Cải cách hành chính: Cần gỡ những "nút thắt" và lực cản

Thứ ba, 22/08/2017 10:28
​(ĐCSVN) – Lâu nay chúng ta hay nói tới tham nhũng, lãng phí, nhưng tham nhũng, lãng phí về tài sản, tiền bạc có thể đo đếm được, chứ tham nhũng, lãng phí trong chính sách thì quả thật rất khó cân đo, đong đếm!

Cải cách hành chính: Cần gỡ những "nút thắt" và lực cản

Có thể nói trong thời gian gần đây, việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã được các Bộ, ngành tiếp tục chú trọng đầu tư nguồn lực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, đặt lợi ích của người dân, doanh nghiệp lên hàng đầu. Trong đó, phải kể đến các Luật vừa được Quốc hội khoá XIV thông qua như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Quản lý ngoại thương, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công đã tạo ra luồng gió mới tạo động lực khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cắt giảm nhiều thủ tục, cải thiện rõ rệt về thủ tục hành chính…

 

Một số văn bản thiếu tính khả thi bị Bộ Tư pháp "tuýt còi". (Ảnh: TH).

 

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành đang tích cực rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật liên quan đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư kinh doanh, quy hoạch…

Mặt khác, công tác theo dõi thi hành pháp luật được chú trọng, gắn với các sự kiện, các “điểm nóng” được dư luận quan tâm, trọng tâm là việc thực thi các chính sách pháp luật liên quan đế doanh nghiệp, nhằm cụ thể hoá chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển để phục vụ nhân dân, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh; qua đó kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật. Trong đó có những việc tích tụ từ trước đến nay mới phát sinh, như 12 dự án thua lỗ lớn; tình trạng khai thác cát, sỏi gây xói mòn, sạt lở bờ sông, tác động xấu đến môi trường; việc thực hiện quy hoạch bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng)...

Lãng phí trong xây dựng chính sách

Tuy nhiên, dù được đánh giá tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã giảm mạnh so với trước, song số lượng văn bản “nợ đọng” trong 6 tháng qua còn khá nhiều (2 Nghị định, 13 Thông tư), nhất là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, dẫn đến tình trạng khó bảo đảm mục tiêu chấm dứt tình trạng nợ đọng từ năm 2017.

Thực tế thời gian qua cho thấy, đã có không ít những văn bản như từ "trên trời rơi xuống”, có dấu hiệu trái luật, tác động tiêu cực đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức, doanh nghiệp… khiến dư luận không khỏi băn khoăn, bức xúc như: Thông tư số 58/2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, trong đó có quy định bắt buộc người dân đổi giấy phép lái xe từ bìa giấy sang vật liệu PET; Quy định về ghi họ và tên cha, họ và tên mẹ trong Chứng minh nhân dân; Xử phạt xe không chính chủ; quy định "quay phim chụp ảnh cảnh sát giao thông làm việc phải xin phép"…

Chỉ tính riêng trong 6 tháng qua, qua công tác kiểm tra VBQPPL, các Bộ, ngành, địa phương bước đầu phát hiện 371 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền...

Lâu nay chúng ta hay nói tới tham nhũng, lãng phí, nhưng tham nhũng, lãng phí về tài sản, tiền bạc có thể đo đếm được, chứ tham nhũng, lãng phí trong chính sách với các văn bản pháp luật chưa ra đời đã “chết yểu” hay lãng phí về thời gian, công sức khi vẫn còn nhiều dự án luật phải rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, lùi thời hạn trình do chưa bảo đảm chất lượng...thì quả thật rất khó cân đo, đong đếm!.

Đâu đó, dư luận vẫn còn hoài nghi về việc có hay không việc “tham nhũng, lợi ích nhóm” trong xây dựng chính sách với những quy định mang tính áp đặt, “lợi ta, khó người” hay còn sự nể nang trong khâu thẩm định...?

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo các VBQPPL hiện nay vẫn còn mang tính hình thức, vì vậy những phản hồi của người dân chưa chắc đã được tiếp thu một cách nghiêm túc nên việc nhiều văn bản như từ “trên trời rơi xuống”, xa rời thực tiễn cũng là điều dễ hiểu. Và do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo nên tình trạng “nhờn” pháp luật của cả người dân và cán bộ thực thi, gây phản ứng tiêu cực trong xã hội, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Đáng lưu tâm, việc xử lý các sai phạm này mới chỉ dừng lại ở mức thu hồi, hủy bỏ các văn bản rồi làm lại mà chưa xử lý nghiêm đối với người ban hành văn bản trái luật.

Bịt “khe hở” pháp luật

Có nhiều nguyên nhân được các chuyên gia pháp luật chỉ ra, từ nhận thức, trình độ, thái độ trách nhiệm cho đến cách thức, cơ chế còn nhiều bất cập, kẽ hở, trong đó, yếu tố con người là quan trọng. Thực tế thời gian qua cho thấy, quá trình chuẩn bị dự thảo, một số cán bộ nắm thực tiễn chưa chắc chắn, còn mơ hồ, tầm hiểu biết hạn chế, không đầy đủ thấu đáo dẫn đến lúng túng trong hoạch định chính sách.

Và nếu quy định pháp luật vẫn còn “kẽ hở”, khoảng trống, mang tính mệnh lệnh thì chắc chắn sẽ vẫn còn những tiêu cực, thậm chí là vi phạm pháp luật xảy ra!

Ở một khía cạnh, cho dù các doanh nghiệp đã tỏ ra rất vui mừng, phấn khởi khi các quy định, thủ tục hành chính phiền hà được "cởi trói", song cũng không ít ý kiến cho rằng, “cái gây phiền hà nhất, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp chính là những thể chế, quy định bất thành văn, phi chính thức”, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, động lực phát triển của xã hội.

Theo đánh giá của doanh nghiệp, vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, dẫn đến các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục hành chính, đầu tư kinh doanh gây phiền hà, tốn thời gian và chi phí.

Có thể thấy, thực tiễn xã hội luôn sống động, đa dạng và phức tạp, việc nắm bắt được thực tiễn của yêu cầu quản lý Nhà nước để hoạch định chính sách và phản ánh trong văn bản pháp luật là rất quan trọng.

Nhà nước, Chính phủ quản lý đối với toàn xã hội, tổ chức, cá nhân bằng pháp luật. Thông qua việc xây dựng và thực thi thể chế, pháp luật sẽ huy động tốt nguồn lực, thu hút đầu tư, thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế -xã hội và bảo đảm quyền dân chủ, quyền công dân.

Do đó, trong bối cảnh xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thì việc tập trung tháo gỡ “nút thắt" về thể chế, xây dựng pháp luật, gắn với tổ chức thực hiện có hiệu quả là một nhiệm vụ quan trọng nhất, cơ bản nhất.

(Còn nữa)

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực