Vì sao số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn rất khiêm tốn?

Thứ tư, 22/02/2017 17:43
(ĐCSVN) - Qua 9 năm thực hiện, tính đến cuối năm 2016, mới có trên 200.000 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện so với gần 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc...

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu tại hội nghị.

Đây là con số được Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Doãn Mậu Diệp đưa ra tại Hội nghị tuyên truyền về chế độ chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 22/2.

Trên 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định: Chính sách BHXH tự nguyện có hiệu lực từ ngày 01/1/2017 là chính sách ưu việt và đầy tính nhân văn cho lao động tự do làm việc ở khu vực phi chính thức được tham gia và hưởng chế độ lương hưu khi hết tuổi lao động. Theo đó, chính sách BHXH tự nguyện đã mở rộng về đối tượng tham gia, phương thức đóng, mức đóng và chế độ hưởng. Đặc biệt, nhằm nâng cao hơn nữa tính nhân văn của chính sách này cũng như tháo gỡ, tiếp sức và chung tay với người lao động, Luật BHXH đã thể chế và hoàn thiện các quy định về chính sách BHXH theo hướng mở rộng và nâng cao quyền tham gia và thụ hưởng chế độ chính sách cho đông đảo nhân dân lao động vì mục tiêu an sinh cho mọi người lao động khi về già. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện dựa trên mức đóng này (người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 30% số tiền phải đóng, người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 25% và các đối tượng khác được hỗ trợ 10%).

Tuy nhiên, con số được đưa ra tại Hội nghị là qua 9 năm thực hiện, tính đến cuối năm 2016, ước có trên 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, có gần 30.000 người đang từ chỗ không có cơ hội về mặt chính sách để hưởng lương hưu vì có dưới 20 năm đóng BHXH đã được tham gia BHXH tự nguyện và đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng. Điều đó cho thấy tính ưu việt và nhân văn trong chính sách mới của Đảng và Nhà nước.

Theo đánh giá của các đại biểu, 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện so với gần 13 triệu người tham gia BHXH bắt buộc là một con số còn khiêm tốn. Vẫn còn gần 40 triệu người lao động trong khu vực phi chính thức, lao động tự tạo việc làm, lao động giúp việc gia đình, nông dân, ngư dân... thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa đăng ký tham gia.

Vì sao người dân chưa mặn mà?

Tại hội nghị, ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội làm rõ: Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 đã mở ra rất nhiều chính sách thuận lợi cho người dân tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể, mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, nếu không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì đều có thể đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Pháp luật hiện hành không quy định trần tuổi đóng BHXH tự nguyện. Mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu cũng được hạ từ 22% mức lương cơ sở còn bằng 22% mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn. Tức là, người tham gia BHXH tự nguyện có thể đóng tối thiểu 154.000 đồng/ tháng. Giả định, mức chuẩn nghèo không thay đổi, không tính đến yếu tố lạm phát thì sau 20 năm đóng BHXH tự nguyện, một lao động nữ đến 55 tuổi sẽ nhận được lương hưu bằng 60% thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH. Nếu đóng 154.000 đồng/ tháng trong vòng 20 năm thì sẽ nhận được lương hưu 420.000 đồng/ tháng. Kỳ vọng sống của phụ nữ Việt Nam ở độ tuổi 55 là 24,5 năm. Rõ ràng, về mặt tài chính thì tham gia BHXH tự nguyện rất lợi.

Người lao động hoàn toàn có thể chọn mức đóng cao hơn để có mức hưởng lương hưu cao hơn khi về già. Nhưng tối đa không vượt quá 22% của 20 lần mức lương cơ sở.

Ông Trần Hải Nam cũng cho biết: Luật BHXH năm 2014 cho phép người lao động đóng BHXH tự nguyện theo nhiều phương thức. Trường hợp người lao động có một khoản thu nhập lớn mới phát sinh thì có thể đóng BHXH một lần cho nhiều năm về sau như là một khoản tiết kiệm cho tuổi già. Trường hợp người lao động đã hết tuổi lao động nhưng mới có hơn 10 năm đóng BHXH (không phân biệt BHXH bắt buộc hay BHXH tự nguyện) thì có thể đóng BHXH một lần cho những năm còn thiếu và hưởng lương hưu ngay khi đóng đầy đủ.

Ông Trần Hải Nam nhấn mạnh: “Từ ngày 01/01/2018, tất cả những người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH bằng 10% của mức đóng theo chuẩn nghèo khu vực nông thôn, là từ 15.400 đồng/tháng. Trường hợp người lao động thuộc diện cận nghèo thì mức hỗ trợ là 25% (tương ứng với 38.500 đồng/tháng); người lao động thuộc diện nghèo thì mức hỗ trợ là 30% (tương ứng 46.200 đồng/tháng)”.

Còn theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Hiện cơ quan BHXH đang chi trả cho gần 24.000 người hưởng chế độ BHXH hằng tháng; trong đó có khoảng 100 người hưởng trợ cấp tuất hằng tháng, còn lại là hưởng lương hưu. Các hình thức chi trả gồm: Chi trả qua tài khoản thẻ ATM, chi trả tại cơ quan BHXH và chi trả thông qua tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền (đối với người hưởng chế độ hằng tháng thì chi trả qua tài khoản thẻ và tổ chức dịch vụ).

Ông Đỗ Ngọc Thọ cho biết: “Số người hưởng chế độ BHXH tự nguyện đều là những người đã có thời gian tham gia BHXH bắt buộc. Số người hưởng tăng đều hằng năm, năm 2016 số người hưởng mới chế độ hưu trí tăng đột biến do quy định cho phép người đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho số năm còn thiếu để hưởng ngay”.

Nói về các nguyên nhân chính dẫn đến số người tham gia BHXH thấp, ông Mai Đức Thắng, Phó Trưởng Ban Thu thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ ra công tác tuyên truyền chưa được sâu rộng. Thu nhập của người lao động ở nông thôn thấp, thường không ổn định, giai đoạn từ 2008 - 2015 mức đóng BHXH tự nguyện còn cao so với thu nhập của đa số người dân, chưa có sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước.

Người lao động ở Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng khi về già.

Mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện còn ít, trình độ đại lý thu còn hạn chế nên chưa thuận tiện cho người lao động tham gia.

Ngoài ra, các đại biểu cũng chỉ ra rằng chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện. Sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH chưa thường xuyên./.

Kim Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực