Sẽ sớm có nhà ở giá rẻ cho công nhân Thủ đô

Thứ năm, 25/05/2017 15:50
(ĐCSVN) - Cùng với phát triển sản xuất, việc xây dựng đồng bộ nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp (KCN) đã và đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với Thành phố Hà Nội nhằm kết hợp giữa phát triển kinh tế với nâng cao đời sống người lao động.

Một dãy nhà được xây dựng cho công nhân thuê trọ ở xã Quang Minh, huyện Mê Linh (Hà Nội) 
Ảnh: MH

Đáp ứng nhu cầu lớn từ thực tế

Những năm qua, tuy việc xây dựng nhà ở cho công nhân đã được quan tâm song nhìn chung, số lượng nhà ở cho công nhân trên địa bàn TP Hà Nội còn chưa nhiều. Nhà ở vẫn là vấn đề bức xúc của người lao động tại các KCN với khoảng 90% công nhân phải thuê trọ tạm, gửi con nhỏ ở các nhà trẻ tư nhân…

Theo thống kê, TP Hà Nội hiện có 10 KCN đang hoạt động với quy mô trên 1.700 ha đất và khoảng trên 144 nghìn công nhân. Trong đó, quá trình quy hoạch, có 4 KCN đã bố trí được quỹ đất để xây dựng nhà ở công nhân là: KCN Phú Nghĩa, KCN Thăng Long, KCN Quang Minh II, KCN Thạch Thất - Quốc Oai (Công ty TNHH Young Fast và Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam tự bố trí quỹ đất trong diện tích đất được thuê để xây dựng nhà ở công nhân). Còn lại, một số KCN như: KCN Nội Bài, KCN Sài Đồng, KCN Nam Thăng Long, KCN Quang Minh I… đến nay vẫn chưa thể điều chỉnh tạo quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân.

Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Meiko Việt Nam (KCN Thạch Thất - Quốc Oai) cho biết: Hầu hết công nhân lao động trong khu công nghiệp và chế xuất đều là người ở ngoại tỉnh nên nhà ở đang là vấn đề quan tâm lớn đối với họ. Tuy nhiên, tại một số KCN chưa bố trí được quỹ đất xây nhà ở cho công nhân; hoặc có triển khai xây dựng nhưng người lao động không thể tiếp cận được với nhà ở dành cho công nhân do giá quá cao, từ đó gây lãng phí nguồn lực của xã hội và doanh nghiệp.

Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, tạo thuận lợi để ổn định và nâng cao đời sống người lao động, hện nay, UBND TP Hà Nội đã giao Sở Quy hoạch Kiến trúc kiểm tra, rà soát và đề xuất bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở công nhân. Cụ thể, tại KCN Quang Minh I, TP. Hà Nội đã chấp thuận cho chủ đầu tư KCN điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu công nghiệp sử dụng 41 ha để tạo quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân lao động trong khu công nghiệp. Đây là phần đất nằm trong diện tích 63 ha đất quy hoạch KCN Quang Minh mở rộng, thuộc địa phận xã Kim Hoa và thị trấn Chi Đông, huyện Mê Linh (Hà Nội). Đối với KCN Quang Minh II, UBND TP. Hà Nội cũng đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch khu công nghiệp tạo quỹ đất khoảng 14 ha dành cho xây dựng nhà ở công nhân.

Sớm có nhà ở giá rẻ cho công nhân Thủ đô

Đó là khẳng định mới đây của đồng chí Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội trong buổi đối thoại với công nhân và doanh nghiệp Thủ đô. Theo đó, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội đã làm việc với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và đơn vị này hứa dành khoảng 700 tỷ đồng cùng thành phố xây dựng nhà ở cho công nhân.

Cụ thể, để giải quyết những bức xúc về nhu cầu chỗ ở của công nhân tại các KCN, chủ trương của TP. Hà Nội là sẽ phối hợp cùng với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo phương thức: Địa phương, Ban Quản lý KCN bảo đảm quỹ đất sạch, Tổng Liên đoàn sẽ xây dựng chung cư với các căn hộ có diện tích 30-50 m2, giá thành khoảng 5 triệu đồng/m; đảm bảo người lao động tại các KCN có thể sở hữu căn hộ với số tiền chỉ từ 150 triệu đồng trở lên, đi kèm với đó sẽ có nhà trẻ, siêu thị, hạ tầng để phục vụ công nhân.

Chị Hoàng Thị Hương, công nhân KCN Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều là người ở Hoà Bình xuống làm công nhân ở đây. Tổng lương hàng tháng của 2 vợ chồng chỉ vào khoảng 14 - 15 triệu đồng. Việc thuê trọ, gửi con nhỏ nhiều khi rất vất vả, tốn kém. Chúng tôi rất phấn khởi trước chủ trương của TP. Hà Nội trong việc hỗ trợ xây dựng nhà ở giá rẻ cho công nhân. Nếu được thực hiên, đây sẽ là cơ hội để công nhân tại các KCN có thể ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất”.

Được biết, cùng với chủ trương xây dựng nhà ở cho công nhân, UBND TP. Hà Nội còn yêu cầu các KCN đã có quy hoạch cần phải đầu tư xây dựng nhà trẻ, nhà văn hoá đồng bộ với xây dựng khu nhà ở công nhân để bảo đảm sinh hoạt cho công nhân tại các khu công nghiệp. Đối với các khu công nghiệp đang điều chỉnh quy hoạch, cần bổ sung, bố trí đủ trường học, nhà trẻ, nhà văn hoá cũng như các công trình văn hóa thể thao phục vụ cho công nhân khu công nghiệp theo quy định. Mục tiêu của Hà Nội là đến năm 2018, TP sẽ hoàn thành quy hoạch xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa thể thao, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ, trường học phục vụ công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn./.

Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực