Minh bạch trong công tác cán bộ - biểu hiện của tập trung và dân chủ trong Đảng

Thứ bảy, 12/05/2018 23:58
(ĐCSVN) - Công khai, minh bạch là một trong những biểu hiện quan trọng của nguyên tắc tập trung trong Đảng. Trực tiếp hay gián tiếp, tính công khai., minh bạch trong mọi hoạt động, nhất là trong công tác cán bộ là một trong những nhân tố quan trọng tạo lên sức mạnh, sức chiến đấu của Đảng.

Tập trung và dân chủ có mối quan hệ hết sức biện chứng, quyền tập trung càng đề cao, uy tín của Đảng ngày càng được nâng lên mỗi khi chúng ta biết phát huy dân chủ rộng rãi trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, ngược lại càng phát huy dân chủ càng khai thác được trí tuệ, chất xám của mọi người, càng hạn chế được những sai lầm, khuyết điểm và căn bệnh chủ quan duy ý chí của những người có trách nhiệm ở mỗi cấp, mỗi ngành và của toàn Đảng. Nhưng với  thái độ khách quan, dám nhìn thẳng vào sự thật thì vấn đề dân chủ và nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng ở nơi này, nơi khác, trên từng lĩnh vực chưa được đề cao, thậm chí còn bị lợi dụng, có nơi khá nghiêm trọng, làm vô hiệu hóa sức mạnh của một tổ chức. Điều đáng lo ngại trong Đảng hiện nay ở một số nơi và trên từng lĩnh vực khác nhau là đã có những nhận thức, việc làm, những quy định làm ảnh hưởng đến quyền làm chủ và sức sáng tạo của mổi người. Khi dân chủ trong Đảng không được đề cao, là chổ dựa cho tệ quan liêu lấn lướt, tập trung quyền lực trong tay một số người “cánh hẩu” với nhau thì gây hậu quả không nhỏ trong công cuộc đổi mới.

Nhiều vấn đề nhân dân và báo chí phát hiện nhưng tổ chức cơ sở Đảng không biết hoặc có biết nhưng không dám đấu tranh. Vì thiếu dân chủ nên một số cấp ủy Đảng không thể hiện đầy đủ ý thức trách nhiệm của mình trước sự tín nhiệm của Đảng và sự ủy thác của nhân dân. Có những cán bộ tìm mọi cách để được cơ cấu cấp ủy, biến cấp ủy thành “nhịp cầu tiến thân”, nhưng khi vào được cấp ủy rồi, dù có kiến thức, biết một số chủ trương không có cơ sở khoa học, nhưng không dám nói, thiếu dũng khí đấu tranh, sợ liên luỵ đến cá nhân. Căn bệnh nguy hại nhất là không làm rõ trách nhiệm người đứng đầu mỗi tổ chức từ cơ sở đến Trung ương,khi có sai lầm, khuyết điểm chẳng tìm được địa chỉ cụ thể để cột trách nhiệm. 

Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 7 (khóa XII) về công tác cán bộ (Ảnh dangcongsan.vn)

Chúng ta chưa ban hành đầy đủ và đồng bộ những quy tắc, quy định và chế tài thật cụ thể, có cơ sở khoa học để tạo sự gắn kết giữa tổ chức và cá nhân trong mỗi tổ chức, không để cho bất cứ cá nhân nào đứng trên tổ chức, đứng ngoài tổ chức. Tôi nghĩ Ban Chấp hành Trung ương phải xây dựng  thiết chế đồng bộ để phát huy dân chủ. Mọi vấn đề kinh tế - xã hội cần được dân chủ luận bàn ở nhiều cấp độ khác nhau. Có những vấn đề phải lấy ý kiến tham gia của nhân dân, của cơ sở, phải thăm dò dư luận xã hội hoặc tổ chức điều tra xã hội học để khai thác trí tuệ và chất xám của mọi người, nhất là đội ngũ cán bộ khoa học và quản lý để quyết định các vấn đề phù hợp với quy luật.

Bác Hồ đã chỉ cho chúng ta bài học “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể lớn nghĩ mãi không ra”. Chúng ta không thể đi ngược lại quy luật khách quan của sự vật, chỉ có tìm phương pháp tác động cho sự vật vận động, phát triển cùng chiều nhanh hơn, hiệu quả hơn mà thôi. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời đã chỉ cho chúng ta thấy phương pháp khoa học là: “Thấy một cách sáng tỏ, vận dụng một cách thành thạo, có thái độ rộng rãi, khoan dung đối với người có chính kiến khác mình. Đó là điều bình thường trong xã hội. Chỉ có thảo luận, tranh luận, lật qua, lật lại, người thấy mặt này, người thấy mặt khác thì mới dần dần tiếp cận cái đúng, đồng thời cái đúng không phải là vĩnh hằng, bất biến”. Đây cũng chính là phương pháp luận tốt nhất để phát huy dân chủ và thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Phải chống các biểu hiện miệng hô dân chủ nhưng hành động thì trù dập, định kiến với người trung thực nói thẳng, sử dụng vũ khí dân chủ như một “thủ thuật” để hợp thức hóa những ý đồ cá nhân hoặc “ẩn bóng” dưới danh nghĩa dân chủ để kích động, bè cánh, nhất là trong công tác cán bộ.

Đối với công tác cán bộ càng phải thật sự dân chủ. Đảng nắm công tác cán bộ là đúng, vì khởi nguồn của mọi chủ trương, nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết suy cho cùng cũng từ cán bộ (thiết kế và tổ chức thi công). Phải có những chế tài, quy tắc, quy định rất cụ thể, khoa học mới đảm bảo công tác đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ được công tâm, khách quan, lựa chọn được người hiền tài cho đất nước, mới chặn đứng được biểu hiện “chạy chức, chạy quyền”, “mua quan, bán tước” diễn ra ở nhiều nơi. Điều đáng lo ngại là một số phần tử ngoài xã hội cũng sẵn sàng tung tiền, bỏ của để tạo dựng ngọn cờ có lợi cho làm ăn lâu dài của mình, thực chất là một sự liên kết lợi ích nhóm để rút ruột tài sản Nhà nước. Mỗi khi quyền lực biến thành thứ “Tư bản” thì người ta sẽ kinh doanh thứ tư bản đó để đem lại lợi nhuận cho bản thân họ, mỗi khi kinh doanh quyền lực có lãi lớn thì họ bất chấp mọi thủ đoạn giả tâm. Những con người như thế làm sao gọi là “công bộc”, là “đầy tớ” của dân được? Họ đọc thuộc lòng giáo lý đạo đức nhưng hành động của họ chỉ biết tham nhũng và hưởng lạc từ những đồng tiền bất chính; trái tim họ vô cảm trước nhịp thở của cuộc sống, trước nỗi đau của đồng loại. Những vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn ở nước ta đã được phanh phui, đưa ra xét xử thời gian gần đây là cái giá phải trả quá đắt và hết sức đau lòng về công tác cán bộ. Bản thân những con người đó thiếu tu dưỡng rèn luyện, nhưng chính cơ chế đã tạo lỗ hổng để những con người như thế tham nhũng, phá hoại đất nước.

Chúng ta đã kháng chiến thành công, đoạn tuyệt với cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, thì không lý do gì ta không sữa được những sơ hở, thiếu sót và sai lầm trong quy trình tuyển chọn và đề bạt cán bộ ở mỗi địa phương và toàn Đảng. Tôi nghĩ: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trước hết phải học cách dùng người của Bác. Vấn đề đặt ra là phải thiết lập một cơ chế đồng bộ và dân chủ trong công tác cán bộ, điều cốt lõi hiện nay là phải thay đổi, hoàn thiện cơ chế tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ, phải thông qua thi tuyển như cha ông ta đã từng làm; Đảng phải giới thiệu nhiều người trong một chức danh để cân nhắc, lựa chọn, tốt nhất là phải có chương trình hành động, có cam kết về trách nhiệm cá nhân, không hoàn thành  nhiệm vụ hoặc có sai lầm khuyết điểm phải có dũng khí xin từ chức; trúng cử ai trong đó đều xứng đáng. Không thể gọi cuộc đua khi chỉ “một người, một ngựa”. Có thời chúng ta giới thiệu 2 người để bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có sao đâu ? Cơ chế đúng nhất là làm sao để mỗi cán bộ hiểu được giá trị đích thực của mình thông qua sự phán xét công tâm, khách quan của quần chúng từ hiệu quả công việc. Phải có sự cạnh tranh lành mạnh để vươn tới. Tại sao một cách ứng xử lành mạnh như thế lại không tồn tại trong quy trình bầu cử, đề bạt cán bộ ?  Tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải làm cho đội ngũ cán bộ không quá nặng nề về tỷ lệ trúng cử cao hay thấp và nên bỏ ngay những cơ chế tạo “vỏ bọc” cho người cán bộ có chổ dựa dẫm, làm cho một số cán bộ công thần, ngạo mạn, tự hào là đã dành được “tín nhiệm tuyệt đối” nhờ vỏ bọc quy trình ấy, họ không tự vấn lương tâm mình, không khiêm tốn học hỏi đồng chí và nhân dân. Người trúng cử cao chắc gì đã tốt nếu sống dị hòa vi quý, thiếu động não suy nghĩ, thiếu dũng khí đấu tranh, chỉ lo “tô son, điểm phấn” để giữ ghế; ngược lại người có tỷ lệ trúng cử thấp chưa hẳn là người không có năng lực, vấn đề là phải có chuẩn mực để đánh giá từ phẩm chất, lòng nhiệt huyết, đức hy sinh và hiệu quả công việc của người đó. Trúng cử nhưng tỷ lệ thấp là bài học sâu sắc cho mỗi người, có khi còn giá trị gấp nhiều lần những cuộc tự phê bình, kiểm điểm mang tính chiếu lệ,

Cần có cơ chế để các cấp uỷ Đảng phải tiếp cận với dân, với cơ sở; đặc biệt là phải thực hiện nghiêm túc vai trò giám sát, phản biện của nhân dân thông qua MTTQ và các đoàn thể trong việc đánh giá và bổ nhiệm cán bộ, chấm dứt những hiện tượng “trên khen nhưng dân thì tha oán, bất bình”.

Tôi có niềm tin Hội nghị Trung ương lần này sẽ có quyết sách và giải pháp đúng đắn về chiến lược cán bộ, bãi bỏ các quy định, mọi việc làm phương hại đến bản chất dân chủ của Đảng ta, nhất là biểu hiện mất dân chủ trong công tác cán bộ, dẫn đến những hậu quả khó lường đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng./.

       

Trần Thanh Bình (Nguyên Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Hà Tĩnh)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực