Ngân hàng Chính sách xã hội phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020

Thứ sáu, 07/02/2020 16:41
(ĐCSVN) – Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban ngành Trung ương, năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, hướng tới năm 2020 với nhiều thành tích nổi bật hơn nữa.

Những kết quả tích cực trong năm 2019

Theo Báo cáo kết quả hoạt động năm 2019, NHCSXH đã thu gặt nhiều kết quả tích cực nhờ nỗ lực của toàn hệ thống và sự chung tay hỗ trợ của các cấp ủy, chính quyền từ Trung ương xuống địa phương, đặc biệt là nhờ sự tin tưởng của đông đảo hộ gia đình thuộc diện vay vốn hỗ trợ tín dụng chính sách.

 Ngân hàng tín dụng chính sách ngày càng trở thành người bạn tin cậy của các hộ nghèo, hộ chính sách... (Ảnh: HNV)

Cụ thể, những kết quả đáng ghi nhận đó là:

Thứ nhất, NHCSXH có doanh số cho vay lớn nhất từ trước tới nay, đạt 72.814 tỷ đồng, tăng trên 10.735 tỷ đồng so với năm 2018.

Nguồn vốn tín dụng chính sách trong năm đã giúp cho gần 2,2 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn; hơn 266 nghìn lao động có việc làm; hơn 36 nghìn học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; trên 1,2 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; gần 20 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến hết năm 2019 tổng dư nợ của NHCSXH đạt 206.805 tỷ đồng, tăng gần 19.013 tỷ đồng so với 31/12/2018, với trên 6,5 triệu hộ đang có dư nợ, với nguồn vốn tăng thêm đó NHCSXH dành 66% cho chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Nguồn vốn tín dụng chính sách trong năm qua đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới... Đặc biệt đối với các địa phương bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, ngoài việc động viên, thăm hỏi kịp thời, NHCSXH đã chỉ đạo bổ sung nguồn vốn để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn khôi phục sản xuất, đồng thời đã rà soát, thống kê xử lý rủi ro đối với 66.825 món vay, số tiền là 923.378 triệu đồng của người vay vốn bị thiệt hại.

Để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH đã thực hiện nhiều giải pháp về công tác nguồn vốn như: (i) thực hiện tốt công tác phát hành trái phiếu theo chỉ tiêu kế hoạch Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; (ii) nhận tiền gửi 2% của các Tổ chức tín dụng nhà nước; (iii) tăng cường huy động tiền gửi từ các tổ chức và cá nhân tại trụ sở NHCSXH cũng như huy động tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã; (iv) tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các chủ đầu tư trong và ngoài nước chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác… Đặc biệt, NHCSXH đã tích cực thu hồi tốt nợ đến hạn của các chương trình để thực hiện cho vay quay vòng, với số tiền 54.071 tỷ đồng, tăng hơn 8.183 tỷ đồng so với năm 2018, bằng 74% doanh số cho vay.

Thứ hai, cùng với việc đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng chính sách, NHCSXH tiếp tục quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Đến 31/12/2019,  nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.435 tỷ đồng, chiếm 0,69% tổng dư nợ. Công tác phối kết hợp với các tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương được nâng cao; Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động đạt chất lượng tốt và khá đạt trên 93%; việc xác định đối tượng vay vốn và thực hiện quy trình cho vay được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt, việc sử dụng vốn và hiệu quả sử dụng vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác được nâng cao.

Thứ ba, để phục vụ tốt và tiết giảm chi phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH thực hiện tốt việc tổ chức giao dịch tại 10.853 Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã. Tại Điểm giao dịch xã, các chính sách  tín dụng ưu đãi của Nhà nước, danh sách hộ vay vốn và các quy trình thủ tục của NHCSXH được niêm yết công khai; người vay giao dịch trực tiếp với NHCSXH vào ngày cố định hàng tháng để vay và trả nợ, cũng như thực hiện gửi tiền tiết kiệm, trước sự chứng kiến của cán bộ tổ chức chính trị-xã hội, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và chính quyền xã;

Thứ tư, cùng với việc đẩy mạnh tăng trưởng dư nợ, NHCSXH đã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra giám sát để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những tồn tại phát sinh, đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các mặt nghiệp vụ.

Thứ năm, công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội được chú trọng thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm giúp cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là người nghèo và đối tượng chính sách hiểu rõ tín dụng chính sách xã hội, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ sáu, NHCSXH cũng đã có những thành công quan trọng trên các mặt hoạt động khác theo đúng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thứ bảy, NHCSXH đã tích cực tham mưu với các Bộ, ban, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền các tỉnh, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, trong đó, trọng tâm là triển khai thực hiện sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW nhằm đánh giá kết quả đạt được và đề ra nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Kết quả đạt được trong năm 2019 điển hình là:

(i) Cấp ủy, chính quyền 63 tỉnh, thành phố đã tổ chức Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW đảm bảo đúng tiến độ, nội dung theo kế hoạch; Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chuyển nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Đến 31/12/2019, nguồn vốn này đạt 15.443 tỷ đồng, tăng 3.634 tỷ đồng so với cuối năm 2018.

(ii) NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội tổ chức thành công Cuộc thi tìm hiểu về triển khai thực hiện Chỉ thị 40 ở 63 tỉnh/thành phố; Kết quả Ban tổ chức đã nhận được 80.894 bài dự thi, trao giải thưởng cho 997 cá nhân, nhóm tác tổ chức chấm thi cấp trung ương. Ngày 14/10/2019, NHCSXH đã tổng kết, trao giải cuộc thi này với 80.894 bài dự thi được gửi tới cho Ban Tổ chức, 378 bài đã được gửi dự thi ở cấp TW.

Cũng theo NHCSXH, những kết quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong năm 2019 đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương các cấp đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác; đã ưu tiên việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Hơn nữa, mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách xã hội ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện, cấu trúc của hệ thống chính trị ở nước ta.

Ngoài ra, xây dựng, tổ chức bộ máy điều hành NHCSXH, hoạt động có hiệu quả, được các cơ quan Đảng, Chính quyền, tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đánh giá cao. Thông qua hoạt động giao dịch tại xã đã tiết giảm chi chi phí cho người vay vốn, đồng thời phát huy dân chủ, giám sát xã hội, đảm bảo vốn tín dụng chính sách của Chính phủ được quản lý chặt chẽ, cho vay đúng đối tượng được thụ hưởng.

Định hướng hoạt động trong năm 2020

Trên cơ sở những thành tựu trên, toàn hệ thống NHCSXH các cấp quyết tâm nỗ lực để đạt được những kết quả đáng vui mừng hơn nữa. Xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020 là tập trung thực hiện tốt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó NHCSXH nhận định sẽ: Chủ động tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, Ban, ngành tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;  Báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo NHCSXH và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức tổng kết Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; xây dựng Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Song song là thực hiện tốt kế hoạch tín dụng được Thủ tướng Chính phủ giao. NHCSXH tập trung ưu tiên cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có thiệt hại về thiên tai… Vốn tín dụng chính sách gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, tập thể cán bộ công nhân viên toàn hệ thống NHCSXH các cấp cũng xác định để thực hiện tốt nhiệm vụ tăng trưởng tín dụng, hơn lúc nào hết, phải đẩy mạnh các giải pháp về huy động vốn như: tập trung huy động tiền gửi của các tổ chức, cá nhân, thu hồi tốt nợ đến hạn tạo nguồn vốn cho vay mới…

Đặc biệt, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động tham mưu, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách mới phù hợp và đảm bảo đúng quy định, như: Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số;  Phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước tiến hành khảo sát, tổng kết đánh giá chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo; đề xuất tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tiếp theo; Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động ủy thác giai đoạn 2014 - 2019, từ đó nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thực hiện cho giai đoạn tiếp theo.

Ngoài ra, cũng cần phải tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực  đối với đội ngũ cán bộ của NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và Vay vốn; công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời, thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách, đặc biệt những chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện trên địa bàn.

Thêm vào đó, tổ chức triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã ban hành, đặc biệt chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Hơn thế nữa, cùng với việc tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục theo quy định, duy trì và nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng giao dịch tại các Điểm giao dịch xã, củng cố tốt các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Cuối cùng là, NHCSXH tiếp tục phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội với hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai và nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ; đưa ứng dụng công nghệ hiện đại vào các nghiệp vụ của NHCSXH nhằm phục vụ tốt hơn nữa người nghèo và các đối tượng chính sách khác./.

 

Lê Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực