Trước những diễn biến của tình hình dịch COVID-19, trưa ngày 31/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, thực hiện “cách ly toàn xã hội” trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020. Sau khi có Chỉ thị 16/CT-TTg, các tỉnh, thành phố đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp kiểm soát người dân đi lại trên các tuyến đường. Tuy nhiên, tại một số địa phương như TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình... đã có một số hiện tượng thực hiện không đúng nội dung Chỉ thị 16/CT-TTg với việc nhiều tuyến đường đã bị đổ đất, dùng lưới thép B40 rào đường nhằm hạn chế phương tiện đi lại hoặc dừng tất cả các phương tiện cơ giới chở người ra vào địa bàn, trừ các trường hợp đặc biệt. Các việc làm này không chỉ gây khó khăn cho việc lưu thông của các phương tiện giao thông mà còn có biểu hiện của việc “ngăn sông cấm chợ”.
Điển hình như việc duy trì các chốt kiểm soát liên ngành tại các cửa ngõ ra vào tỉnh Quảng Ninh, thì tại một số tuyến đường liên huyện, các đường mòn còn được đổ đất để bịt đường, khiến cho việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như, tại một số tuyến đường nối xã Bằng Cả (thành phố Hạ Long) với phường Vàng Danh (thành phố Uông Bí), nối xã Kỳ Thượng (thành phố Hạ Long) với xã Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) đã được đổ đất với khối lượng khá lớn.
|
Tuyến đường liên huyện nối phường Vàng Danh (TP Uông Bí) với xã Bằng Cả (TP Hạ Long) bị đổ đất khiến người dân không thể đi qua. Ảnh: NH |
Tương tự, tại một số xã thuộc thành phố Móng Cái, nhiều tuyến đường thứ yếu, các đường mòn, lối mở vào các thôn cũng được đổ đất chặn không cho các phương tiện qua lại, buộc phải đi vào các tuyến đường chính để các thôn kiểm soát. Xung quanh cách làm này, có khá nhiều ý kiến khác nhau từ phía người dân. Anh Nguyễn Văn Hoàng, một người dân ở xã Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ) cho biết: “Đặc điểm địa bàn miền núi là có nhiều đường tắt, lối nhỏ dẫn vào trung tâm xã; mật độ phương tiện cơ giới đi lại ở khu vực này không nhiều. Do đó, việc rào, lấp một số đường mòn, lối tắt sẽ buộc các phương tiện và người dân tập trung đi trên đường chính; từ đó giúp cơ quan chức năng giám sát tốt việc ra, vào khu dân cư và kiếm soát dịch có hiệu quả hơn”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng, việc đổ đất hay sử dụng các khối bê tông để rào đường, cấm xe là biện pháp cứng rắn quá mức cần thiết; nhất là ở các địa bàn đô thị, thành phố. Bởi theo nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg, các hoạt động sản xuất kinh doanh, đi lại của người dân để giải quyết việc cấp thiết sẽ vẫn được diễn ra bình thường. Việc lập rào chắn bằng đất và bê tông kiên cố có thể sẽ hạn chế người ra vào địa phương song lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn trong các tình huống khẩn cấp như đưa người dân đi cấp cứu hoặc khi huy động các phương tiện phòng cháy chữa cháy...
|
Tuyến đường dẫn từ tỉnh lộ 326 vào phường Hoành Bồ (TP Hạ Long) bị chặn bằng bêtông mà không có biển cảnh báo. Ảnh: Trọng Đức
|
Trao đổi với báo chí, đồng chí Vũ Văn Diện, Bí thư Thành ủy TP, Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) cho biết: "Việc lập rào chắn bằng đất, bê tông được người dân tự lập ra sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Điện khẩn của UBND tỉnh. Trên tinh thần gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã phường cách ly với xã phường nên người dân đã có ý thức rất cao về công tác phòng, chống dịch. Họ đã tự giác để bảo vệ bản thân và xã hội hơn, điều này là đáng khích lệ. Tuy nhiên, sau khi rà soát tại các điểm dựng rào chắn đất, bê tông này của người dân, xét thấy những vị trí không hợp lý, chính quyền địa phương đã giải phóng, di dời và bố trí người chốt chặn".
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại nhiều địa phương khác cũng đã có những hiện tượng tương tự. Ví dụ tại xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) cũng có hiện tượng dùng lưới thép B40 rào chắn đường vào làng Cổ Tiết, gây cản trở các phương tiện đi lại. Hoặc tại một số tuyến đường cửa ngõ dẫn vào TP Hải Phòng, nhiều phương tiện cơ giới chở người ra vào địa bàn đã bị buộc dừng lại, trừ các trường hợp đặc biệt và thực tế nhiều phương tiện đã buộc phải quay đầu khi đến địa phận TP Hải Phòng.
|
Sử dụng lưới thép B40 để rào chắn đường tại xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình). Ảnh: PA |
Mới đây, khi nói về tình trạng các địa phương lập các chốt chặn trên đường, xảy ra tình trạng “ngăn sông cấm chợ” khiến người dân không thể đi từ địa phương này sang địa phương khác, Bộ trưởng Giao thông vận tải, Nguyễn Văn Thể đã khẳng định: “Không có chuyện “ngăn sông cấm chợ”, việc cấm triệt để việc đi lại của người dân là không đúng trong khi Nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp. Trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng cũng không nêu vấn đề “cấm”. Chính phủ chưa ban hành lệnh phong toả thì phương tiện cá nhân và hàng hoá vẫn phải được lưu thông bình thường”.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, cách ly xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, không phải “ngăn sông cấm chợ”, chưa phải phong toả xã hội. “Điều quan trọng là đảm bảo an toàn cho người lao động”, Thủ tướng khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống COVID-19 nêu rõ: “Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định”. Do đó, có thể hiểu cách ly toàn xã hội là một tình huống pháp lý không trái pháp luật để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Cách ly xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong toả xã hội mà chỉ hạn chế giao thông. Chúng ta vẫn phải duy trì hàng hoá lưu thông, sản xuất an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, đặc biệt xuất khẩu bằng đường biển, đường bộ vẫn bình thường
Như vậy có thể thấy, “cách ly toàn xã hội” không đồng nghĩa với rào đường, cấm xe, phong tỏa địa phương. Việc một số địa phương để xảy ra tình trạng lập rào chắn bằng đất, bê tông kiên cố, lưới B40 nhằm hạn chế người dân đi lại là biểu hiện của cách hiểu chưa đầy đủ về những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Do đó, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ ý nghĩa, nội dung việc “cách ly toàn xã hội”; tránh việc hiểu nhầm, hiểu không đầy đủ dẫn đến những việc làm không đúng, vừa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, vừa tác động tiêu cực đến công tác phòng, chống bệnh của các địa phương./.