Quảng Nam tiếp tục chú trọng thực hiện tốt công tác dân vận

Thứ hai, 31/12/2018 17:18
(ĐCSVN) – Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, tỉnh Quảng Nam đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Cán bộ làm công tác dân vận từ cơ sở đến tỉnh thường xuyên bám sát
địa bàn dân cư để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và tuyên truyền,
các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân

Đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận

Những ngày cuối năm, theo chân đoàn công tác của UBND xã Bình Giang (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đến các hộ gia đình bị thiệt hại do đợt mưa lũ giữa tháng 12 vừa qua, chúng tôi được ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đợt mưa lũ vừa qua đã gây nhiều thiệt hại về hoa màu chuẩn bị phục vụ Tết nguyên đán sắp tới của nông dân trong xã. Hơn 50 ha hoa màu của bà con vùng cát xã này bị ngập và hư hỏng hoàn toàn; nhiều diện tích ruộng vườn bị cát lấp phải cải tạo lại mới sản xuất lại được; trong khi đó nhiều tuyến đường giao thông, nhà cửa của người dân cũng bị xói lở, cuốn trôi.... ước thiệt hại ban đầu (thống kê chưa đầy đủ) lên đến hàng trăm triệu đồng...

Trước đó, trong những ngày mưa lũ, nhiều khu dân cư bị ngập sâu, các cấp chính quyền từ xã đến thôn phải huy động nhiều lực lượng tham gia ứng cứu, di chuyển người và tài sản của nhân dân đến nơi an toàn. Không những ngay trong thời điểm mưa lũ diễn ra, yêu cầu khẩn cấp, các lực lượng này mới tham gia mà từ sau mưa lũ, đến nay cũng gần nữa tháng, nhưng các lực lượng vẫn duy trì tham gia giúp nhân dân sửa chữa lại nhà cửa, cải tạo lại rộng vườn để tập trung cho vụ Đông xuân và diện tích hoa màu phục vụ Tết bị hư hỏng, thiệt hại.

Ông Phan Văn Hùng (thôn 4, xã Bình Giang) chia sẻ, nhà ông có hơn 3 sào hành lá phục vụ Tết đã bị nước lũ ngập, trôi hoàn toàn. Ngay sau lũ, ông được đại diện chính quyền xã, thôn đến động viên, hỗ trợ người đến cải tạo và trồng lại toàn bộ số diện tích hành lá bị hỏng. “Đến nay, hành đã lại lên xanh trên đất, mong rằng vụ Tết này sẽ được mùa và được giá, đủ để gia đình ăn Tết”- ông Hùng cho biết.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, các lực lượng làm công tác dân vận không chỉ
kịp thời ứng phó, giúp nhân dân khắc phục hậu quả mà còn tổ chức cứu trợ
cho những địa bàn bị ngập lụt chia cắt

Không chỉ hộ ông Hùng, xã Bình Giang có hơn 200 hộ có diện tích hoa màu bị hư hỏng do mưa lũ gây ra. Đến nay hầu hết các hộ đã được thống kể thiệt hại, được địa phương hỗ trợ lực lượng để cải tạo đất, trồng lại hoa màu, đảm bảo xuống giống để phục vụ vụ Tết. “Việc các lực lượng của xã, thôn có mặt kịp thời để hỗ trợ nông dân thu hoạch hoa màu bị hư do lũ cũng như cải tạo đất, trồng lại vụ Tết là một trong những việc làm kịp thời, tâm huyết, sẵn sàng đồng hành với người dân được cấp ủy, chính quyền xã Bình Giang chúng tôi cụ thể từ các quan điểm, giải pháp chỉ đạo của Đảng về công tác dân vận mà Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã nêu ra. Đây là một trong rất nhiều các hoạt động của các lực lượng làm công tác dân vận, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường đến với nhân dân, được nhân dân ghi nhận trong những năm qua ở xã chúng tôi. Kết quả này cho phép khẳng định: Công tác dân vận và việc đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận những năm qua ở địa phương đang tiếp tục đi sâu vào cuộc sống, phù hợp với mong đợi của người dân”- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Giang, ông Nguyễn Đình Tùng khẳng định thêm.

Nhiều chuyển biến tích cực

Với nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò đặc biệt quan quan trọng của công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong phát huy các nguồn lực xã hội và nhân dân tham gia phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn, những năm qua các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Nam đã dành nhiều quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xây dựng các phong trào dân vận phát triển đa dạng, rộng khắp. Đặc biệt, các cấp ủy đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để thực hiện công tác dân vận. Trong khi đó, công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước cũng được đổi mới và có nhiều chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Vai trò của Mặt trận và các đoàn thể được phát huy tích cực, tổ chức nhiều phong trào quần chúng thiết thực và đạt kết quả tốt như: Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chung tay xây dựng nông thôn mới, thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, vận động đồng bào tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo... đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Khẳng định công tác dân vận tại Quảng Nam những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực theo tinh thần Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, đồng chí Nguyễn Thị Thu Lan, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết: Đến nay tại Quảng Nam, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận được tăng cường cả về số lượng lẫn chất lượng. Riêng ở cấp cơ sở xã, phường, thị trấn, toàn tỉnh hiện có 244 khối dân vận. Mỗi khối dân vận này do đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư Đảng ủy làm Trưởng khối và 01 người làm công tác dân vận không chuyên trách phụ trách. Cạnh đó, hiện cả tỉnh cũng có đến 1.719 tổ dân vận thôn, khối phố. Với số lượng tổ chức khối dân vận có mặt đều khắp ở cơ sở như vậy, nên thời gian qua, cấp ủy các cấp đã kịp thời nắm bắt sâu sát tình hình ở cơ sở. Từ đó đã tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân.

"Không chỉ trong Đảng mà ở các cấp chính quyền và các đoàn thể, công tác dân vận đã từng bước hướng mạnh về cơ sở, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân. Nhờ vậy, trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không có tình trạng biểu tình, bạo loạn, điểm nóng, tình hình trong nhân dân, về vấn đề dân tộc, tôn giáo… cơ bản ổn định; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo và giữ vững; nhiều phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Dận vận khéo” được phát động, có sức lan tỏa rộng rãi, thông qua đó góp phần quan trọng vào mục tiêu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh khá ở khu vực miền Trung và cả nước”- Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết.

Công tác dân vận đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng
trong đời sống kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh ở Quảng Nam.

Chia sẻ về thêm những chuyển biến, kết quả từ công tác dân vận của Đảng bộ Quảng Nam thời gian qua, đồng chí Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam nhấn mạnh: “Để thực hiện có kết quả công tác dân vận như hiện nay, ngoài việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành nhiều văn bản, kịp thời và thường xuyên nhắc nhở, động viên các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân đồng thuận, tích cực thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, trước đó từ năm 2009 và 2010, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về công tác dân vận trong tình hình mới và Quyết định 1422-QĐ/TU về ban hành Quy chế công tác dân vận của cả hệ thống chính trị trên địa bàn toàn tỉnh; đồng thời cũng đã tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) gắn với Chương trình hành động số 25-Ctr/Tu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW và các văn bản có liên quan của Trung ương chỉ đạo về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Đây là những cơ sở quan trọng để Quảng Nam nhận thức, đánh giá đúng tính chất, tầm quan trọng và yêu cầu mới để đưa công tác dân vận ngày càng đi vào cuộc sống, thiết thực, phù hợp với mong muốn của người dân”.

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam, đến nay nhiều địa phương trong tỉnh đã tổ chức tọa đàm nâng cao chất lượng công tác dân vận của các cơ quan nhà nước như TP.Tam Kỳ, các huyện Quế Sơn, Phú Ninh…; UBND tỉnh và các ngành liên quan đã ký kết chương trình phối hợp với Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội tỉnh. Trong đó, riêng năm 2018, UBND tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy Quảng Nam đã ký kết chương trình phối hợp triển khai “Năm dân vận chính quyền”. Trên cơ sở đó tiếp tục tập trung công tác dân vận trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững; bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư; giải quyết các vấn đề bức xúc trong nhân dân.

Cùng với đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Dân vận và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai và các ban, ngành liên quan triển khai tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng cho các dự án trọng điểm vùng đông nam của tỉnh.

UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đặc biệt từ năm 2017 đã đưa vào sử dụng Trung tâm hành chính công và Xúc tiến đầu tư, trở thành đầu mối hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, trả kết quả cho người dân, doanh nghiệp theo hướng một cửa. Đã chỉ đạo và đưa vào sử dụng trung tâm hành chính công tại TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, thị xã Điện Bàn. Các sở, ngành của tỉnh, UBND các cấp rà soát, loại bỏ những quy định, những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo chuyển biến mới trong quan hệ giữa các cơ quan hành chính với nhân dân, doanh nghiệp theo hướng phục vụ ngày càng tốt hơn.

Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 18 sở, ngành thuộc UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo quy chế dân chủ ở cơ sở; các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều “Diễn đàn nhân dân” để góp ý xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng lực lượng công an, đội ngũ cán vộ y tế, kiểm lâm, địa chính, tư pháp; đánh giá sự hài lòng của nhân dân trong việc công nhận xã nông thôn mới…; đã kêu gọi, huy động sự ủng hộ hàng trăm tỷ đồng trong nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ nông thôn mới và phát triển sản xuất, kinh tế- xã hội ở các địa bàn nông thôn và miền núi; các tổ chức tôn giáo, dân tộc được quan tâm, tạo điều kiện hoạt động; đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận cũng như các chế độ trợ cấp được tăng cường; hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát với sự phối hợp của Mặt trận, các đoàn thể được triển khai, góp phần làm sáng tỏ nhiều vụ việc mà nhân dân thắc mắc….

Các buổi sinh hoạt, đối thoại với nhân dân nhằm kịp thời giải quyết
các bức xúc của nhân dân được hệ thống dân vận các cấp ở Quảng Nam
quan tâm, tiến hành thường xuyên, hiệu quả

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới công tác dân vận tại Quảng Nam được các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương tiếp tục chú trọng thực hiện. Trong đó tập trung khắc phục một số tồn tại, hạn chế như một số nơi công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 25 vẫn chưa sâu sát; việc triển khai thực hiện công tác dân vận nhà nước chưa được quan tâm đúng mức; cán bộ lãnh đạo phụ trách công tác dân vận chưa phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ của mình; một số nơi bố trí cán bộ dân vận chưa đủ biên chế; hoạt động khối dân vận một số cơ sở chưa thực sự hiệu quả; nội dung, phương thức hoạt động của một số đoàn thể chính trị- xã hội chưa thực sự đổi mới; phong trào thi đua “Dận vận khéo” và các phong trào thi đua khác do Mặt trận Tổ quốc phát động tuy được triển khai nhưng chưa sâu rộng, sức lan tỏa chưa cao, chưa chú trọng tổng kết, nhân rộng….

Đồng thời với các nhiệm vụ trên, hệ thống dân vận tại Quảng Nam cũng tập trung thực hiện tốt 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận; đẩy mạnh công tác dân vận các cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang; nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào “Dận vận khéo”; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận./..

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực