Bức xúc kéo dài tại Hãng phim truyện Việt Nam: Vì đâu nên nỗi?

Thứ năm, 28/09/2017 14:35
(ĐCSVN) - Dư luận đang xôn xao về việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Trước những bức xúc kéo dài của các nghệ sĩ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị chức năng đã có những cuộc họp cả với báo chí, các nhà quản lý, các nghệ sĩ nhằm làm dịu tình hình dư luận.

Nhưng, những giải thích không mấy thỏa đáng từ phía Tổng Công ty vận tải thủy Vivaso cũng như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không những không làm dịu đi bất bình từ phía các nghệ sĩ mà ngược lại, càng thổi bùng lên những vướng mắc vốn từ lâu đã như đã nhen nhóm trong lòng các nghệ sĩ đã đồng hành và gắn bó máu thịt với “Anh cả đỏ” từ những ngày “trứng nước”.

Hãng phim truyện Việt Nam được cho là đang tọa tại vị trí đất "vàng" của Hà Nội
và Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TL)

Thành lập năm 1953, Hãng phim truyện Việt Nam là đơn vị đầu tiên sản xuất phim của Việt Nam. Và ngay trong những ngày đầu thành lập, mặc dù điều kiện còn rất nhiều khó khăn nhưng Hãng phim truyện Việt Nam đã nhanh chóng khẳng định được vị trí “Anh cả đỏ” của nền điện ảnh khi cho ra đời hàng loạt những tác phẩm cho đến nay vẫn là niềm tự hào của của điện ảnh Việt Nam như: Chung một dòng sông; Con chim vành khuyên, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Bao giờ cho đến tháng mười...

Thế nhưng, cùng với thời gian, “Anh cả đỏ” ngày nào dường như đã không còn giữ được vị trí của mình trong vòng xoáy của cơ chế thị trường. Không những vậy, trong suốt 20 năm qua, hãng phim "thê thảm" đến nỗi không trả nổi tiền đất thuê, làm phim thì thua lỗ, bởi phim sản xuất ra nhưng không có khán giả, “chết yểu” khi ra rạp.Trước những khó khăn kéo dài, để chấn hưng hãng phim nức tiếng một thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Nhà nước đã có chủ trương cổ phần hóa hãng phim.

Trong bối cảnh cơ chế thị trường, một loạt các hãng phim tư nhân ra đời và phát triển mạnh mẽ, chiếm vị trí quan trọng trong nền điện ảnh đương đại, thì việc chủ trương cổ phần hóa để cứu hãng phim là một chủ trương đúng đắn, hợp với hoàn cảnh và thời đại.Thế nhưng, cổ phần hóa như thế nào để lấy lại được thương hiệu “Anh cả đỏ” của nền điện ảnh và không biến hãng phim trở thành “cái chợ” chắc chắn không phải là chuyện dễ.

Bao nhiêu năm sống trong sự bấp bênh chỉ trông chờ vào các đơn đặt hàng của Nhà nước, các nghệ sĩ ai cũng kỳ vọng vào “làn gió mới”. Thế nhưng thực tế thì sao? Các nghệ sĩ đã thực sự thất vọng khi Vivaso không tìm ra được đường hướng làm phim. Từ khi cổ phần hóa, không những không thấy có sản phẩm nào, mà đời sống của các nghệ sĩ càng khó khăn hơn, nhiều tháng không có lương và nếu có cũng là con số hết sức "khiêm tốn" - vài trăm ngàn một tháng. Vẫn biết, thu nhập của các nghệ sĩ không chỉ từ lương, mà còn từ các sản phẩm nghệ thuật, vai diễn, nhưng đã nói đến bài toán cổ phần hóa để chấn hưng hãng phim thì không có chuyện hãng phim đi lên mà đời sống của diễn viên, cán bộ, công nhân viên hãng phim lại đi xuống.

Không phải chỉ bây giờ mà những bức xúc, thất vọng của các nghệ sĩ đã dồn nén từ lâu nhưng nó chỉ thực sự "tràn ly" khi Vivaso có ý định biến hãng phim trở thành cái chợ, nơi bán phở hay chân gà nướng…(lời của nghệ sĩ Quốc Tuấn). Cảm thấy như bị xúc phạm, các nghệ sĩ đã cùng nhau đăng đàn và kêu gọi cùng nhau để giải quyết. Ngay sau làn sóng của các nghệ sĩ, Tổng Công ty vận tải thủy Vivaso (đơn vị mua lại Hãng phim truyện Việt Nam với giá 32,5 tỷ đồng, tương ứng với 65% cổ phần) và lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch… đã phải liên tiếp tổ chức các cuộc họp công khai có sự chứng kiến của báo chí. Những tâm tư, nguyện vọng đã được giãi bày và một phần bức xúc của các nghệ sĩ cũng đã được giải quyết khi Bộ yêu cầu Tổng công ty vận tải thủy Vivaso phải trả lương cho các nghệ sĩ.

Nhưng vấn đề cốt lõi các nghệ sĩ đấu tranh không phải chỉ nằm ở vài tháng lương mà là sự tồn tại lâu dài của hãng phim. Thử hỏi hãng phim sẽ ra sao, vị trí của “Anh cả đỏ” sẽ như thế nào khi mà Chủ tịch HĐQT, Tổng Công ty vận tải thủy Vivaso, ông Nguyễn Thủy Nguyên, cho rằng trong thời buổi khó khăn các nghệ sĩ phải cùng đi tìm việc chứ không chỉ có ban lãnh đạo. Nếu chưa có dự án lớn, các nghệ sĩ có thể đi quay phim ở làng xã, viết kịch bản thuê cho các nơi…

Không tìm ra được đường hướng phát triển cụ thể cho hãng phim âu cũng là điều dễ hiểu, bởi như ông Nguyễn Thủy Nguyên đã nói, Vivaso là công ty đường thủy, không có kinh nghiệm làm phim…Thế nhưng thật sự khó hiểu khi người ta lại giao “Anh cả đỏ” đang “hấp hối” cho một công ty không liên quan và không có kinh nghiệm về nghệ thuật nắm quyền quản lý. Điều này nguy hiểm chẳng khác gì khi có trọng bệnh mà lại rơi vào tay... "lang băm".Có lẽ vì thế mà các nghệ sĩ hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi về sự khuất tất cũng như thiếu minh bạch trong quá trình cổ phần hóa hãng phim. Và hy vọng, những nỗ lực của các nghệ sĩ sẽ được đền đáp khi có kết quả thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa hãng phim theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam./.

Kim Thoa
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực