Xâm phạm quyền hình ảnh cá nhân có thể xử lý hình sự

Thứ sáu, 29/12/2017 22:13
(ĐCSVN) - Mới đây, hình ảnh cá nhân của một viên chức thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Nam bất ngờ bị nhiều trang mạng sử dụng làm ảnh minh họa cho người chồng trong vụ giết người tại tỉnh Bình Dương đã khiến nạn nhân hết sức bức xúc. Vậy dưới góc độ pháp lý, quy định quyền cá nhân về hình ảnh như thế nào?
Việc xâm phạm về quyền của hình ảnh cá nhân có thể chuyển từ vi phạm pháp luật dân sự
sang vi phạm pháp luật hình sự. Ảnh minh họa: thanhnien.vn

Trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, Luật sư Lê Lưu Phú, Văn phòng Luật sư Long Tâm phân tích: Hành vi đưa hình ảnh cá nhân rồi chú thích sai sự thật theo chiều hướng xuyên tạc, bịa đặt của các trang mạng, báo điện tử không chỉ gây ảnh hưởng cho cá nhân này mà còn gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội. Bởi ở trường hợp này, sự việc không chỉ dừng lại ở người đăng tải thông tin mà còn được cộng đồng  mạng xã hội sử dụng để chia sẻ, phát tán, dẫn đến những hiệu ứng xấu không thể lường trước đến cơ quan, tổ chức và công việc của mỗi cá nhân.

Ở nước ta, Hiến pháp là đạo luật gốc, các bộ luật phải căn cứ vào Hiến pháp để cụ thể hóa. Do vậy, quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền nhân thân là nguyên tắc Hiến định. Hiến pháp năm 2013 đã thể chế hóa đường lối đổi mới của Ðảng ta trong giai đoạn cách mạng tiếp theo nhằm đưa đất nước tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, Bộ luật Dân sự 2015 đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền nhân thân là thể chế hóa các quan điểm của Ðảng về quyền con người, quyền công dân... Ðồng thời, Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định đầy đủ các quyền nhân thân mà Hiến pháp năm 2013, các Ðiều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã quy định thể hiện đầy đủ bản chất Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; cũng phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước ta hiện tại và tương lai trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội,...

Quyền của cá nhân đối với hình ảnh là một trong những quyền nhân thân được pháp luật bảo vệ và cụ thể hóa tại Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015.

"Điều 32. Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, tại Khoản 1 quy định:

1. Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Như vậy, theo Bộ luật Dân sự 2015, việc một cá nhân hay tổ chức bất kỳ sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích nào đó (không phân biệt thương mại hay phi thương mại) mà chưa được phép của người có quyền cá nhân đối với hình ảnh đó thì được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Trên thực tiễn, dạng hành vi xâm phạm này diễn ra phổ biến. Những chủ thể vi phạm thường sử dụng hình ảnh của người khác cho mục đích thương mại để kiếm lợi cho mình, nhưng lại không xin phép chủ thể có quyền đối với hình ảnh. Ngoài ra, trong hoạt động báo chí, cơ quan báo chí có thể vô tình hoặc cũng có thể cố ý đưa hình ảnh cá nhân đã được bảo mật, xâm phạm đến quyền nhân thân về hình ảnh cá nhân.

Luật sư Dương Văn Thụ, Văn phòng Luật sư Thiên Dương (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)

Cùng bàn về vấn đề trên, Luật sư Dương Văn Thụ, Văn phòng luật sư Thiên Dương (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) có quan điểm: Việc một số trang mạng điện tử, trang mạng xã hội đã không kiểm chứng, đăng hình ảnh của trường hợp cán bộ Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Quảng Nam và chú thích sai sự thật rằng, đó là nạn nhân trong vụ án giết người đã xâm phạm đến quyền riêng tư về hình ảnh cá nhân nghiêm trọng.

Theo thông tin trên báo chí, anh cán bộ này cho biết, bức ảnh này được cắt ghép từ ảnh vợ chồng anh chụp trong ngày đính hôn mà anh đã đăng trên facebook cá nhân. Bức xúc trước việc này, anh đã có đơn trình báo đến cơ quan chức năng đề nghị can thiệp là việc làm cần thiết.

Bộ luật Dân sự 2015 quy định uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ. Người bị đưa tin sai sự thật ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, hoặc thiệt hại khác có thể yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường.

Cụ thể, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1, Điều 592, Bộ luật Dân sự 2015 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.

Còn trường hợp sử dụng hình ảnh sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội sẽ vi phạm Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ và điểm g, khoản 3, Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP của Chính phủ có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng về hành vi "Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật".

"Nếu có căn cứ xác định hành vi đưa thông tin không đúng sự thật nêu trên nhằm mục đích vu khống bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác thì có thể xử lý tội Vu khống theo Điều 122, Bộ luật Hình sự" – luật sư Thụ viện dẫn thêm./.

Tuấn Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực