Tiến tới dừng sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam vào năm 2020

Thứ sáu, 21/07/2017 19:09
(ĐCSVN) – Ngày 21/7 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Tổ chức nhân dân vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại của Australia (APHEDA) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ thông tin nhằm tiến tới dừng sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam vào năm 2020”.

Amiăng đang được sử dụng trong khoảng 3.000 loại sản phẩm ứng dụng khác nhau trong công nghiệp cũng như trong sinh hoạt ở các nước trên thế giới. Với đặc tính bền, cách nhiệt, cách âm, chống ma sát, amiăng trắng được sử dụng trong sản xuất tấm lợp, ống dẫn nhiệt, cách nhiệt, cách âm…

Quang cảnh Hội thảo - Ảnh: Minh Châu

Ở Việt Nam, amiăng trắng được sử dụng trong các ngành công nghiệp chủ yếu là sản xuất tấm lợp fibro – xi măng với sản lượng trung bình khoảng 106 triệu m2/năm. Cả nước có trên 40 cơ sở sản xuất tấm lợp fibro – xi măng với hơn 5.000 lao động, hằng năm nhập khẩu khoảng 65 đến 70 nghìn tấn amiăng trắng.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, nhiều công trình nghiên cứu khoa học của các nước và các tổ chức đã tiến hành những nghiên cứu về ảnh hưởng của amiăng đối với sức khỏe con người, đặc biệt các nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng của amiăng là nguy cơ gây các bệnh như bụi phổi amiăng, ung thư phổi, ung thư trung biểu mô… Nhiều nước có quy định hết sức nghiêm ngặt khi tháo dỡ vật liệu, công trình có chứa amiăng với mục đích tránh cho công nhân hít phải bụi amiăng có trong không khí. Các nghiên cứu về amiăng có chung nhận định tất cả các loại amiăng là chất gây ung thư cho con người và không có ngưỡng an toàn trong việc sử dụng amiăng, cách thức hiệu quả nhất để loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng là ngừng sử dụng tất cả các loại amiăng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 125 triệu người trên thế giới đang bị phơi nhiễm amiăng tại nơi làm việc và mỗi năm thế giới có 107 nghìn người chết do các bệnh ung thư phổi, bụi phổi, biểu mô ác tính có liên quan đến amiăng.

Theo PGS Yv Bonnier Viger, khoa Y, Đại học Laval (Canada), kinh nghiệm từ Hoa Kỳ - một trong số ít nước công nghiệp không cấm hoàn toàn amiăng cho thấy, Hoa Kỳ không cấm nhưng hạn chế về pháp luật như đạo luật kiểm soát chất độc năm 1976.

Ông Phillip Hazelton, điều phối viên chiến dịch loại bỏ các bệnh liên quan đến amiăng của APHEDA, đến tháng 6/2017 đã có 65 quốc gia có lệnh cấm toàn bộ hoặc một phần amiăng, 25 quốc gia đang tiêu thu nhiều hơn 1.000 tấn/năm. Dựa trên con số tiêu thụ 60 nghìn tấn amiăng/năm hiện nay của Việt Nam có thể ước tính trong 25 năm tới sẽ có 300 ca ung thư trung biểu mô/năm, 1.200-1.800 ca ung thư phổi do tiếp xúc với amiăng trắng. Giả sử cắt giảm tiêu thụ 50% nhưng không cấm vẫn còn 7.500-10.500 ca ung thư phổi/trung biểu mô; chi phí gia đình để chăm sóc và điều trị cho chỉ 1 bệnh nhân ung thư trung biểu mô ở Hà Nội hiện là 200 triệu đồng. Nếu Việt Nam cấm vào năm 2020 và tuyên truyền cho người dân về việc dỡ bỏ và loại bỏ an toàn các vật liệu chứa amiăng thì nhiều ca tử vong sẽ tránh được và tiết kiệm được chi phí liên quan.

Chia sẻ về mô hình cộng đồng nói không với amiăng tại Nghệ An, ông Nguyễn Chí Công, Trưởng ban Chính sách pháp luật, LĐLĐ tỉnh Nghệ An cho hay, sau khi khảo sát, LĐLĐ tỉnh đã chọn được 10 hộ dân có nhà giáp nhau để tiến hành thay thế tấm lợp fibro – xi măng. Theo yêu cầu của cán bộ dự án APHEDA, việc tháo dỡ phải đảm bảo quy trình như phải có bạt phủ đề phòng bụi amiăng phát tán, công nhân phải mặc đồ bảo hộ lao động đặc thù, có kính, khẩu trang chống độc, sau khi tháo dỡ thì công nhân được tắm rửa, vệ sinh trong phòng kín… Trong khi đó, lao động được thuê để tháo dỡ không muốn thực hiện theo quy trình này bởi họ không quen dùng các phương tiện bảo vệ, vừa vướng víu lại làm chậm nhịp công việc. Sau khi thuyết phục, việc tháo dỡ được tiến hành đã khiến người dân kéo đến rất đông và truyền tai nhau về ảnh hưởng của amiăng.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Mai Đức Chính cho hay, các ý kiến tại Hội thảo sẽ giúp Đoàn Chủ tịch Tổng LĐ tham gia với các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng chính sách loại trừ các bệnh liên quan đến amiăng và lộ trình dừng sử dụng amiăng trắng tại Việt Nam trên cơ sở khoa học, thực tiễn phù hợp./.

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực