Mong các cơ quan "vào cuộc" khẩn trương, nghiêm túc, khách quan

Thứ tư, 22/02/2017 11:23
(ĐCSVN) - Ngày 16/2, Văn phòng Trung ương Đảng đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nội dung các bài báo liên quan đến bà Hồ Thị Kim Thoa - Thứ trưởng Bộ Công thương. Chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư đã nhận được sự tin tưởng, đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Cần làm rõ "vấn đề" của khối tài sản hàng trăm tỷ

Nội dung thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng đã gỡ bỏ những hoài nghi, đồn đoán, thay vào đó là sự phấn chấn của đông đảo người dân hoan nghênh, bày tỏ tin tưởng vào chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đối với các vụ việc bức xúc, nổi cộm gần đây.

Đại tá Nguyễn Văn Chất, Phó Chủ nhiệm Khoa Công tác đảng, công tác chính trị,
Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc phòng). Ảnh QĐ

Trao đổi với PV, đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Chất, Phó Chủ nhiệm Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc phòng) chia sẻ quan điểm: Trước hết, cần nhận thấy việc chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hết sức kịp thời. Ngay sau khi nhiều báo như Nhân Dân, Tiền Phong, Tuổi Trẻ... có bài phản ánh về tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương và một số người thân trong gia đình tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư đã thể hiện rõ quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước. Cá nhân tôi tin tưởng, với sự chỉ đạo kịp thời của Tổng Bí thư và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên trách, những vấn đề liên quan đến khối tài sản hàng trăm tỷ của Thứ trưởng Bộ Công thương, bà Hồ Thị Kim Thoa và gia đình sẽ sớm được làm rõ, qua đó có câu trả lời chính thức đối với dư luận cả nước.

Ông Trần Văn Nghiệp (thị trấn Kim Sơn, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) bày tỏ tin tưởng: “Chỉ đạo này không chỉ là của người lãnh đạo cao nhất của Đảng mà còn là của người đứng đầu cơ quan chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, nên người dân chúng tôi rất hoan nghênh và ủng hộ”. Người dân cũng đang đặt ra nhiều nghi vấn về khối lượng tài sản lớn tới hàng trăm tỷ đồng của gia đình Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa. Vì vậy, chỉ đạo của Tổng Bí thư là hết sức cần thiết và kịp thời. Các cơ quan chức năng cần chứng minh nguồn gốc tài sản của bà Thoa và công khai, minh bạch thông tin trước nhân dân. “Tài sản có được do làm ăn chân chính, minh bạch thì ai cũng nể phục. Nhưng lợi dụng chức vụ để tạo lợi thế cho người thân làm ăn nhập nhèm, lách luật thì dân không chịu đâu mà cần phải kiểm tra công tâm, kết luận công khai, minh bạch”, ông Nghiệp chia sẻ.

Liệu có "lỗ hổng"trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?


Ông Phan Văn Giỏi (xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long). Ảnh: AL

Theo ông Phan Văn Giỏi (xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long): Bộ Công thương đã khẳng định tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa được kê khai đầy đủ rõ ràng. Tuy nhiên, việc kê khai mới chỉ là một phần nổi, phần còn lại quan trọng hơn đó là nguồn gốc tài sản đó hình thành từ đâu thì chưa thấy Bộ Công thương trả lời, đó là thiếu sót lớn. Nếu nguồn gốc tài sản có vấn đề uẩn khúc hay bất chính thì cần phải thu hồi, xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và pháp luật.

Ông Giỏi mong muốn, các cơ quan đã được Tổng Bí thư giao nhiệm vụ sẽ vào cuộc quyết liệt, công tâm khách quan để làm sáng tỏ mọi vấn đề, giải tỏa nghi vấn của dư luận, đồng thời tạo niềm tin cho người dân, góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

* Chị Nguyễn Hà Thanh (42 tuổi), giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Nội dung thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về nội dung các bài báo liên quan đến bà Hồ Thị Kim Thoa đã thu hút sự quan tâm, bàn luận của khá nhiều người trong cơ quan tôi. Vấn đề mà mọi người băn khoăn là có hay không những “lỗ hổng” trong công tác quản lý việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và hiệu quả thực chất của hoạt động kê khai, quản lý tài sản của cán bộ, công chức tại các cơ quan Nhà nước hiện nay? Những câu hỏi này chỉ có thể được giải đáp trên cơ sở thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư. Trong trường hợp phát hiện sai phạm thì đây là cơ hội để chúng ta bổ sung, hoàn thiện những quy định của pháp luật. Ngược lại, nếu không có sai phạm thì việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư sẽ giúp minh bạch tài sản của cán bộ, tránh những dư luận thiếu tích cực.

* Anh Nguyễn Long Giang, Giám đốc Công ty Dịch vụ Bảo vệ Sài Gòn Nam Chính Trực – Sài Gòn Security: Theo tôi, những thắc mắc của dư luận về nguồn gốc số tài sản “khổng lồ” của bà Thoa và gia đình là có cơ sở. Vì vậy, tôi tin rằng, các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, sớm kết luận những vấn đề liên quan đến khối tài sản của gia đình bà Thoa để ổn định dư luận và củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp vào công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.


Anh Trần Văn Nghị (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ảnh: AL

* Anh Trần Văn Nghị (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội): Dư luận xôn xao trước thông tin tài sản hàng trăm tỷ đồng của bà Thứ trưởng là có lý do của nó. Bởi với tài sản rất lớn như thế, nếu làm ăn chính đáng thì không thể ngày một ngày hai mà có được. Vậy tài sản ấy từ đâu mà có? Có phải nó được hình thành từ “sân sau” của cán bộ nào đó? Hay từ những “bắt tay quyền lực”?

“Bản thân tôi chưa dám khẳng định, tài sản khổng lồ đó có được từ nguồn nhu nhập bất chính, nhưng chính Bộ Công thương và bản thân bà Thoa cũng chưa thể chứng minh và công khai được nguồn gốc tài sản đó, nên cá nhân tôi và tôi nghĩ rất nhiều người khác cũng nghi ngờ về tài sản của bà Thoa”, anh Nghị nói.

Anh Nghị cho rằng, sự việc của bà Hồ Thị Kim Thoa cũng bộc lộ bất cập, đó là khi bổ nhiệm cán bộ, kê khai tài sản thì có thực hiện, nhưng nguồn gốc tài sản thì lại không làm đến nơi đến chốn. Hơn nữa, việc kê khai cũng chỉ căn cứ vào sự trung thực, tự giác của người kê khai, không được công khai rộng rãi cho công chúng hoặc chỉ là công khai một cách hình thức, dẫn đến lúng túng khi dư luận nghi ngờ. Nếu xác minh và công khai minh bạch trước khi bổ nhiệm sẽ vừa chọn được những cán bộ thực sự trong sạch, vừa giám sát, phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, khi dư luận nghi ngờ lại có thể trả lời rõ ràng được ngay.

Xử lý nghiêm minh sai phạm, cán bộ sẽ không dám tham nhũng

Theo Luật sư Nguyễn Minh Cường - Liên đoàn Luật sư tỉnh Thái Bình, quá trình kê khai, giám sát tài sản của cán bộ còn khá lỏng lẻo, chưa có chế tài rõ ràng về trường hợp kê khai thiếu trung thực, đặc biệt chưa làm rõ nguồn gốc tài sản đó nên việc lựa chọn cán bộ vẫn còn những lỗ hổng nhất định. Pháp luật không cấm đảng viên, cán bộ công chức nhà nước làm giàu, hoạt động kinh doanh buôn bán nếu như việc làm này tuân thủ đúng các quy định. Nhưng cũng cần phải có chế tài xử lý thật nghiêm minh. Nếu đảng viên, cán bộ làm giàu bất chính, thiếu trung thực. “Đảng kỷ luật nghiêm minh, pháp luật trừng trị thích đáng thì cán bộ sẽ không dám tham ô, tham nhũng”, luật sư Cường bày tỏ.

Luật sư Nguyễn Minh Cường mong muốn, nên chăng, quá trình kiểm tra của các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra cả việc nộp thuế thu nhập cá nhân của bà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa trong những năm qua; kiểm tra lại cả quá trình cổ phần hóa ở Công ty Điện Quang xem có gì khuất tất, sai phạm không… Đồng thời, làm rõ các quy định của pháp luật xem có cho phép gia đình chiếm giữ phần quan trọng của cổ phần doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa hay không? Đặc biệt là khi bà Thoa vừa làm quan chức nhà nước vừa làm lãnh đạo trong doanh nghiệp, doanh nghiệp đó lại thuộc ngành mình quản lý, rất dễ dẫn đến những can thiệp này nọ, hoặc có thể tạo ra "sân sau" cho mình…


Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn An Bình, thành viên Công ty Luật TNHH Hồng Hà, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
 Ảnh QĐ

Tiếp cận từ góc nhìn pháp lý, Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn An Bình, thành viên Công ty Luật TNHH Hồng Hà, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trao đổi: Việc bà Thoa và gia đình sở hữu số tài sản ước tính 668 tỉ đồng như báo chí đưa tin, nếu người này để cho người thân ruột thịt nắm giữ những chức vụ quan trong trọng doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang - DQC) mà bà làm Tổng giám đốc thì đã có dấu hiệu vi phạm Điều 37 của Luật phòng chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, khi bà Thoa được bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Công thương nhưng lại không buộc thoái vốn khỏi đơn vị này thì đó là lỗ hổng trong vấn đề quản lý. Việc bổ nhiệm một nhà quản lý từ lãnh đạo doanh nghiệp nhưng ở thời điểm đó vẫn giao cho bà Thoa quản lý đúng lĩnh vực công nghiệp nhẹ gồm cả Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang liệu có hợp lý không?./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực