Thành phố Hồ Chí Minh: Xây dựng thành phố thông minh để phục vụ người dân tốt hơn

Chủ nhật, 24/07/2016 21:10

(ĐCSVN) – Chiều 24/7, tại Hà Nội, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam làm việc với tập thể lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về phát triển hệ thống đô thị thông minh. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì buổi làm việc.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. (Anh:TH) 

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố đã triển khai các nội dung liên quan đến đô thị thông minh hầu hết các lĩnh vực, trọng tâm là chính quyền điện tử; kinh tế; giao thông; y tế; quản lý đô thị; ngập nước; dân cư và hộ tịch; an ninh trật tự; giáo dục…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp phải những khó khăn trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin hướng đến phát triển đô thị thông minh. Thành phố Hồ Chí Minh xác định, chính quyền điện tử là giải pháp giúp thành phố hoạt động hiệu quả hơn để kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, hệ thống thể chế còn chưa hoàn thiện, thay đổi thường xuyên; thủ tục hành chính còn rườm rà; tổ chức thực hiện pháp luật chưa thống nhất dẫn đến xây dựng và hoạt động của chính quyền điện tử chưa hiệu quả. Các cơ sở dữ liệu liên quan đến người dân, doanh nghiệp chưa được triển khai thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến thành phố dẫn đến khó khăn trong liên thông các thủ tục hành chính, nhất là dịch vụ công trực tuyến.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực chuyên ngành chưa có kiến trúc tổng thể theo định hướng chung của đô thị thông minh dẫn đến các ngành triển khai công tác ứng dụng công nghệ thông tin chủ yếu để giải quyết những nhu cầu phát sinh để phục vụ công tác quản lý của ngành. Việc xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành thiếu thống nhất và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương - các Bộ, ngành được phân công thực hiện chưa phối hợp chặt chẽ, trong khi đó áp lực phải phục vụ người dân, doanh nghiệp ở địa phương là hàng ngày. Cũng từ hạn chế trên dẫn đến việc liên thông quy trình, cơ sở dữ liệu trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin của các ngành trong thành phố chưa thực hiện tốt…

Để xây dựng đô thị thông minh trong giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo, Thành phố Hồ Chí Minh xác định 3 nhiệm vụ chính: Đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử và nội dung Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ phục vụ hiệu quả chương trình cải cách hành chính; xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Đề án, lộ trình xây dựng thành phố thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 12 tháng 10 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X; xác định và kêu gọi mọi thành phần (doanh nghiệp, tổ chức khoa học) tham gia triển khai ngay các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực quan trọng gắn với 7 Chương trình đột phá  của thành phố.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung trao đổi về sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua; việc thực hiện các nội dung liên quan đến xây dựng thành phố thông minh trên địa bàn; thảo luận về các giải pháp để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, mạnh hơn với mô hình thành phố thông minh. Các đại biểu nhấn mạnh đến việc xây dựng đô thị thông minh là con đường tất yếu, là tiền đề để Thành phố Hồ Chí Minh trở lại vị trí “hòn ngọc Viễn Đông”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nêu rõ: Sau 30 năm đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tầu kinh tế của khu vực và cả nước. Tuy nhiên, Thành phố cũng đang đứng trước nhiều thách thức lớn. Những vấn đề như năng lực cạnh tranh, ngập lụt, ô nhiễm môi trường, tội phạm, phát triển bền vững… là những vấn đề cần giải quyết.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ X, Thành phố Hồ Chí Minh đang hết sức quyết liệt xây dựng thành phố thành trung tâm tài chính, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ lớn của khu vực.

Để làm được điều đó, Thành phố đang triển khai 7 giải pháp, trong đó giải pháp phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh là giải pháp quan trọng. Thành phố đặt mục tiêu sau 2 năm xây dựng thành phố thông minh sẽ giúp cho thành phố phát triển nhanh, mạnh, bền vững.

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh:TH)

Theo Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, nhu cầu xây dựng thành phố thông mình là nhu cầu cấp bách. Thời gian tới, Thành phố sẽ thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Điều hành Đề án và Hội đồng cố vấn  xác định quyết tâm chính trị và trách nhiệm của toàn hệ thống Đảng bộ, chính quyền và người dân. Trước hết, Thành phố sẽ xây dựng Đề án tổng thể, đánh giá thực trạng, xây dựng lộ trình thực hiện. Thành phố thông minh hướng đến việc phục vụ người dân tốt hơn. 

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết: MTTQ Việt Nam với trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội hết sức quan tâm đến xu thế phát triển, đặc biệt là công tác quản lý trong 5 năm tới. Năm 2015, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức hội thảo với chủ đề ''Đô thị thông minh - Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế, triển vọng tại Việt Nam''. Cùng với sự phát triển của công nghệ, đô thị thông minh đang là xu hướng của các thành phố lớn trên thế giới. Trước những thách thức mới, đô thị thông minh hứa hẹn sẽ là một bước đột phá cho Việt Nam. Mặt trận đã đi khảo sát một số địa phương có xây dựng mô hình đô thị thông minh. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí rất quan trọng trong phát triển đô thị thông minh, tạo thúc đẩy chung cho cả nước. MTTQ rất mong làm rõ thực tiễn ở Thành phố Hồ Chí Minh về mô hình này, trong đó đô thị thông minh đòi hỏi vai trò truyền thông của chính quyền…

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, mục tiêu của thành phố thông minh là: kinh tế năng động, hiệu quả hơn; môi trường sống ngày một tốt hơn, tình trạng ô nhiễm giảm; người dân được phục vụ tốt hơn; người dân tham gia quản lý, giám sát hoạt động của chính quyền. Thành phố Hồ Chí Minh cân nhắc thực hiện 4 mục tiêu này. 

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân gợi mở lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cần sớm xây dựng Đề án, đặt mục tiêu ngắn hạn 2 - 3 năm, mục tiêu dài hạn 10 năm (đến 2025). Việc xây dựng Đề án cần tập trung thực hiện trong khoảng thời gian từ 3 - 5 tháng với ba nhóm nội dung: xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và quy hoạch thông minh của Thành phố; Quản lý ngành và các dich vụ thông minh: dịch vụ giao thông, y tế, giáo dục...; Tăng cường sự tham gia, sáng kiến của người dân - người dân phải là đồng tác giả đồng thời có sự giám sát thực hiện, đánh giá sự hài lòng của người dân. UBND Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chỉ đạo thực hiện Đề án. Xây dựng thành phố thông minh phải có một hệ thống chính quyền hỗ trợ thông tin, xử lý truyền thông trong công tác quản lý…./. 

 

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực