Sức nóng của cải cách chưa lan tỏa nhiều
Ngày 8/11/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 30c/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020. Qua gần 6 năm thực hiện thể chế trên các lĩnh vực quản lý nhà nước được bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; qua đó thúc đẩy quá trình đổi mới kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.
Từ tư duy mang nặng tính quản lý “hành là chính”, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống cơ quan hành chính đã có sự thay đổi căn bản trong nhận thức, chuyển dần sang tư duy phục vụ.
Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính các cấp
(Ảnh: MH)
Trong những năm qua, các cơ quan Nhà nước đã chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công, coi đây là một khâu quan trọng trong thực hiện chương trình cải cách nền hành chính nhà nước theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp.
Việc xây dựng pháp luật đã được các Bộ, ngành chú trọng đầu tư nguồn lực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, đặt lợi ích của người dân, doanh nghiệp lên hàng đầu; giảm sự can thiệp bằng các biện pháp hành chính của cơ quan nhà nước vào các quan hệ dân sự, kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế trong môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, góp phần giải phóng nguồn lực xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; giảm thiểu cơ chế “xin-cho”... trong các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành.
Bên cạnh đó, thể chế về tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính cũng tiếp tục được hoàn thiện, đổi mới với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan được điều chỉnh, kiện toàn, khắc phục được một bước tình trạng chồng chéo; đặc biệt là sáp nhập các đơn vị hành chính theo hướng tinh gọn; phát huy sự năng động, sáng tạo trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước của bộ máy hành chính các cấp ở địa phương; tạo điều kiện để nhân dân tham gia và giám sát các hoạt động của chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức.
Một loạt các sáng kiến, đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính được triển khai và áp dụng như: thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan, chứng minh nhân dân, công chứng; đăng ký kết hôn, khai sinh... đã được đơn giản hóa, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp, bước đầu tạo lập niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vào sự chuyên nghiệp hoá của các cơ quan công quyền, hành chính.
Có thể thấy, "ngọn lửa" cải cách đã được thổi lên, tuy nhiên, sức nóng và ảnh hưởng vẫn chưa thực sự lan tỏa mạnh tới các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Thẳng thắn thừa nhận, so với mục tiêu, yêu cầu đã đặt ra, cải cách hành chính vẫn còn những hạn chế. Nổi bật là hoạt động rà soát các luật, pháp lệnh của các bộ, cơ quan chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng; Một số quy định pháp luật còn phức tạp, thiếu khả thi; bộ máy còn cồng kềnh, chưa phân định rõ nhiệm vụ, phân cấp chưa hiệu quả. Việc xây dựng, ban hành chính sách, thủ tục hành chính vẫn chịu sự ảnh hưởng nặng nề của cơ chế xin - cho, cục bộ, lợi ích nhóm.
Trong khảo sát về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cho thấy, liên tục trong 3 năm (2014-2016), cứ 3 doanh nghiệp tư nhân tham gia khảo sát, thì có 1 doanh nghiệp phải dành trên 10% quỹ thời gian của mình để thực hiện các thủ tục hành chính. Đối với doanh nghiệp FDI, có 72% số doanh nghiệp được khảo sát cho biết, họ mất hơn 5% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính. Thủ tục phiền hà nhất mà các doanh nghiệp than phiền, đó là thuế (liên quan đến hóa đơn thuế giá trị gia tăng), bảo hiểm xã hội và thủ tục thông quan hàng hóa. Thống kê cho thấy gánh nặng thuế, phí đối với doanh nghiệp còn lớn như “nuôi gà chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ gà, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn nuôi gà”...
Tín hiệu vui của tinh thần cải cách, mới đây Bộ Công Thương đã mạnh tay cắt giảm 576 điều kiện đầu tư, kinh doanh, tuy nhiên, hiện vẫn còn hàng ngàn “giấy phép con” còn tồn đọng tạo ra rào cản hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Theo đó, người dân và doanh nghiệp vẫn phải thực hiện thủ tục hành chính tại “một cửa nhiều khóa” với những thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo …
Thực tế cho thấy, khi thiếu sự công khai, minh bạch; hay quy định pháp luật vẫn còn “kẽ hở”, khoảng trống, thì quá trình xây dựng thể chế sẽ xuất hiện cơ chế “xin – cho”, thậm chí là hiện tượng “tham nhũng chính sách”. Thủ tục hành chính rườm rà không rõ ràng cũng là cơ hội để cán bộ công quyền nhũng nhiễu, hạch sách người dân, là môi trường để những hành vi tham nhũng, tiêu cực nảy sinh. Đây đang là vấn đề gây bức xúc đối với người dân, doanh nghiệp!.
Loại khỏi bộ máy hành chính cán bộ chậm đổi mới tư duy trong xây dựng thể chế
Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề ra nhiệm vụ trọng tâm: “Cải cách thể chế; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng cải cách chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả cao; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công”.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên thì trước hết công tác xây dựng hệ thống pháp luật cần được thực hiện đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, với chi phí tuân thủ thấp, dựa trên hệ thống chính sách đã được hoạch định trong từng lĩnh vực phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đã đến lúc những thủ tục “hành là chính” hay cơ chế “xin – cho” trong xây dựng chính sách cần phải được rà soát, cắt giảm, bãi bỏ ngay, để Chính phủ thực sự đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.
Cùng với đó, tiếp tục phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, để người dân phải được tham gia vào quá trình lấy ý kiến, thảo luận chính sách và giám sát việc tuân thủ chính sách để tránh cấu kết ngay từ khâu xây dựng chính sách. Quan trọng quy trình xây dựng và ban hành văn bản luật phải bảo đảm dựa trên lợi ích nhóm số đông; kiên quyết xóa hiện tượng lợi ích nhóm chi phối chính sách, hoặc xây dựng chính sách theo cách “vừa đá bóng vừa thổi còi”; lấy mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính làm thước đo công tác cải cách thủ tục hành chính…
Và một giải pháp hết sức quan trọng được đặt ra là hoàn thiện thể chế về tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính, của cán bộ, công chức các cấp. Bởi cán bộ, công chức là người tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách, pháp luật cũng chính là người thực thi pháp luật.
Để thực hiện nền hành chính công văn minh, hiện đại, trước hết đội ngũ cán bộ, công chức các cấp chính quyền phải tuân thủ, thượng tôn pháp luật; phải thực sự là công bộc của dân, đặt lợi ích chung lên trên hết; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính liêm khiết, trong sạch, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan hành chính; Xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị ban hành văn bản trái pháp luật, trái thẩm quyền, gây khó khăn, phiền hà cho các tổ chức, người dân khi tiếp cận dịch vụ.
Tại phiên họp của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính mới đây, trước phản ánh của một thành viên Hội đồng về việc có cán bộ Cục, Vụ không chịu thay đổi tư duy trong xây dựng thể chế, Thủ tướng Chính phủ đề nghị nêu cụ thể tên cán bộ và sẽ yêu cầu loại ra khỏi bộ máy hành chính.
Nhấn mạnh việc xây dựng “Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, mọi phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phải được xem xét, giải quyết và cập nhật công khai kết quả xử lý.
“Phải có một áp lực cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, lan tỏa tinh thần này đến các bộ, ngành, địa phương”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ và Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm, vấn đề còn lại là sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự chuyển động thực sự từ Trung ương tới cơ sở; đi kèm với đó là giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian theo hướng xây dựng hệ thống cơ quan hành chính thống nhất, thông suốt, hiện đại; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; tập trung hơn nữa vào phản ứng chính sách; đổi mới mạnh mẽ công tác phổ biến giáo dục pháp luật, định hướng dư luận xã hội, đặc biệt là những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh…/.