Theo quy định đào tạo lái xe hiện nay, tất cả các môn học đều phải tổ chức kiểm tra kết thúc trong quá trình học. Sau khi đạt các môn, học viên còn phải vượt qua kỳ kiểm tra kết thúc khóa học bao gồm môn Pháp luật giao thông đường bộ (kiểm tra theo bộ câu hỏi sát hạch lý thuyết) và môn Thực hành lái xe với các bài thi liên hoàn, bài tiến lùi hình chữ chi và lái xe trên đường.
Đáng chú ý, do không có quy định chi tiết về kiểm tra kết thúc môn học, các cơ sở đào tạo hiện nay thường kiểm tra kết thúc các môn Pháp luật giao thông đường bộ và Thực hành lái xe như kiểm tra kết thúc khóa học.
|
Ông Nguyễn Tuấn Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Minh, hiện đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo nghề ở huyện Nam Sách (Hải Dương) cho biết: Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, trong bộ 600 câu hỏi sát hạch lý thuyết lái xe hiện nay, thì nội dung câu hỏi không chỉ về pháp luật giao thông đường bộ mà còn có cả nội dung của các môn lý thuyết còn lại, nên thực chất đang diễn ra tình trạng một nội dung mà kiểm tra đến 2-3 lần.
Trong khi đó, quy định về đào tạo nghề trình độ sơ cấp, gồm cả lái ô tô, lại chỉ có kiểm tra kết thúc mô-đun, không có kiểm tra kết thúc khóa học. Người học hoàn thành tất cả các mô-đun thì được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Do vậy, việc một nội dung mà kiểm tra đến 2 - 3 lần là không cần thiết.
“Theo quan điểm của tôi, trong khi lái xe, kỹ năng thực hành, xử lý tình huống trên đường mới thực sự là quan trọng nhất. Còn lý thuyết là các điều kiện cần và đủ để mỗi học viên thi phần thực hành. Do vậy, đối chiếu với quy định hiện hành trong đào tạo sát hạnh lái xe hiện nay, chúng ta cần loại bỏ bớt những thủ tục không cần thiết như việc kiểm tra kết thúc khóa học trong đào tạo lái xe” - ông Minh nói.
Còn ông Phạm Văn Cường, giáo viên dạy lái xe tại Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật LOD (Phân hiệu Hà Nội) ý kiến: Như tôi được biết, trong giáo dục nghề nghiệp hiện nay, người học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trình độ sơ cấp thì được cấp chứng chỉ sơ cấp. Người có chứng chỉ hoàn toàn đầy đủ điều kiện về năng lực và pháp lý để làm công việc được đào tạo tại mọi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.
Nhưng riêng với nghề lái ô tô thì không, cần phải có giấy phép lái xe mới có thể tham gia thị trường lao động như những nghề sơ cấp khác. Như vậy, ở đây giấy phép lái xe của nghề lái ô tô đóng vai trò như chứng chỉ sơ cấp ở những nghề khác. Còn thực tế chứng chỉ sơ cấp của nghề lái ô tô lại hầu như không có giá trị gì. Không thể dùng chứng chỉ này để làm bất cứ công việc nào.
Tôi còn được biết, ở các nước phát triển hiện nay, đào tạo lái ô tô chỉ bao gồm học và sát hạch lý thuyết, thực hành. Không có việc kiểm tra kết thúc môn học, khóa học trước khi sát hạch như Việt Nam chúng ta đang làm hiện nay. Cũng không có việc cấp chứng chỉ sơ cấp. Hoàn thành khóa học, học viên chỉ được cấp giấy phép lái xe. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần xem xét loại bỏ thủ tục kiểm tra kết thúc khóa học, thậm chí bỏ cả việc cấp chứng chỉ sơ cấp, cũng như kiểm tra kết thúc môn học. Việc này vừa để giảm chi phí và thời gian cho người học, vừa giảm áp lực cho chính các cơ sở đào tạo nghề.
