Hòa Bình: Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế

Thứ ba, 17/12/2019 22:18
(ĐCSVN) – Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế.
leftcenterrightdel
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hòa Bình thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. (Ảnh: Thúy Hằng )

Ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 129 ngày 6/2/2018 về thực hiện nghị quyết số 18-NQ/TW và nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Trong đó đã xác định rõ mục đích, yêu cầu và các giải pháp cụ thể và thời gian thực hiện. Các cơ quan hành chính nhà nước, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, xây dựng đề án, sắp xếp tổ chức bên trong của các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố, theo hướng tin gọn đầu mối, kiên quyết cắt giảm số lượng, sắp xếp lại phòng, chi cục, trung tâm, ban quản lý dự án. Mỗi sở, ban, ngành, huyện, thành phố giảm ít nhất 1 đơn vị trực thuộc, thời gian hoàn thành trong năm 2018. Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng đề án sắp xếp lại các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, cấp huyện và số lượng cấp phó của các cơ quan này khi có quy định của Trung ương.

Đồng thời, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng đề án chuyển mạnh các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện thành công ty cổ phần, đơn vị tự chủ kinh phí. Giải thể các đơn vị sự nghiệp kinh tế hoạt động không hiệu quả. Thực hiện sáp nhập các Trung tâm văn hóa, thể thao và Đài truyền thanh - Truyền hình cấp huyện thành một đơn vị, thời gian thực hiện từ năm 2018. Kế hoạch của UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã đưa ra nhóm nhiệm vụ giải pháp đối với từng sở, ngành trong việc đảm bảo tinh giản tổ chức bộ máy và biên chế tại cơ quan đơn vị, địa phương.

Theo đồng chí Nguyễn Viết Trọng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình, địa phương đã xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình và sắp xếp 106 đơn vị hành chính cấp xã (96 xã, 2 phường và 8 thị trấn); trong đó có 49 xã thực hiện sắp xếp theo diện khuyến khích. Như vậy, sau khi tiến hành sắp xếp, tỉnh Hòa Bình giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện (huyện Kỳ Sơn) và 59 đơn vị hành chính cấp xã.
leftcenterrightdel
Đồng chí Nguyễn Viết Trọng - Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình thông tin về phương án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã.  (Ảnh: T. Tuấn )

Đến nay, đã có 103/106 xã, phường, thị trấn liên quan đến phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn 11 huyện, thành phố và 22/25 đơn vị cấp xã liên quan việc nhập huyện Kỳ Sơn vào TP Hòa Bình đã tổ chức lấy ý kiến cử tri. Kết quả, 103 đơn vị đều có trên 50% cử tri tán thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; 22 đơn vị cấp xã đều đạt trên 50% tổng số cử tri tán thành sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào TP Hòa Bình. Riêng phần lấy ý kiến cử tri về sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào TP Hòa Bình, tỷ lệ cử tri tán thành cao, từ 72,72% trở lên. Trong đó, 2 đơn vị gồm: xã Độc Lập (Kỳ Sơn) và xã Yên Mông (TP Hòa Bình), 100% cử tri tán thành phương án sáp nhập huyện với thành phố. Tính đến ngày 26/6, đã có 20 xã, thị trấn thuộc 4 huyện: Yên Thủy, Đà Bắc, Tân Lạc và Kim Bôi đã tổ chức họp HĐND cấp xã, thông qua chủ trương sắp xếp các đơn vị  hành chính cấp xã. Riêng huyện Yên Thủy, ngày 26/6/2019, HĐND huyện đã họp thông qua chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện.

Về tinh giản biên chế, từ năm 2015 đến 31/3/2019, tỉnh Hòa Bình đã tinh giản được 1.367 cán bộ, công chức, viên chức (khối đảng, đoàn thể là 51 người; khối chính quyền là 1.316 người). Cùng với việc tinh giản biên chế theo quy định, việc cắt giảm chỉ tiêu biên chế đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp trong toàn tỉnh hàng năm đều được thực hiện theo lộ trình, bảo đảm đến năm 2021 giảm đủ 10% so với biên chế giao năm 2015.

Về sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, UBND tỉnh Hòa Bình đang hoàn thiện Đề án kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối bên trong đối với 19 sở, ban, ngành và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (trừ Văn phòng HĐND tỉnh); dự kiến sau khi sắp xếp lại sẽ giảm 1 sở; giảm 33 phòng chuyên môn và 5 Chi cục trực thuộc sở; giảm 84 phòng và đơn vị sự nghiệp trực thuộc chi cục.

Về sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh Hòa Bình đã tích cực, chủ động rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh gọn đầu mối các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII. Kết quả đã giảm 87 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 58 lãnh đạo đơn vị sự nghiệp.

Tuy nhiên, trong thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cũng còn một số điểm cần lưu ý. Đó là việc người dân một số địa phương chưa đồng thuận cao với phương án điều chỉnh địa giới hành chính. Điển hình là trong lần đầu lấy ý kiến cử tri, 79,85% cử tri phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) không tán thành phương án nhập, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số toàn bộ của 2 xã Thống Nhất và Dân Chủ cùng với phường Chăm Mát để thành lập 2 đơn vị hành chính mới.

Mặt khác, mục tiêu của lộ trình sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế đó là tổ chức hợp lý các đơn vị hành chính để phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, đổi mới sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp phải đảm bảo sự ổn định chính trị xã hội, chế độ, chính sách cho người tiếp tục làm việc cũng như đội ngũ cán bộ dôi dư để họ yên tâm công tác. Đồng thời, đảm bảo chế độ, chính sách, an sinh xã hội cho nhân dân ở các địa bàn mới sáp nhập. Đây đang là “bài toán” khó đối với một tỉnh miền núi như Hòa Bình.

Theo đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Hòa Bình đã đạt được những kết quả bước đầu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Thời gian tới, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm để tuyên truyền, vận động, giải thích, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, tích cực tham mưu, đề xuất phương án xử lý những vấn đề phát sinh hợp lý, hiệu quả. Tỉnh Hòa Bình cũng sẽ tập trung vào cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, xây dựng các tiêu chuẩn, định mức về công tác cán bộ, sắp xếp các đơn vị hành chính, tăng cường chỉ đạo thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục rà soát để cân đối, điều chỉnh, bổ sung biên chế đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, gắn với vị trí việc làm, đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả, chất lượng tham mưu trong hoạt động, thực thi công vụ. Triển khai thực hiện phương án giảm số lượng cấp phó ở các cơ quan, đơn vị hợp nhất, sáp nhập theo đúng quy định.

Với những giải pháp đồng bộ, sát thực tiễn địa phương, tin tưởng việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế xã hội tỉnh Hòa Bình phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững./.

Thùy Linh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực