Cải cách hành chính: Cần gỡ những "nút thắt" và lực cản

Thứ năm, 17/08/2017 15:30
(ĐCSVN) – Cải cách hành chính là câu chuyện dài, được khởi động từ nhiều năm nay, luôn được xác định là “nhiệm vụ trọng tâm”, là “khâu đột phá”. Thế nhưng, dù đã rất nỗ lực nhưng so mục tiêu và mong muốn thì dường như mọi chuyện vẫn rất... ngổn ngang.

Những năm qua, cải cách hành chính được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Cần ghi nhận, thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011-2020, những năm qua, công tác cải cách hành chính đã được triển khai đồng bộ trên tất cả các nội dung: Cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính. Nhưng ở chiều ngược lại, công tác cải cách hành chính vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập khiến cải cách hành chính còn chậm so với yêu cầu thực tế.

Bài 1: Những "nút thắt" đang hiện hữu?

Nhiều báo cáo luôn khẳng định cải cách thủ tục hành chính đã “cải tiến một bước” với rất nhiều thành tựu nhưng liệu người dân đã hài lòng?

Người dân làm thủ tục đất đai (Ảnh minh họa: BL)

“Một cửa”... vẫn khó mở

Trong những nội dung cải cách hành chính thì cải cách thủ tục hành chính được xác định là một khâu trọng tâm và đã được triển khai ở tất cả các cấp hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của nhân dân. 

Thực tế, kể từ khi tiến hành cải cách, chỉ số hài lòng của người dân khi đến các cơ quan hành chính Nhà nước đã tăng lên đáng kể, giúp cho người dân và doanh nghiệp bớt đi sự chờ đợi, ngột ngạt, thuận lợi hơn, từng bước làm cho nền hành chính hoạt động hiệu quả, thể hiện rõ hơn bản chất chính quyền của dân, do dân, vì dân... Người dân, doanh nghiệp đến bộ phận “một cửa” đã cảm nhận ngày càng rõ sự thay đổi về thủ tục, quy trình làm việc cũng như thái độ, trách nhiệm tiếp dân của đội ngũ cán bộ. Nhiều cuộc khảo sát do các cơ quan, tổ chức khác nhau được thực hiện cho thấy người dân ngày càng cảm thấy hài lòng khi tiếp cận với dịch vụ hành chính. 

Mới nhất, theo Chỉ số cải cách hành chính các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Par Index 2016) được công bố cuối tháng 5 vừa qua cho thấy, giá trị trung bình của lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính năm 2016 của các Bộ đạt 86,22%. Đối với các địa phương chỉ số trung bình đạt 82.98%.

Báo cáo tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2017 của Bộ Nội vụ cũng chỉ ra nhiều kết quả đáng mừng trong công tác cải cách thủ tục hành chính: “Trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã nghiên cứu và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản bãi bỏ hoặc đơn giản hóa nhiều quy định thủ tục hành chính không hợp lý, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh...” Hay “Nhiều bộ, ngành, địa phương đã tiến hành rà soát và công bố danh mục thủ tục hành chính thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, tổ chức trong thực hiện thủ tục hành chính...”.

Cũng trong báo cáo này, về phần hạn chế, Bộ Nội vụ chỉ nêu vài dòng chung chung và chưa phân tích nguyên nhân của những hạn chế.

Đó là theo báo cáo - dường như công tác cải cách thủ tục hành chính đã rất tốt. Thế nhưng, “nói vậy mà không phải vậy”, báo cáo so với thực tế dường như lại có độ vênh khá lớn. Hiệu quả của cải cách thủ tục hành chính phải được đo lường từ chính sự hài lòng của người dân, nhưng tìm được nụ cười của người dân trong hoạt động này quả thật chưa nhiều. Người dân, doanh nghiệp vẫn phản ánh thủ tục hành chính cần quá nhiều giấy tờ và dường như cần có “mối quen biết” mới hoàn thành được thủ tục cần làm. Thậm chí, nhiều người phản ánh có nhiều việc tưởng rất khó nhưng chỉ cần có “phong bì” là xong. Vẫn còn có tình trạng công dân có một việc mà phải chạy nhiều nơi, qua nhiều cửa. Vì vậy, mà nhiều người vẫn nói vui là “một cửa nhưng nhiều khóa”.

Khó và phức tạp, bởi chúng ta vẫn đang sở hữu một khối lượng thủ tục hành chính đồ sộ trải khắp trên các lĩnh vực và tầng cấp quản lý. Đến hết năm 2016, số lượng thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý, giải quyết của Bộ, ngành là 6.360 thủ tục, trong đó số lượng thủ tục được chuẩn hóa là 5.907 (đạt 92,8%). Phức tạp còn bởi hiện nay có nhiều văn bản 1 Bộ ban hành nhưng khi thực hiện lại có nhiều đơn vị, ngành quản lý chồng chéo.

Nghị quyết số 08-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ tám BCHTW Đảng khoá VII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam, trọng tâm là cải cách một bước nền hành chính nêu rõ: “ Mục tiêu của cải cách hành chính là nhằm xây dựng một nền hành chính trong sạch, có đủ năng lực, sử dụng đúng quyền lực và từng bước hiện đại hoá để quản lý có hiệu lực và hiệu qủa công việc của Nhà nước, thúc đẩy xã hội phát triển lành mạnh, đúng hướng, phục vụ đắc lực đời sống nhân dân, xây dựng nếp sống và làm việc theo pháp luật trong xã hội. Trong những năm trước mắt, tập trung làm tốt một số việc sau đây”.

Một ví dụ sinh động nhất cho sự thật này là chuyện 19.997 viên thuốc Tasigna 200 mg trị ung thư máu được nước ngoài viện trợ cho Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP. Hồ Chí Minh đã phải hủy bỏ vì hết hạn sử dụng, gây lãng phí 14 tỷ đồng. Để xảy ra vụ việc này có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, nhưng sự thực là thủ tục hành chính của chúng ta quá bị kéo dài, có nhiều "nút thắt" ở các khâu là nguyên nhân dẫn đến hậu quả lãng phí, cướp đi cơ hội sống của rất nhiều người đang cận kề với cái chết.

Lâu nay, cộng đồng doanh nghiệp đã phản ánh, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn, là nỗi “ám ảnh” của nhiều doanh nghiệp. Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân về thép (xin giấu tên) tại TP. Hà Nội phàn nàn chính sách thuế thay đổi quá nhiều lần trong một năm, cùng với đó là có quá nhiều công văn hướng dẫn đi kèm, khiến nhiều doanh nghiệp khó nắm bắt. Ông cũng phàn nàn, thủ tục hành chính về thuế dù đã cải thiện rất nhiều nhưng vẫn rất phức tạp từ việc khai thuế, khai quyết toán thuế; hoàn thuế đến việc đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký thuế ...

Trong những thủ tục hành chính liên quan trực tiếp, sát sườn đến cuộc sống thường ngày của người dân thì không thể không nói đến thủ tục hành chính về đất đai nói chung và thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền với đất nói riêng. Phải nhìn nhận rằng, dù đã cải cách rất nhiều nhưng thủ tục này vẫn rất phức tạp, hồ sơ gồm rất nhiều thành phần, nhiều bước, công việc, đòi hỏi thời gian giải quyết, đòi hỏi cán bộ phải có chuyên môn sâu, am hiểu quy định pháp luật, cần sự phối hợp của nhiều các cá nhân, tổ chức, cấp chính quyền. Theo tìm hiểu, thủ tục hành chính trong Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu: Hồ sơ gồm 8 thành phần hồ sơ cơ bản, trong đó có thành phần hồ sơ đòi hỏi xác định 1 trong 12 loại giấy tờ; thông qua ít nhất 7 bước công việc, liên quan đến cả 3 cấp chính quyền địa phương, thời hạn giải quyết kể từ khi nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ là 30 ngày và 45 ngày (đối với các xã thuộc miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; …). Với thủ tục phức tạp như trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, 1 công chức có thể chỉ đủ thời gian tiếp nhận được 5-10 hồ sơ/ngày. Điều này đồng nghĩa với việc người dân, doanh nghiệp đến nộp hồ sơ phải đợi lâu, hồ sơ làm thủ tục hành chính phức tạp, khó kê khai, phải đi lại nhiều lần, hồ sơ có thể phải phát sinh trong quá trình thẩm định...

Bộ, ngành “lép vế” hơn địa phương?

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, hoàn thiện và đẩy mạnh hoạt động của mạng thông tin điện tử hành chính của Chính phủ trên internet. Tuy nhiên, trong các nội dung của cải cách hành chính thì nội dung hiện đại hóa hành chính cũng đang là một điểm yếu.

Còn nhớ năm 2015, Chính phủ ra Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử nhằm công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Trong đó, một trong các mục tiêu rất quan trọng mà Chính phủ đặt ra là: “...Phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3)....”

Nhưng đến nay có thể khẳng định, kết quả thực tế thực tế còn khoảng cách rất xa so với yêu cầu của Chính phủ. Thực tế này đã được Bộ Nội vụ thừa nhận. Bộ này đánh giá, tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp quan trọng quy định tại Nghị quyết số 36a/NQ-CP còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra như: Chưa đề xuất cơ chế tài chính phù hợp cho đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, thiết lập các hệ thống thông tin nền tảng cho phát triển Chính phủ điện tử; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mới chỉ bước đầu được triển khai, kết quả đạt được còn hạn chế so với yêu cầu đề ra (ít người sử dụng, số hồ sơ được gửi/nhận trực tuyến không cao). Việc ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra”.

Còn theo chỉ số Par Index 2016 thì nội dung hiện đại hóa hành chính có kết quả thấp nhất trong số 8 lĩnh vực của Chỉ số cải cách hành chính, với giá trị trung bình 61.15%. Qua nhiều năm triển khai thực hiện Chương trình tổng thể CCHC đã cho thấy những bất cập của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành cũng như cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Điển hình là, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có Chỉ số thành phần Hiện đại hóa hành chính thấp nhất với kết quả 28.57%.

Trên thực tế, việc cung ứng dịch vụ hành chính công trực tuyến ở các cơ quan Bộ, ngang Bộ có vẻ đang “lép vế” hơn so với các địa phương, các dịch vụ chủ yếu được cung ứng ở mức độ thấp (mức độ 1, 2).

Theo thống kê của Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) đến cuối tháng 3/2017 cho thấy, 18/22 Bộ và cơ quan ngang Bộ mới cung cấp 557 dịch vụ công mức 3 và 295 dịch vụ công mức 4. Trong khi đó, tất cả các tỉnh, thành đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 10.152 dịch vụ mức 3 và trên 1.101 dịch vụ mức độ 4.

Hiện nay, tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã xây dựng và đưa vào hoạt động trang thông tin điện tử (cổng thông tin điện tử) chính thức nhưng nhiều trang thông tin điện tử của các bộ còn thiếu tính cập nhật và không đầy đủ dữ liệu về hồ sơ, thủ tục liên quan đến dịch vụ hành chính công. Đơn cử, được biết, mặc dù lượng truy cập vào website của Bộ Tư pháp chỉ đứng sau website của Văn phòng Chính phủ, song 18 trang thành phần không có nhiều thông tin. Ngoài trang thông tin của Tổng cục Thi hành án thì các trang khác rơi vào tình trang đìu hiu, hầu như không có thông tin mới được cập nhật, nhất là những nội dung giải đáp pháp luật, hướng dẫn nghiệp vụ, mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên được bổ sung, hoàn thiện...

Bên cạnh đó nhiều Bộ đã xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến, qua đó thông báo danh mục các dịch công trực tuyến đang thực hiện và nêu rõ mức độ của dịch vụ. Nhưng thực tế dường như Cổng dịch vụ công trực tuyến của nhiều Bộ chỉ mang tính hình thức, làm cho có. Nhiều người dân phản ánh đã rất ngạc nhiên khi truy cập vào Cổng dịch vụ công trực tuyến của một số Bộ bởi rất sơ sài. Điển hình như Bộ LĐ-TB&XH – Bộ có kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2016 thấp nhất thì trên trang thông tin của Bộ này có mục Dịch vụ công trực tuyến, nhưng nếu truy cập vào trang thì thấy vẫn ghi đây là “Phiên bản thử nghiệm” và nội dung thì quá sơ sài, chỉ đơn giản là liệt kê 5 dịch vụ công ở mức độ 3, mức độ 4.

Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường, cuối tháng 5 vừa qua cũng đã ban hành thông tư quy định về cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ này cũng đã chính thức đưa vào vận hành Hệ thống Dịch vụ Công trực tuyến tại địa chỉ www.dvctt.monre.gov.vn. Thế nhưng, truy cập vào đây cũng thấy mới chủ yếu là các dịch vụ công ở mức độ 2, rất ít mức dịch vụ ở mức độ 3...

Cần khẳng định, cải cách hành chính là công việc khó khăn, phức tạp, nhiều lực cản. Thực tế cho thấy, việc thúc đẩy nhanh, hiệu quả hay cản trở, làm chậm đi quá trình phát triển đất nước, trước hết cũng từ thể chế, pháp luật. Trong bài sau, chúng tôi sẽ bàn về những hạn chế trong cải cách thể chế./.

 7 nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 :

Ngày 04/02/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 225/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, 7 nhiệm vụ cải cách hành chính giai đoạn 2016-2020 gồm: Cải cách thể chế; Cải cách thủ tục hành chính; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Cải cách tài chính công; Hiện đại hóa hành chính; Công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính.

(Còn nữa)

Nhóm PV Chính trị - Xã hội

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực