Phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu”

Thứ hai, 29/06/2020 10:39
(ĐCSVN) - Đến nay, đã có 20 Hạt Quản lý đê điển hình được xây dựng, đồng thời có 42 tuyến đê với tổng chiều dài 235 km đạt tiêu chí “Tuyến đê kiểu mẫu”.
 Tuyến đê kiểu mẫu ở phường Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội. (Nguồn: hanoimoi.com.vn)

Đó là những kết quả nổi bật qua 4 năm triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát động tại Quyết định số 52 ngày 8/1/2016. Đây là phong trào thi đua thiết thực nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm, thu hút các tổ chức và người dân tích cực tham gia xây dựng, quản lý, bảo vệ đê điều, đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp giao thông, cải tạo cảnh quan môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Phong trào hướng tới mục tiêu xây dựng được nhiều “Hạt Quản lý đê điển hình” và “Tuyến đê kiểu mẫu”.

Theo đó, đến nay, các địa phương đã đăng ký và triển khai xây dựng 47 Hạt Quản lý đê/tổng số 111 Hạt. Trong đó, đã có 20 Hạt Quản lý đê đạt tiêu chí “Hạt Quản lý đê điển hình”, 27 Hạt Quản lý đê đang tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí.

Những Hạt Quản lý đê điển hình là những điểm sáng về công tác quản lý, đồng thời là mô hình thực tế nhất để các địa phương chia sẻ, học hỏi, rút ra bài học kinh nghiệm để triển khai nhân rộng. Các tiêu chí chủ yếu của Hạt Quản lý đê điển hình như: công tác quản lý được thực hiện nề nếp, bài bản; tất các vi phạm được kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Thực hiện tốt việc tuần tra canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ; xử lý kịp thời, hiệu quả các sự cố đê; trụ sở Hạt được cải tạo, chỉnh trang gọn gàng, ngăn nắp; trang thiết bị, tài liệu đáp ứng yêu cầu quản lý…

Bên cạnh đó, về tuyến đê kiểu mẫu, đến nay đã có 42 tuyến đê với tổng chiều dài 235 km đạt tiêu chí “Tuyến đê kiểu mẫu”. Hiện đang tiếp tục xây dựng 70 tuyến đê, tổng chiều dài 306 km. Những tuyến đê kiểu mẫu được xây dựng không chỉ đảm bảo an toàn chống lũ mà còn là những công trình văn hóa xanh, sạch, đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới và tạo thêm sự gần gũi, gắn bó của người dân với con đê quê hương ở mỗi địa phương.

Qua quá trình triển khai phong trào, theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, để việc thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” đạt hiệu quả cao, cần huy động được nguồn lực, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân tham gia công tác bảo vệ, tu bổ đê điều. Trong đó, cần chủ động tham mưu đề xuất UBND cấp tỉnh quan tâm bố trí kinh phí của địa phương đầu tư cho đê điều; có cơ chế phù hợp trong triển khai công tác duy tu, tu bổ, xử lý cấp bách về đê điều trên địa bàn. Lồng ghép thực hiện phong trào trong các chương trình, dự án như: Dự án nâng cấp đê kết hợp giao thông, chương trình xây dựng nông thôn mới,… Cùng với đó là sự vào cuộc của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và sự tham gia đóng góp của người dân cho tu bổ, chỉnh trang đê, tham gia của doanh nghiệp đầu tư kinh phí cho tu bổ, nâng cấp đê điều.

Năm 2020 là năm đánh giá Phong trào thi đua “Xây dựng đê kiểu mẫu” giai đoạn 2016 - 2020, để đạt được những kết quả thiết thực theo đúng mục tiêu đã đề ra, Tổng cục Phòng chống thiên tai đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND cấp huyện các tỉnh, thành phố tham gia phong trào chỉ đạo quyết liệt, tập trung huy động nguồn lực để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng Hạt Quản lý đê điển hình, tuyến đê kiểu mẫu đã đăng ký. Đồng thời, trên cơ sở kết quả thực hiện giai đoạn 2016 - 2020, xây dựng phương án, kế hoạch tiếp tục thực hiện phong trào giai đoạn 2021-2025./.

 

BT
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực