Giữ mãi thiêng liêng Giỗ Tổ

Thứ năm, 22/04/2010 17:16

Bác Hồ nói chuyện với các chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong

 tại đền Giếng, Đền Hùng, Phú Thọ, tháng 9/1954
(ĐCSVN)Năm 1954, trên đường về lại Hà Nội sau 9 năm kháng chiến chống Pháp gian khổ, Bác Hồ đã dừng chân ở Đền Hùng. Tại nơi đây, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn 308 (Đại đoàn Quân Tiên phong) vừa chiến thắng tại chiến trường Điện Biên Phủ trở về, Bác căn dặn "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". 

Trong câu chuyện thân mật, Bác hỏi: “Các chú có biết vua Hùng là ai không” và Bác đã giải thích đó là người đã xây dựng nên đất nước Việt Nam ngày nay, và vì vậy hôm nay ta có câu nói nổi tiếng, định hướng cho cách nhìn nhận lịch sử dân tộc của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước”. Để chứng minh cho nhận định sáng suốt ấy, các nhà khoa học đã bỏ ra nửa thế kỷ tìm những chứng cứ vật chất và phi vật chất về thời Hùng Vương. May mắn thay, từ trong lòng đất, trong chiều sâu lịch sử, chúng ta đã chứng minh được thời kỳ Hùng Vương là có thật, văn hóa thời Hùng Vương là văn hóa bản địa và cư dân Hùng Vương là tổ tiên của dân tộc ta. Dân tộc Việt Nam có chung một thủy tổ, thủy tổ đó đã sinh ra và làm chủ dải đất Việt Nam ngay từ thời tiền sử, ngày nay điều ấy không còn chỉ là những huyền thoại, truyền thuyết dân gian. Niềm tự hào về tổ tiên, nghĩa đồng bào càng được nhân lên khi ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Chính phủ quyết định là ngày quốc lễ hàng năm. Vào những ngày này, hàng triệu người đang đến khu di tích Đền Hùng để tham gia vào các hoạt động tâm linh, văn hóa giàu ý nghĩa, tưởng nhớ công ơn tổ tiên, mong cho quốc thái dân an. Không chỉ lễ hội năm sau trang trọng hơn, phong phú hơn năm trước, một chương trình sưu tầm, nghiên cứu có đại diện nhiều ngành, địa phương, cơ quan nghiên cứu khoa học tham gia cũng đang khẩn trương để sớm hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới Tín ngưỡng và lễ hội Hùng Vương. Đó là kết quả to lớn sau nhiều cố gắng với tấm lòng tôn trọng sự thật lịch sử, giàu lòng yêu nước của nhiều thế hệ.

Nhưng để thời đại Hùng Vương, di tích lịch sử văn hóa Hùng Vương xứng với tầm vóc và vị trí của nó, còn nhiều việc phải làm. Nhiều điều rất cơ bản đã được làm sáng tỏ, nhưng không ít câu hỏi còn chưa tìm được câu trả lời đầy đủ. Thời đại Hùng Vương bắt đầu từ bao giờ và kết thúc khi nào, bởi nguyên nhân gì? Chi tiết về từng đời vua trong 18 đời vua là gì? Phong tục tập quán, trang phục thế nào, tổ chức xã hội, trình độ kinh tế ra sao, có chữ viết không và nhiều vấn đề khác là những câu hỏi không dễ trả lời trong một vài thế hệ. Mới gần đây, dư luận còn phàn nàn về một tập trong bộ tranh lịch sử cho thiếu nhi vẽ vua Hùng và các bộ tướng của ông đóng khố, cởi trần, đi dép cỏ trong khi ở Trung Quốc, nhiều nhân vật vua chúa cùng thời với các vua Hùng đã được các họa sĩ thể hiện trong trang phục tơ lụa kín đáo, sang trọng. Những điều như thế đỏi hỏi không chỉ các nhà khoa học mà mỗi người Việt Nam yêu nước, cùng với việc “giữ lấy nước” còn phải góp nhiều công sức để hình ảnh quốc tổ, đất tổ ngày càng cụ thể, hấp dẫn hơn nữa.

Không những thế, trách nhiệm của mỗi con dân Việt Nam còn là gìn giữ và xây dựng cho lễ hội Hùng Vương trở thành mẫu mực cho gần 1.000 lễ hội trong cả nước hiện nay. Tiết kiệm, văn minh, không thương mại hóa, không tà tâm dấu mặt và cũng không tà tâm lộ mặt dâng Quốc tổ chiếc bánh dày độn mút xốp như năm ngoái hay quảng cáo trá hình và trái phép cho rượu mạnh năm nay để ngày giỗ Tổ mãi thiêng liêng, ngày càng thêm thiêng liêng ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực