhân chính của việc này là theo cơ chế hiện nay, hồ sơ vụ án tòa án đang giữ mà muốn nghiên cứu để quyết định có kháng nghị hay không thì phải có hồ sơ. Trong Nghị quyết liên tịch 01 giữa VKSNDTC và Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã ban hành trước đây có nội dung "ưu tiên cho cho tòa cấp trên rút hồ sơ".

“Trong năm 2017, Viện Kiểm sát phát 99 yêu cầu rút hồ sơ vụ án thì tới giờ này chỉ rút được 27 hồ sơ, ưu tiên cho Tòa án thành ra bây giờ Tòa án có kinh nghiệm làm tốt thì chúng tôi không làm, sau này cần chia sẻ thì làm”, Viện trưởng cho hay.

Nêu thực tế “có cử tri quận 10 Thành phố Hồ Chí Minh hết sức bức xúc, chính tôi đề nghị 3 lần rút hồ sơ vụ án đó, 3 tháng sau mới rút được”, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng cán bộ không cho rút hồ sơ cũng không sai vì “ưu tiên” Tòa án, song hiểu chữ ưu tiên này có nghĩa là Viện Kiểm sát không làm là không đúng.

“ Chúng tôi yếu, chúng tôi thiếu, chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn nữa nhưng nếu lấy điều này để đánh giá hiệu quả trong lĩnh vực này của Viện Kiểm sát thì cũng không nên”, Viện trưởng nêu quan điểm.

Liên quan đến những kiến nghị của đại biểu Quốc hội về vấn đề oan sai, Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh, ngành Kiểm sát coi đây là một vấn đề hết sức quan trọng bởi vì hậu quả xảy ra không thể khắc phục được.

“Nó không phải lợi ích vật chất, không phải vấn đề chúng ta dễ khắc phục mà vấn đề uy tín, danh dự không chỉ của cá nhân con người đó mà còn vấn đề dòng họ, quê hương, nên chỗ này chúng ta phải quyết liệt”, Viện trưởng nêu rõ.

Cho biết năm 2016 có 70 trường hợp oan sai, năm 2017 phấn đấu còn 32 trường hợp, Viện trưởng khẳng định đây một  nỗ lực lớn nhưng so với yêu cầu và bức xúc này phải tiếp tục làm nữa. Đồng thời, bày tỏ mong muốn các đại biểu Quốc hội chia sẻ bởi ngành kiểm sát đã cố gắng.

Tuy nhiên, Viện trưởng Lê Minh Trí cho hay, nếu sợ oan sai mà không dám làm, nhẹ tay thì điều tra không ra lại lọt tội phạm, không đáp ứng yêu cầu cũng như gây bức xúc dư luận. Trong đó có những loại tội phạm không áp dụng các biện pháp mạnh là không được như “đánh bài, đá gà, ma túy không áp dụng biện pháp tạm giữ tạm giam thì đến sau không có gì để điều tra hết”.

“Chúng ta phấn đấu hạn chế tối đa các biện pháp này nhưng đây là biện pháp không thể thiếu được trong thực hiện nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, đưa tội phạm ra ánh sáng”, Viện trưởng chia sẻ.

Trả lời câu hỏi đại biểu Quốc hội rằng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, thanh tra, kiểm toán, cơ quan tư pháp có tiêu cực, tham nhũng hay không, Viện trưởng Lê Minh Trí thừa nhận là có nhưng cho biết “chúng ta cố gắng làm hết sức để kiểm soát, hạn chế, dẫn tới đảm bảo được nền tư pháp chúng ta ngày càng minh bạch, đáp ứng yêu cầu lớn nhất là lòng tin của nhân dân đối với ngành tư pháp”. /.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực