"Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần có tầm nhìn mới trong phát triển"

Thứ ba, 05/09/2017 16:12
(ĐCSVN) - Ngày 5/9, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Hà Ban, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các bộ, ban,ngành Trung ương và Hà Nội.  

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
- ảnh: HM

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chính phủ; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Bí thư.

Học viện đã có truyền thống vẻ vang 68 năm xây dựng và phát triển (1949-2017), có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước, nhất là trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị.

Thời gian qua, Học viện đã chú trọng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng điều chỉnh quy mô đào tạo, đa dạng hóa loại hình đào tạo, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và điều kiện thực tiễn. Bên cạnh hệ đào tạo cao cấp lý luận chính trị, Học viện tổ chức các lớp bồi dưỡng theo chức danh, các lớp cử nhân chính trị, sau đại học và hoàn chỉnh kiến thức cao cấp lý luận chính trị. Hằng năm, Học viện mở 70 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung và hơn 100 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung. Tính đến tháng 8/2017, số lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung mà Học viện đang quản lý là 136 lớp, với hơn 11.000 học viên.

Công tác nghiên cứu khoa học của Học viện trong thời gian qua được đẩy mạnh với nhiều dự án, đề án, chương trình, đề tài nghiên cứu mới. Học viện chủ trì thực hiện 43 nhiệm vụ khoa học cấp Nhà nước, 38 đề tài, đề án cấp bộ trọng điểm. Đây là những nhiệm vụ khoa học được thực hiện theo đơn đặt hàng của Nhà nước và yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Bên cạnh các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học lớn, trọng điểm, hàng năm Học viện còn triển khai hàng chục đề tài cấp bộ, hàng trăm đề tài cấp cơ sở.

Cùng với đó, Học viện đã chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học; tổ chức thành công nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, khẳng định vị thế của Học viện.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà Học viện đã đạt được trong thời gian qua. Với những cải cách, đổi mới thiết thực, chất lượng nâng lên một bước, Học viện đã có nhiều đóng góp vào việc xây dựng đường lối, chính sách, thể chế pháp luật và quản lý điều hành đất nước. Đồng chí khẳng định, với truyền thống 68 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã có nhiều thành tích trong xây dựng đội ngũ cán bộ chất lượng cho đất nước, đặc biệt với trên 2.200 cán bộ, công chức, viên chức người lao động, Học viện trực tiếp đào tạo đội ngũ cán bộ cho toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương…

Tuy nhiên, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Học viện vẫn chưa phát huy được hết vị thế tiềm năng của trường đảng Trung ương. Việc thực hiện chức năng định hướng về mặt chuyên môn cho hệ thống trường Đảng các địa phương còn một số vấn đề cần chú ý hơn; có nội dung, chương trình đào tạo chưa phù hợp với thực tiễn kinh tế-xã hội của đất nước và tình hình thế giới đang thay đổi nhanh chóng; công trình nghiên cứu lý luận gắn với tổng kết các công trình khoa học tầm cỡ quốc tế có vai trò rất lớn nhưng Học viện còn chưa thực sự phát huy.

Nêu các định hướng lớn đối với Học viện, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thời gian tới, Học viện cần có tầm nhìn mới trong phát triển, cần đặt mục tiêu vươn ra khu vực và thế giới với sứ mệnh quan trọng là góp phần hình thành nền tảng lý luận của Đảng, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới và đào tạo ra những nhà chính trị tương lai cho đất nước, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo trong thời kỳ toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0. Học viện cần đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy và đổi mới động lực giảng dạy của đội ngũ giảng viên và các đơn vị, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó cần xây dựng đối tác chiến lược với các trường lớn trên thế giới để trao đổi học thuật.

Cùng với đó, Học viện tiếp tục thực hiện việc thu hút nhân tài, giao thêm quyền tự chủ và hiện đại hóa cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Học viện cần thực hiện tốt phương châm gắn lý luận với thực tiễn. Học viện là trường chính trị, nhưng cũng đặt trong môi trường học thuật để có những nghiên cứu khoa học khách quan, những phản biện sáng tạo được đúc rút từ thực tiễn để đóng góp vào kho tàng hệ tư tưởng của Việt Nam.

Học viện và các phân viện cần tăng cường quản lý Nhà nước về đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.

Về cơ cấu tổ chức, Bộ Chính trị đã thông qua dự thảo nghị định về cơ cấu, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Học viện. Học viện và các cơ quan khẩn trương hoàn thiện để Thủ tướng ký sớm Nghị định này (thực hiện đúng tinh thần của Trung ương về tinh giản cán bộ, thu gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng cường kỷ luật kỷ cương).

Với vị trí vừa là cơ quan của Đảng, vừa là một trong 8 cơ quan thuộc Chính phủ, Học viện cần chủ động tăng cường cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các trường đại học hỗ trợ lẫn nhau để nghiên cứu, đào tạo sát thực tiễn, đồng thời hỗ trợ vận hành thông suốt, hiệu quả hệ thống 72 trường chính trị. Sắp tới, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có cơ chế để đặt hàng đối với Học viện về những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn cuộc sống, trong quản lý, chỉ đạo, điều hành; trong tư vấn, phản biện chính sách”. Thủ tướng cũng mong Học viện chủ động nghiên cứu, đánh giá, đề xuất những giải pháp, kế sách góp phần phát triển đất nước. “Một vấn đề đặt ra là nhà khoa học giỏi, giảng viên giỏi đồng thời phải là nhà tư vấn tốt”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, các địa phương chủ động phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Học viện cũng như các trường Đảng trong cả nước hoạt động hiệu quả hơn./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực