TP. Hồ Chí Minh: Năm 2020 không để gia tăng vi phạm trật tự xây dựng

Thứ năm, 12/12/2019 18:32
(ĐCSVN)- Sáng 12/12, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD) trên địa bàn TP.
leftcenterrightdel

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị.

 

 

Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan; đại diện các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn TP.

804 công trình vi phạm xây dựng sai phép, trái phép

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu một số vấn đề bất cập hiện nay dẫn đến vi phạm xây dựng sai phép, trái phép; cũng như nêu những kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng (TTXD).

Chủ tịch UBND Quận 4 Trần Hoàng Quân thông tin: Quận 4 có  tỷ lệ mật độ dân cư cao, với diện tích nhà nhỏ dưới 21m2 chiếm 70% diện tích nhà trên địa bàn quận. Do vậy, vi phạm không phép, sai phép xảy ra chủ yếu ở nhóm này. Cụ thể, hiện nay, quận có mật độ dân cư đông với 41.000 người/km2 nên nhu cầu người dân cần nhà ở rất lớn, nhưng theo quy định của ngành xây dựng diện tích dưới 15m2 không cấp phép xây dựng mà chỉ cho sửa chữa, cải tạo. Vì vậy, người dân tìm mọi cách để xây dựng sai phép, không phép.

Ông  Trần Hoàng Quân kiến nghị TP, Sở Xây dựng TP cho phép một số quận, huyện có diện tích nhỏ và các quận nội thành có cơ chế quản lý kiến trúc, về chỉ tiêu xây dựng tạm, xây dựng nhà có diện tích dưới 15m2 khác với các quận ven của TP để giải quyết căn cơ việc người dân cố tình xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn trong thời gian tới.

Trước kiến nghị của UBND Quận 4, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan đề nghị Sở Xây dựng TP nghiên cứu trường hợp này để có hướng xử lý và cần thiết đưa ra quy định cách làm để làm sao người dân thuận lợi nhất.  

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND quận Tân Bình Châu Văn La mong muốn TP quan tâm, có chủ trương tăng mức hỗ trợ kinh phí cho cộng tác viên làm công tác quản lý đô thị. TP nên sớm đưa Đội Thanh tra địa bàn về trực thuộc UBND quận, huyện quản lý để thuận tiện, cơ động trong việc xử lý. Các cấp chính quyền khôi phục lại việc cắt điện, cắt nước đối với các trường hợp vi phạm TTXD để tạo sự nghiêm minh và tính hiệu quả.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình: Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU và Kế hoạch số 3333/KH-UBND, tình hình quản lý TTXD trên địa bàn TP có chuyển biến tích cực. Đồng thời, đã tạo hiệu ứng sâu, rộng trên toàn TP, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTXD của người dân, kéo giảm tình hình vi phạm TTXD trên địa bàn TP; trách nhiệm người đứng đầu được nâng lên, ý thức chấp hành nhiệm vụ công vụ của công chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước về TTXD được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về TTXD.

Cụ thể, số công trình vi phạm TTXD trên địa bàn TP sau khi thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU là 804 công trình (sai phép 309 công trình, không phép 495 công trình), bình quân 5,4 vụ/ngày, nếu so sánh với bình quân số vụ vi phạm của 6 tháng đầu năm 2019 (8,5 vụ/ngày), thì số vụ vi phạm giảm 3,1 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 36,9%.

Ông Bình cho biết, công tác quản lý Nhà nước về TTXD trên địa bàn TP thời gian qua được tăng cường thông qua sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng và việc triển khai thực hiện của các cấp chính quyền địa phương đã phần nào hạn chế được tình trạng vi phạm xây dựng tràn lan, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, nâng cao công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm xây dựng trên địa bàn TP. Công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật được thực hiện rộng rãi trong từng cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn TP, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm, ý thức của cán bộ, công chức, người dân trong việc chấp hành quy định pháp luật về đất đai, xây dựng.

Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng (chủ đầu tư, nhà thầu, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan) được nâng lên, việc chấp hành các quy định pháp luật về xây dựng có chuyển biến tích cực hơn.

Tuy nhiên, ông Bình cũng chỉ ra  một số hạn chế. Đó là hiện nay về lực lượng tham mưu cho UBND quận, huyện thực hiện công tác quản lý Nhà nước về TTXD chưa được quy định cụ thể nên còn nhiều khó khăn về nhân sự và chỉ đạo điều hành. Việc tổ chức thực hiện dứt điểm các quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn chậm do việc tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo Thông tư số 05/2017/TT-BTC ngày 16/1/2017 của Bộ Tài chính còn nhiều vướng mắc khó thực hiện. Việc không áp dụng được các biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm TTXD đã gây khó khăn trong việc ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính và yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm....

Năm 2020 không để gia tăng vi phạm trật tự xây dựng

Tại hội nghị, nói về giải pháp chấn chỉnh công tác TTXD, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Nguyễn Thanh Toàn phân tích: Hiện nay, người dân vi phạm về TTXD chủ yếu là do người dân muốn chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không được do kế hoạch sử dụng đất không đồng bộ theo kỳ kế hoạch. Hiện nay, người dân xây dựng sai phép, trái phép trên các khu vực quy hoạch công viên cây xanh, giao thông, đất công trình phúc lợi công cộng, đất xây dựng mới, đất xây dựng hỗn hợp… Đây là vấn đề Sở nhận được rất nhiều đơn thư và là công việc Sở thường xuyên phối hợp với UBND quận, huyện để báo cáo UBND TP điều chỉnh cục bộ nhưng việc này không đơn giản. Vì vậy, kiến nghị TP, Bộ Xây dựng sửa đổi văn bản luật liên quan đến chính sách nhà đất đối với người dân trong khu vực quy hoạch.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Nâng cao hiệu quả công tác quản lý và lãnh đạo trên lĩnh vực xây dựng là một quá trình không thể làm ngay, nhưng những tháng triển khai đầu tiên có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các quận, huyện có số vụ xây dựng sai phép, trái phép không giảm và tăng, sau hội nghị cần có sự thảo luận sâu hơn. Sở Tài chính TP tham mưu ngay cách vận dụng Nghị định 157/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động để trong tháng 12 này thống nhất việc trả lương cho số hợp đồng thêm để triển khai ngay.

leftcenterrightdel

                                            Quang cảnh hội nghị.

 

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân  yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong chấp hành pháp luật; phải suy nghĩ giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, nhất là nhu cầu về chỗ ở chính đáng của người dân. Đồng thời, đề nghị các cấp ủy của các đơn vị có số vụ vi phạm TTXD tăng thêm rà soát ngay để bước sang năm 2020 không còn quận, huyện nào mà vi phạm lại tăng hơn 2019. Về quản lý Nhà nước cần rà soát và củng cố cơ sở pháp lý các quyết định trong quản lý TTXD.

Người đứng đầu Thành ủy đề nghị UBND TP cho UBND quận, huyện tạm ứng kinh phí thực hiện việc cưỡng chế vi phạm TTXD để cơ sở chủ động triển khai. Sở Xây dựng TP cố gắng trước 31/12/2019 đưa sổ tay hướng dẫn về xây dựng xuống tất cả các phường và đưa lên trang tin điện tử của Sở; hướng dẫn về niêm yết giấy phép xây dựng và từ tháng 1/2020 tất cả các giấy phép xây dựng quận, huyện cấp đều nằm trên trang tin điện tử quận, huyện; hướng dẫn xử lý các sai phạm đã xảy ra trước thời điểm tháng 6/2019; hướng dẫn xây nhà cho thuê. Đồng thời, yêu cầu  Sở Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường có cần có quy chế phối hợp để lực lượng ở quận - huyện, phường - xã trong khối phối hợp với nhau. Sở Thông tin và Truyền thông cần có bản đồ hệ thống số hóa về quy hoạch, sử dụng đất, các công trình cấp phép. Sở Xây dựng sớm cấp mã code để rà soát giấy phép xây dựng thật hay giả giúp người dân kiểm soát được. Đồng thời, rà soát đến hết tháng 1/2020, hướng dẫn xử lý công trình sai phạm đã có từ trước phải phân loại xong, còn cái nào sót trong quá trình làm bổ sung để đến tháng 2/2020, quận - huyện có cơ sở pháp lý xử lý các công trình này. Thanh tra xây dựng địa bàn hàng tháng phải có giao ban, các phường - xã phải có báo cáo tuần về vi phạm xây dựng cho quận, huyện, hàng tháng quận - huyện phải báo cáo cho Sở Xây dựng và UBND TP./.

Q.Mai- V. Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực