Cụ thể, nội dung Báo cáo của Chính phủ mới đây đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số. Theo đó, dự báo đến năm 2036, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số già; năm 2039 Việt Nam kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng, bước vào thời kỳ cơ cấu dân số rất già. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy như, tốc độ tăng trưởng giảm; tạo ra nhu cầu sống còn phải cải thiện chất lượng nguồn năng lực và tăng năng suất khác để duy trì tăng trưởng.
Bên cạnh đó, già hóa dân số cũng sẽ gây áp lực ngày càng gia tăng với hệ thống hưu trí và y tế; tạo thêm nhưng thách thức đối với nguồn tài chính của quốc gia; hệ thống chăm sóc cho người cao tuổi sẽ đòi hỏi cần phải thường xuyên được củng cố, tăng cường năng lực bảo đảm.
Xuất phát từ những vấn đề nói trên, nhiều chuyên gia cho rằng cần sớm xây dựng khung chính sách quốc gia về phòng, chống già hóa dân số. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng bày tỏ những băn khoăn về tính hợp lý của quy định kỷ luật cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3.
|
Bà Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Bình. (Ảnh: Lê Hoàng). |
Bà Nguyễn Minh Tâm, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Quảng Bình, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhìn nhận, Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số già nên cần duy trì mức sinh thay thế trên cả nước. Việc điều chỉnh Pháp lệnh dân số bằng Luật Dân số trở nên cấp thiết. Quá trình xây dựng Luật Dân số, Chính phủ cần chú trọng một số điểm như, đảm bảo quy định quyền quyết định sinh con của mỗi cặp vợ/chồng; thời gian sinh con; số con và khoảng cách. Những điều này cần được cụ thể hóa, hỗ trợ bằng các biện pháp đi cùng như: doanh nghiệp không được sa thải phụ nữ đang mang thai; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cặp vợ chồng đang mang thai, nuôi con nhỏ;… Thông qua đó, “Nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên cả nước, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét hình thức kỷ luật khi sinh con thứ 3 còn phù hợp hay không để có điều chỉnh phù hợp, kịp thời”, bà Nguyễn Minh Tâm thẳng thắn chia sẻ.
|
Bà Phạm Khánh Phong Lan. (Ảnh: Nguyệt Nhi). |
Cũng liên quan đến vấn đề già hóa dân số, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm, Ủy viên UBND Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba nhằm thay đổi quan điểm về chính sách dân số, nâng cao tỷ suất sinh. Theo đó, bà Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ băn khoăn trong khi Việt Nam đang nỗ lực nâng cao tỷ suất sinh, nhưng cán bộ, đảng viên sinh con thứ ba vẫn bị kỷ luật. “Chủ trương kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba có thể đúng ở giai đoạn trước, còn hiện nay tỷ suất sinh của Việt Nam xuống thấp thì cần thay đổi quan điểm về sinh con”, bà Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ.
Đồng tình với quan điểm nói trên, chia sẻ với báo chí, GS Nguyễn Thiện Nhân, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, bản thân đã từng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba, để phù hợp với tình hình mới.
|
GS Nguyễn Thiện Nhân. (Ảnh: Quang Vinh). |
Trong khi tỷ suất sinh của Việt Nam đang giảm nhanh, cấp có thẩm quyền cần sớm sửa quy định, để tháo gỡ rào cản, xóa bỏ tâm lý cho cán bộ, đảng viên không dám sinh con thứ ba. Bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba còn nhằm truyền thông đến người dân về chính sách dân số trong tình hình mới.
GS Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ lo lắng khi năm 2023 mức sinh của Việt Nam là 1,96, trong khi mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1 con trên mỗi phụ nữ. Vì thế, Chính phủ cần bổ sung chỉ số tổng tỷ suất sinh thay thế vào báo cáo kinh tế xã hội để có biện pháp nâng mức sinh. "Đây là chỉ tiêu hệ trọng quốc gia, liên quan đến phát triển con người, bền vững của đất nước", GS Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm.
Thực tiễn cho thấy, vấn đề già hóa dân số, tỷ suất sinh giảm nhanh và tính hợp lý của quy định về kỷ luật cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Trước những hệ lụy không nhỏ từ vấn đề già hóa dân số, tỷ suất sinh giảm nhanh, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu, xem xét điều chỉnh quy định kỷ luật cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 nhằm góp phần duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên cả nước, hạn chế đà giảm của tỷ suất sinh. Việc xem xét, điều chỉnh quy định này không chỉ cho thấy sự “bắt nhịp” kịp thời của các quy định so với thực tiễn đời sống xã hội, mà còn góp phần hạn chế những tác động tiêu cực của vấn đề già hóa dân số, tỷ suất sinh giảm nhanh như Báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra mới đây./.