|
Ông Phạm Hữu Quân. (Ảnh: Kim Chiến) |
Ông Phạm Hữu Quân, đang làm việc tại một trường đào tạo nghề ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình nêu quan điểm, lái xe cơ giới nên hiểu không phải là một nghề, mà nó chỉ là một kỹ năng của một người được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền thẩm định họ đủ trình độ thực hiện kỹ năng đó trong các hoạt động vận hành phương tiện giao thông. Thực tế hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới không yêu cầu học viên phải học ở cơ sở đào tạo, mà chỉ tập trung vào việc kiểm tra, đánh giá trình độ, kỹ năng của họ có đáp ứng yêu cầu sử dụng phương tiện giao thông hay không. Việc rèn luyện, học tập để có trình độ kỹ năng lái xe là do công dân tự lựa chọn hình thức. Cách làm này sẽ quy trách nhiệm rõ việc học tập, rèn luyện kỹ năng lái xe của công dân; quy định chặt chẽ trách nhiệm của cơ quan thẩm quyền trong việc chứng nhận kết quả kiểm tra sát hạch qua giấy phép lái xe, từ đó ngăn ngừa hiệu quả các vấn đề tiêu cực phát sinh.
Hiện nay đâu đó ở nước ta còn có hiện tượng cơ quan cấp giấy phép lái xe thường hay đổ lỗi cho khâu đào tạo yếu kém và quy định rất nhiều về chương trình, cơ sở vật chất làm tăng gánh nặng tài chính cho người học và giảm nhẹ trách nhiệm người sát hạch. Và thực trạng có học, thi 2 – 3 lần lý thuyết hiện nay cũng không hề giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông. Bản thân tôi cũng chứng kiến nhiều người điểm thi lý thuyết và thực hành rất cao, nhưng khi ra thực tế cầm vô lăng ngoài đường là lập tức mắc phải tâm lí lóng ngóng, không thể tự tin cầm lái thành thục. Còn có trường hợp người thi lý thuyết, thực hành chỉ đạt điểm trung bình (đủ đỗ sát hạch) khi ra đường họ có kỹ năng điều kiển phương tiện rất tốt. Do đó có thể nói sát hạch không phải là yếu tố chính quyết định tay nghề cho mỗi tài xế, mà nó còn ở cả góc độ khác, được hiểu đơn giản ra nghề lái xe muốn giỏi là phải có “năng khiếu”!
Trong điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, và hội nhập thế giới đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, với bất cứ ngành nghề nào, trong đó có nghề đào tạo lái xe mà chúng ta vẫn làm theo cách máy móc, tồn tại bất cập, hiệu quả thấp tôi thấy rất bất ổn. Chúng ta có thể phân nhóm ra, những ai làm nghề lái xe thì nên giao cho các hội nghề nghiệp hoặc trường nghề hoặc tổ chức sử dụng lao động bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ vận tải, vận chuyển. Nhóm còn lại là những người chỉ có nhu cầu cần giấy phép lái xe phục vụ cá nhân thì phải đơn giản hóa chương trình một cách tinh gọn, khoa học, chú trọng các kỹ năng lái xe được sát hạch trong phần thi thực hành để họ tự tin làm chủ tay lái, xử lý các tình huống khi ra đường.
“Thực tế hiện nay, cũng có những người không có nhu cầu làm nghề lái xe, mà họ chỉ cần giấy phép lái xe để chạy xe cá nhân phục vụ nhu cầu đi lại của bản thân và gia đình. Do đó quy định phải có chứng chỉ nghề lái xe mới được thi sát hạch cấp giấy phép lái xe vừa gây thêm phiền hà, tốn kém không đáng có, và với một nội dung kiểm tra lặp lại 2 - 3 lần rõ ràng là không cần thiết” – ông Phạm Hữu Quân nhấn mạnh./.