Nghĩa trang A1 - "Trắng hàng bia những ngôi sao không nói…"

Thứ hai, 06/05/2024 08:50
(ĐCSVN) - Trong những ngày này, rất nhiều đoàn khách thập phương đã về với mảnh đất Điện Biên để thăm lại những di tích từng gắn bó với thế hệ cha ông đi trước, để được thắp nén tâm hương lên phần mộ của các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Và, Nghĩa trang liệt sĩ A1 là một nơi linh thiêng như thế!

Tỉnh Điện Biên hiện quản lý 5 nghĩa trang liệt sỹ với hơn 6.000 phần mộ, trong đó có 3 nghĩa trang liệt sỹ cấp quốc gia: A1, Him Lam và Độc Lập là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; hai nghĩa trang quy mô cấp tỉnh là Nghĩa trang Tông Khao (nghĩa trang quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào) và Nghĩa trang Thanh niên xung phong hy sinh trong xây dựng công trình Đại thủy nông Nậm Rốm.

Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia A1 (ảnh: Lý Lê)

Nghĩa trang liệt sĩ A1 (còn có tên là nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên), nằm cách chân Đồi A1 vài trăm mét, nơi đã diễn ra trận đánh quyết liệt cách đây 70 năm trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), thuộc đường Võ Nguyên Giáp, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Được xây dựng năm 1958, sau 2 lần quy hoạch, đầu tư sửa chữa, nâng cấp, mở rộng (vào các năm 1993, 2013), Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia A1 trở thành công trình văn hóa - lịch sử, hội tụ tính trang nghiêm, bền vững, thẩm mỹ, có kiến trúc và quy mô hợp lý, phù hợp với tầm vóc của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Cổng chính của Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1 với hai bên là tường thành kiểu thành cổ. Cụm tượng màu vàng đặt bên trái nghĩa trang là hình tượng hai người phụ nữ dân tộc Thái, Kinh và em bé đang nâng dải lụa. Lễ đài và gác chuông của nghĩa trang có kiến trúc của công trình Khuê Văn Các. Mặt trước của nghĩa trang ngăn cách với quảng trường là hào nước rộng 6m. Bảng vàng hai bên cổng chính đi vào là nơi ghi danh các liệt sĩ hi sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, được thống kê theo từng địa phương. Mặt trước tường thành được đắp nổi hai cụm phù điêu. Một cụm thể hiện 56 ngày đêm quân dân ta chiến đấu tại Điện Biên Phủ, một cụm thể hiện 9 năm kháng chiến trường kỳ. Góc trái của nghĩa trang là ngôi nhà quân trang thiết kế theo kiểu kiến trúc nhà sàn của dân tộc Thái Tây Bắc. Nghĩa trang được che mát bởi các hàng cây long não, hoa đại, hoa ban. Giữa những lối đi được cắt tỉa cây cỏ gọn gàng, sạch sẽ, trang nghiêm.

Nghĩa trang A1 là nơi an nghỉ của 645 Anh hùng, Liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (ảnh: Trần Quỳnh)

Đây là nơi an nghỉ của 645 Anh hùng, Liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong số các phần mộ nói trên, mới chỉ có 53 phần mộ đã xác định được thông tin, các phần mộ còn lại đều chưa xác định danh tính. Tại nghĩa trang A1 có 4 ngôi mộ lớn khắc tên 4 anh hùng liệt sĩ tiêu biểu: Phan Đình Giót (người lấy thân mình lấp lỗ châu mai), Tô Vĩnh Diện (người lấy thân mình chèn pháo), Bế Văn Đàn (người lấy thân mình làm giá súng) và Trần Can (người cắm cờ trên cứ điểm Him Lam).

Những ngày này, dòng người khắp nơi đổ về Điện Biên, về với mảnh đất thiêng liêng nơi cực Tây của Tổ quốc cách đây 70 năm đã diễn ra chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, thành kính thắp lên một ngọn nến, một nén tâm hương trên đài tưởng niệm, trên từng ngôi mộ liệt sỹ. Đi giữa những hàng bia trắng có gắn sao trên mộ là những du khách nhón chân rất khẽ như giữ yên lặng cho người nằm dưới mộ. Những người khách phương xa ấy có thể là các em học sinh, có thể là thân nhân của một người lính, có thể là những cựu chiến binh từng tham gia chiến trường Điện Biên Phủ hay các chiến trường khác đều có chung tấm lòng biết ơn những người đã ngã xuống cho Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam..., cho độc lập tự do của dân tộc.

Đặc biệt nhất phải kể đến là những người lính Điện Biên Phủ năm xưa nay đã ở tuổi 90, mái đầu bạc trắng, chân bước run run, rưng rưng xúc động như đến chào đồng đội lần cuối. Trong trí nhớ tuổi xế chiều ấy là trận chiến oanh liệt, là những gương mặt tuổi 20 đã nằm lại nơi này, nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp...

Trở lại Điện Biên Phủ vào những ngày tháng 4/2004, nơi đầu tiên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm cũng chính là Nghĩa trang liệt sĩ A1 - nơi những đồng đội của Đại tướng đang yên nghỉ. Và hôm ấy, những người lính Điện Biên ngày đó đã được cùng Đại tướng thắp nén hương cho những liệt sĩ ở nghĩa trang A1. Trong bộ quân phục uy nghiêm, tiếng nhạc Hồn tử sĩ, Đại tướng giơ tay chào những liệt sĩ như đang đứng trước hàng quân. Sau khi thắp hương tại Đài tưởng niệm, Đại tướng tới nhiều ngôi mộ và lặng đi trước những hàng bia dài còn để trắng tuổi, tên. Bó hương trên tay Đại tướng lần lượt vơi đi, hết bó này đến bó khác … Không ai dám nghĩ đó lại là lần cuối cùng những đồng đội, những Anh hùng liệt sĩ nằm lại ở nghĩa trang liệt sĩ đồi A1 được đón Đại tướng lên thăm…

 Đại tướng Võ Nguyên Giáp viếng Nghĩa trang liệt sỹ đồi A1 trong lần thăm tỉnh Điện Biên năm 2004 (ảnh: Báo Nhân Dân)

Vâng! Chiến tranh đã kết thúc bằng một đỉnh cao chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Chiến tranh đã đi qua với khúc hát khải hoàn của tên gọi những đứa con mang bao thông điệp, đó là Hòa - Bình - Hạnh - Phúc - Điện - Biên... Nhưng chiến tranh cũng còn lại những nghĩa trang rộng lớn, bước chân người đi đã mỏi mà vẫn không thắp hết những nén nhang thơm...

Như nhà thơ Xuân Diệu từng viết trong bài thơ Mộ Bế Văn Đàn:

Thời gian ngừng bước, lặng im

Bên mồ liệt sĩ, trái tim ta dừng

Trái tim ta cũng ngập ngừng

Nửa chừng giọt lệ, nửa chừng lời ca

Ánh ngày nghiêng xuống cùng ta

Nghẹn ngào đặt một vòng hoa tinh thần...

Ngày hôm qua ở lại trong những hồi ức của người lính già đã ở tuổi gần đất xa trời, lên với Điện Biên lần này mà không dám hẹn lần sau. Ngày hôm qua ở lại trong những kỷ vật chiến tranh đi cùng năm tháng là chiếc áo trấn thủ, chiếc mũ nan ngụy trang, chiếc bi đông đựng nước thành bình hoa ngày cưới... Ngày hôm nay nối tiếp bằng những tấm lòng biết ơn và ghi nhớ, bằng tình cảm và trách nhiệm, bằng tất cả những thiêng liêng sâu thẳm đâu dễ bật thành lời. … Bởi thế, được thắp nén hương trầm lên từng phần mộ liệt sĩ, dù là bia trắng hay có tên mà không còn xương thịt, thì đó vẫn là một sự bù đắp, dù là ít ỏi, để nhắc nhớ con cháu về sự hy sinh của thế hệ cha ông mình.

Video Clip ghi lại giây phút gặp nhau bất giờ, ngắn ngủi nhưng đầy xúc động trên đồi A1 sau 70 năm của hai cựu chiến binh Điện Biên Phủ nay đều đã ngoài 90 tuổi: Đại tá Phạm Minh Nghĩa (sinh năm 1935) và Thượng úy Phạm Bá Miều (sinh năm 1930) - thực hiện: Trần Quỳnh

Ngày 7/5/2024 - ngày mà 70 năm về trước Điện Biên Phủ “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Xin được thành kính tưởng nhớ những người lính Điện Biên năm xưa, những người dân công từ bao miền quê nghèo trên khắp mọi miền đất nước đã nằm lại với mảnh đất này - họ lại có dịp tề tựu bên nhau, ngắm thung lũng Mường Thanh đang nhuộm vàng sắc nắng và thơm mùi lúa mới, để cùng hòa chung một điệu xòe hoa mừng ngày chiến thắng…/.

Mai Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực