Ngày xuân nghĩ về tuổi thọ và mừng thọ

Thứ bảy, 28/01/2017 17:08
(ĐCSVN) - Mừng thọ là một nét đẹp cần lưu giữ, phát huy, nhưng tổ chức sao cho vui, cho đẹp mà không lãng phí, phiền hà là điều đáng suy nghĩ trong những ngày đầu xuân này...

Một Lễ mừng thọ được tổ chức chu đáo, ý nghĩa ở một phường tại Hà Nội. (Ảnh mang tính minh họa của Anh Tuấn)

Tuổi thọ

“Thiên tước” được hiểu là tước do Trời ban, sống thọ là Trời cho chứ không phải do Vua chúa ban cho như “nhân tước”, nên rất trân quí. Bên cạnh đó, trong xã hội truyền thống, kinh nghiệm được đề cao thì người cao tuổi còn là nguồn tri thức, kho kinh nghiệm quí giá về lao động, sản xuất, văn hóa, phong tục... Dân tộc ta có câu: “Kính già già để tuổi cho”, “Kính già yêu trẻ”, “ Triều đình trọng tước, làng xã trọng tuổi”, “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”... đã phản ánh khá rõ quan niệm đó. Người ta còn nói đến khái niệm “lão quyền”, quyền của người cao tuổi trong quản trị làng xã cổ truyền.

Truyền thống tôn trọng, chăm sóc người cao tuổi ngày nay còn được luật hóa. Khoản 3 Điều 37 Hiến pháp năm 2013 qui định: “Người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Luật Người cao tuổi năm 2009 đã xác định vai trò, tiềm năng quí giá của người cao tuổi, qui định các chính sách về chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò người cao tuổi trong đời sống xã hội. 

Trước hiện tượng già hóa dân số trong thế kỷ XXI, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã quyết định lấy ngày 1/10 hàng năm là Ngày Quốc tế Người cao tuổi và hai lần tổ chức Đại hội đồng Thế giới lần thứ hai về người cao tuổi, trong đó có Chương trình hành động quốc tế về người cao tuổi và đã được 159 quốc gia, trong đó có Việt Nam phê chuẩn.

Kết quả điều tra mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho hay, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay đã tăng lên 75,6 - đứng thứ hai trong khu vực, chỉ sau Singapore và đứng thứ 56 trong tổng số 138 nước và vùng lãnh thổ được khảo sát.

Những thành tựu đó thật đáng mừng nhưng cũng đặt ra những thách thức lớn trước hiện tượng già hóa dân số rất nhanh ở Việt Nam - một quốc gia có thu nhập trung bình

       Lễ mừng thọ ở đảo Hà Nam (Quảng Ninh).  ( Ảnh: Tiêu Dao).

Mừng thọ

Năm mới thêm tuổi mới, cũng là dịp để người ta tổ chức lễ mừng thọ ông bà cha mẹ lên các tuổi chẵn, tùy theo phong tục địa phương, có thể bắt đầu từ tuổi 60. Đây là một mỹ tục của dân tộc ta, thể hiện sự quan tâm, kính trọng của con cháu, của cộng đồng đối với người cao tuổi.

Người già, do đặc điểm tâm sinh lý nên ngày càng thu hẹp không gian giao tiếp, dễ gây cho các cụ cảm giác bị lãng quên, nên dịp mừng thọ được con cháu xa gần, họ hàng nội ngoại, bạn bè gần xa đến thăm hỏi, chúc tụng, tặng quà khiến các cụ có thêm niềm vui sống, tinh thần phấn chấn, yêu cuộc sống hơn. Điều đó rất có ý nghĩa, cần được bảo lưu.

Vấn đề cần quan tâm là tổ chức lễ mừng thọ sao cho vui vẻ, ấm áp, chân tình mà không phô trương, lãng phí và phiền phức. Điều 21 Luật Người cao tuổi năm 2009 đã qui định cụ thể về việc mừng thọ người cao tuổi, xác định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong hoạt động mừng thọ. Tuy nhiên, ngoài việc mừng thọ do chính quyền tổ chức, ở nhiều địa phương lễ mừng thọ theo tập quán kéo dài suốt ba ngày Tết, dẫn đến cả làng, cả xã bị cuốn vào việc mừng thọ, ít có thời gian gia đình sum họp bên mâm cỗ tết. Có nơi đua nhau tổ chức khao thọ với số lượng khách càng đông càng thêm hãnh diện, gây ra lãng phí, phiền hà, tạo nên những hủ tục mới. Có cụ chuẩn bị lên tuổi thọ 80 đã chia sẻ rằng rất sợ lên lão vì quá đông khách đến chúc tụng kéo dài mà sức khỏe không cho phép, sau đó lại lo làm cỗ đãi đằng sao cho chu đáo... Vậy là “kính không bõ phiền”.

Chúng tôi cho rằng, các cấp ủy, chính quyền địa phương nên phối hợp với Hội người cao tuổi tìm ra hình thức tổ chức lễ mừng thọ phù hợp cho địa phương mình. Trước hết là lễ mừng thọ tránh sao chép, rập khuôn, cố gắng giữ được sắc thái riêng theo phong tục, tập quán của  mỗi địa phương. Ví dụ Lễ hội Tiên công, hay còn gọi là Lễ mừng Thọ của đảo Hà Nam, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh với phong tục rước các cụ thọ cao bằng võng điều, hoặc che lọng cho các cụ còn khỏe ra miếu dự lễ là một phong tục rất đặc sắc; Hay bà con dân tộc Tày ở Hà Giang lại mừng thọ vào các tuổi lẻ như 61, 73 mang hàm ý giải hạn cầu tuổi thọ, chứ không làm vào những năm tuổi chẵn. Và người Tày chỉ mừng thọ tối đa đến 73 tuổi... Những phong tục mang tính địa phương đó góp phần tạo nên bức tranh văn hóa mừng thọ đa dạng, phong phú.

Phải bảo đảm sự trang trọng, đầm ấm, vui vẻ, không “hội nghị hóa” một cách dễ dãi và cứng nhắc. Tùy theo điều kiện mà có thể có đọc thơ, ca hát phù hợp với các cụ cao tuổi. Thật sự quan tâm đến các cụ, nhất là những cụ sức khỏe yếu, các cụ neo đơn để bố trí người đưa đón, chăm sóc các cụ trong quá trình diễn ra buổi lễ. Buổi lễ cũng nên tổ chức ngắn gọn trong phạm vi khoảng 1 giờ, tránh để các cụ phải ngồi lâu.

Ở những địa phương có phong tục làm cỗ khao thọ thì nên vận động các gia đình cùng làm trong ngày để tránh cỗ bàn liên miên kéo dài, kiểu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” và chủ yếu người thân trong gia đình tham dự. Yêu cầu này các cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trước để người dân làm theo, tránh trường hợp gia đình cán bộ có chức có quyền thì phô trương, hoành tráng trong khi vận động nhân dân thực hành tiết kiệm.

Lễ mừng thọ chỉ diễn ra một vài ngày nhưng cuộc sống thường nhật của người cao tuổi mới thật sự là vấn đề gia đình và xã hội phải quan tâm. Hiện nay ở Việt Nam chỉ có 25,5% người cao tuổi sống bằng lương hưu hoặc trợ cấp xã hội, còn lại vẫn phải tự kiếm sống hoặc nhờ cậy con cháu. Bên cạnh đó là bệnh tật tuổi già. Theo quan niệm nhân quyền quốc tế, người già thuộc nhóm dễ bị tổn thương, dễ bị kỳ thị, phân biệt đối xử. Do đó, khắc phục những điều này, chăm lo cho người cao tuổi có những năm tháng tuổi già no ấm, bình yên mới là món quà mừng thọ quí giá và thiết thực nhất.


Thái Bảo - Đăng Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực