Giữ gìn văn hóa giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa

Thứ hai, 11/01/2010 09:42

Thông thường, cứ nhắc đến bức xúc về an toàn giao thông (ATGT) là người ta thường nghĩ ngay đến những vụ ùn tắc giao thông kéo dài hàng giờ, những vụ tai nạn xe khách, xe máy chứ ít chú trọng nhiều đến giao thông đường thủy.
Công tác đảm bảo ATGT đường thủy chỉ “nóng” lên khi ở đâu đó trên những miền quê sông nước yên bình bỗng xảy ra vụ đắm đò thảm khốc làm nhiều người chết, gieo tang tóc cho những dòng sông. Cũng bởi vậy, mối quan tâm của xã hội dành cho giao thông đường thủy chưa cao. Năm 2009, công tác bảo đảm giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa tiếp tục được duy trì và tăng cường một bước. Tuy nhiên, nạn khai thác cát sỏi bừa bãi, đánh bắt thủy sản sai quy định, hoạt động vô thưởng vô phạt của các bến đò ngang, hoạt động của tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước và mỗi người dân cần quan tâm nhiều hơn nữa đến tuyến giao thông quan trọng này.


Tổng kết mới nhất về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông của Bộ Công an nhận định: Năm 2009, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến đường thủy cả nước đã gây sạt lở đất, đê, kè, nhà ở, cầu, công trình phúc lợi xã hội, trụ sở cơ quan doanh nghiệp, hư hại hoa màu và giao thông đường bộ. Có nơi còn đe dọa nghiêm trọng đến ATGT đường sắt. Tình trạng vi phạm luồng, lạch, hành lang bảo vệ luồng chạy tàu, thuyền, họp chợ, khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đúng nơi quy định làm cản trở hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, sử dụng chất nổ, xung điện để đánh bắt thủy sản trên các tuyến giao thông đường thủy diễn biến rất phức tạp ở hầu hết các địa phương, nhất là các tỉnh Nam bộ. Cục Cảnh sát giao thông đường thủy, Bộ Công an thống kê được hiện còn 67,4% phương tiện thủy không đăng ký, 45,4% phương tiện không đăng kiểm, 74,5% người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; riêng phương tiện chở khách ngang sông không đăng ký, đăng kiểm còn khoảng 30% và người lái không có bằng, chứng chỉ chuyên môn còn khoảng 50%.

Thực trạng không chấp hành pháp luật về ATGT đường thủy như trên đã và đang gióng lên hồi chuông báo động về ý thức văn hóa của người tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy. Cũng như đường bộ, văn hóa giao thông, trước hết chính là sự tôn trọng pháp luật. Chấp hành tốt pháp luật là biểu hiện của lối ứng xử có văn hóa giao thông. Cư xử có văn hóa trong giao thông đường thủy chỉ đơn giản như việc không tranh giành khách, chen lấn xô đẩy khi đi đò, không vượt ẩu, trang bị áo phao khi đưa khách qua sông, là đảm bảo chất lượng cầu phao và các phương tiện chuyên chở thô sơ, đặc biệt là sẵn sàng cứu giúp người khác khi gặp nạn.v.v...

Tuy nhiên, qua công tác tuần tra, kiểm soát, Cục Cảnh sát giao thông đường thủy vẫn liên tục phát hiện những hành vi cố tình vi phạm quy định về trật tự ATGT đường thủy , gây nên những diễn biến phức tạp của tình hình như: Nhiều chủ đò, tàu, thuyền cố tình chở quá vạch mớm nước an toàn, chở quá số người quy định tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao, nhất là đối với phương tiện chở khách sang sông, phương tiện nhỏ chở người. Chắc chắn, nhiều người dân đã từng nhắm mắt, chấp nhận bước chân lên chuyến đò mùa lũ trên dòng sông, không áo phao, không lực lượng cứu hộ. Chỉ sơ suất lạc dòng một chút thôi, sinh mạng của hàng chục con người sẽ băng theo dòng lũ. Năm 2009, đã xảy ra 11 vụ TNGT đường thủy đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến phương tiện chở khách sang sông, làm chết 81 người, chiếm 6,2% tổng số vụ và 52% tổng số người chết do TNGT đường thủy gây ra.
Tết đến, xuân về cũng là dịp người dân nô nức chơi xuân, trảy hội, đây cũng là thời điểm hay xảy ra TNGT đường thủy nghiêm trọng nhất trong năm, đã đến lúc chính quyền địa phương và mỗi người dân cần quan tâm nhiều hơn đến ATGT đường thủy. Đó cũng chính là việc xây dựng văn hóa giao thông với những nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam. Nhiều việc làm, hành động của các địa phương có hệ thống đường thủy nội địa như: Vận động nhân dân trồng cây xanh nơi các bến sông; sửa sang, làm vệ sinh đường lên xuống các bến, tu sửa cầu phao, bến đò đảm bảo an toàn – xanh - sạch đẹp; mô hình “Cầu phao, bến đò an toàn thanh niên tự quản” gắn với các đội hình thanh niên xung kích tham gia phòng chống thiên tai, lụt bão, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng trực và cứu hộ cứu nạn khi có tai nạn xảy ra, nhất là trong mùa mưa lũ; tham gia quản lý các cầu phao, bến đò, ngăn chặn các hành vi vi phạm, sẵn sàng giúp đỡ nhân dân… rất đáng được phát huy và nhân rộng trên địa bàn cả nước./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực