Phấn đấu Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Thứ ba, 30/06/2020 15:15
(ĐCSVN) – Năm 2020 là năm có ý nghĩa đặc biệt đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái: Kỷ niệm 120 năm ngày thành lập tỉnh (11/4/1900 – 11/4/2020) và 75 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh (30/6/1945 – 30/6/2020). Đồng thời, đây cũng là thời điểm đánh dấu những bước phát triển mạnh mẽ của Yên Bái trên hành trình trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc...
Một góc thành phố Yên Bái hôm nay... Ảnh: Thái Hà 

 

Vốn là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã luôn đoàn kết, phát huy mọi nguồn lực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt từ khi thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVIII Đảng bộ tỉnh, với bản lĩnh chính trị, ý chí tự cường, năng động, sáng tạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, tạo được dấu ấn nổi bật. Tăng trưởng kinh tế đã có sự chuyển biến tích cực, GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 40,3 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015.

Kinh tế có bước chuyển biến tích cực với nhiều dấu ấn nổi bật. Kết thúc năm 2019, trước bối cảnh diễn biến phức tạp của tình hình trong nước, quốc tế và khu vực, kinh tế của tỉnh vẫn duy trì đà tăng trưởng, đạt 7,03%; thu ngân sách Nhà nước đạt 3.545 tỷ đồng, tăng cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38 triệu đồng; tỷ lệ giảm nghèo đạt 6,12%; cơ cấu lại kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại nông - lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thu được kết quả nổi bật với 23 xã (lũy kế có 69 xã, vượt 2,7 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVIII) và 02 địa phương đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới (huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái, trong đó huyện Trấn Yên chính thức được Thủ tướng Chính phủ công nhận đầu tháng 01/2020). Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, số doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác thành lập mới tăng cao; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 35% so với năm 2018, cao nhất từ đầu nhiệm kỳ. Quan hệ hợp tác, đối ngoại của tỉnh tiếp tục được mở rộng, duy trì tốt mối quan hệ truyền thống với địa phương của các nước và tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, hợp tác, quan hệ với các nước phát triển. Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông tiếp tục được đầu tư đồng bộ, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều đổi thay, khởi sắc.

Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm chăm lo, kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quy mô, mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được sắp xếp hợp lý, giảm 128 trường, giảm 380 điểm trường, giảm 182 lớp, tăng 9.428 học sinh bán trú. Đến nay, toàn tỉnh có 225 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 50,8% số trường của tỉnh. Chất lượng giáo dục - đào tạo tiếp tục được nâng lên, lần đầu tiên tỉnh Yên Bái có 01 học sinh giành huy chương bạc Olympic Hóa học quốc tế. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục có nhiều tiến bộ, đạt kết quả tích cực. Toàn tỉnh hiện có 126 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 70%, vượt 4,0% so với kế hoạch.

 Công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ tỉnh Yên Bái quan tâm, thực hiện tốt. Ảnh: Phạm Minh

Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng được coi trọng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng bộ tỉnh đã không ngừng đổi mới, vươn lên đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng. Từ Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên chỉ với vài đảng viên cách đây 75 năm, đến nay, hệ thống chính trị của tỉnh Yên Bái được xây dựng đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở. Hết tháng 2/2020, Đảng bộ tỉnh có 12 Đảng bộ trực thuộc, 500 tổ chức cơ sở đảng (309 đảng bộ; 191 chi bộ), 2.623 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở với 57.509 đảng viên. Chất lượng các chi, đảng bộ và đảng viên không ngừng được nâng lên. Công tác tư tưởng được các cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo thực hiện. Theo đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái, những năm qua, cấp ủy các cấp đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo sức lan tỏa, chuyển biến quan trọng trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được sắp xếp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, nhất là những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Công tác nội chính, tư pháp, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định...

Với phương châm “phát huy nội lực, nêu cao đoàn kết”, Yên Bái cũng là một tỉnh miền núi đạt được nhiều kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 78 xã đạt chuẩn NTM, chiếm trên 50% số xã của tỉnh, gấp hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Trong đó có 3 xã NTM kiểu mẫu, 11 xã NTM nâng cao; thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi khu vực Tây Bắc đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM. Chuyển mình mạnh mẽ sang nền kinh tế thị trường đa dạng và năng động, Yên Bái đã có các vùng chuyên canh nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu như vùng quế 78.000ha; vùng cây ăn quả gần 10.000 ha; vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng trên 220.000 ha; vùng măng bát độ 6.600 ha; vùng Sơn Tra trên 10.000 ha, vùng dâu tằm gần 1000 ha; vùng lúa đặc sản trên 3.000 ha… Sản xuất nông nghiệp đã tạo đông lực để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hướng đến nền kinh tế toàn diện, đồng bộ, đến nay, Yên Bái đã có một nền công nghiệp phát triển khá, là một trong số các tỉnh dẫn đầu khu vực về giá trị sản xuất công nghiệp. Tỉnh đặc biệt quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã và đang đầu tư vào Yên Bái như: Tập đoàn Vigroup, Sun Group, Tập đoàn Euro Window, Tập đoàn APEC, Tập đoàn dược phẩm Nippon Joki, Tập đoàn Bảo Lai, các doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp may Hàn Quốc. Các sản phẩm công nghiệp của Yên Bái đã có mặt tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sau nhiều thập niên phấn đấu, Yên Bái đã có một hệ thống giao thông phát triển đồng bộ kết nối liên vùng và trong tỉnh.

Với những thành tích đạt được, tỉnh Yên Bái đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái (2003) và 31 tập thể và 06 cá nhân; Danh hiệu Anh hùng lao động cho 07 tập thể và 07 cá nhân, trong đó, 05 tập thể và 03 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; Huân chương Độc lập hạng Nhất (2019); cùng hàng trăm huân, huy chương, bằng khen cho các tập thể, cá nhân khác có thành tích, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Thời gian tới, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục quyết tâm phấn đấu, đoàn kết, ra sức thi đua, học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng Yên Bái ngày càng giàu đẹp, văn minh; phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc./.

Phạm Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực