Đại tá Nguyễn Văn Chất, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Khoa Công tác đảng, công tác chính trị,
Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc phòng). Ảnh: QĐ
Với mục tiêu đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngày 15/11/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm với nhiều nội dung mới thay thế Quy định số 181-QĐ/TW ngày 30/3/2013. Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng ban hành văn bản Hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Nhìn chung, đại bộ phận cán bộ, đảng viên khi được hỏi đều bày tỏ sự nhất trí cao đối với những nội dung của Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Đại tá, thạc sĩ Nguyễn Văn Chất, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ nhiệm Khoa Công tác đảng, công tác chính trị, Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc phòng) chia sẻ: Không phải đến bây giờ Đảng ta mới có những quy định về xử lý đảng viên vi phạm. Tuy nhiên, nhiều nội dung tại Quy định số 102-QĐ/TW đã khẳng định rõ quyết tâm chính trị của Đảng ta trong việc làm trong sạch đội ngũ đảng viên trên cơ sở xem xét, xử lý nghiêm túc các đảng viên có vi phạm. Tôi nhất trí cao với những điểm mới như: Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm phải căn cứ vào hậu quả đã gây ra; xem xét việc kê khai tài sản và giải trình tài sản, nguồn gốc tài sản không trung thực…
Cùng quan điểm trên, đồng chí Thùy Liên, đảng viên sinh hoạt tại Đảng bộ Hãng phim tài liệu khoa học Trung ương cho rằng: Điều dễ nhận thấy nhất tại Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm và Hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW chính là quan điểm nhất quán của Bộ Chính trị nhằm nâng cao hơn nữa tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm túc những cán bộ, đảng viên có vi phạm. Ngay cả khi con của đảng viên phạm tội thì đảng viên cũng phải chịu trách nhiệm liên đới; bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con dâu, con rể cùng sống, sinh hoạt trong gia đình và trực tiếp phụ thuộc vào việc nuôi dưỡng, quản lý của đảng viên đó. Đây là điểm mới đang được dư luận đánh giá cao.
Bạn đọc Trần Thanh Minh, giáo viên Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội) nhìn nhận: Là một quần chúng đang cố gắng phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng, bản thân tôi rất ủng hộ những nội dung có tính nghiêm khắc trong Quy định số 102-QĐ/TW do Bộ Chính trị ban hành mới đây. Thực hiện tốt các nội dung đó không chỉ bảo đảm tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng mà còn là cơ sở giúp Đảng thực sự trong sạch, xứng đáng với niềm tin yêu của quần chúng nhân dân. Nghiêm minh, nghiêm túc song cũng mang tính nhân văn khi Đảng quy định “chưa xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên đang mắc bệnh hiểm nghèo”. Theo đó, "Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức, bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (từ cấp huyện trở lên) xác nhận thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật".
Cô giáo Trần Thanh Minh, Trường THPT Phú Xuyên A (Hà Nội). Ảnh: QĐ
Tìm hiểu được biết, một điểm mới thu hút sự chú ý của dư luận, đó là quy định về việc không "xử lý nội bộ" khi vi phạm của đảng viên đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, tại khoản 5, Điều 2, Quy định 102 xác định: "Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ"; bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ…,”. Hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW cũng nêu rõ, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ủy ban kiểm tra từ cấp huyện trở lên khi phát hiện đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không được giữ lại để xử lý nội bộ. Đảng viên vi phạm pháp luật đang bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền thụ lý theo quy định của pháp luật thì tổ chức đảng không được can thiệp để đảng viên chỉ bị xử lý kỷ luật về Đảng, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý về chính quyền, đoàn thể.
Liên quan đến vấn đề này, tiếp cận từ góc độ chuyên ngành xây dựng Đảng, Đại tá, Phó Giáo sư Đặng Sỹ Lộc - Chủ nhiệm Khoa Công tác Đảng, công tác chính trị, Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng) chia sẻ: Đây làm nội dung có ý nghĩa rất quan trọng. Thực tế, trước đây khái niệm “xử lý nội bộ” đã tồn tại ở không ít cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, với Quy định số 102-QĐ/TW thì sẽ không có việc "xử lý nội bộ" nếu vi phạm của đảng viên đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Như vậy có thể hiểu sẽ không có “vùng cấm”, không có “khoảng trống” và việc xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên hoàn toàn căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm và thái độ của đảng viên có vi phạm.
Ở một khía cạnh tiếp cận khác, bạn đọc Lê Đình Dũng ở thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên (Tây Ninh) cho biết: Qua nghiên cứu toàn bộ nội dung Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành mới đây, tôi nhận thấy rằng các hình thức xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã được quy định khá rõ ràng, cụ thể. Tuy vậy, thực tế thời gian vừa qua cho thấy, để phát hiện những biểu hiện, dấu hiệu vi phạm của đảng viên lại hoàn toàn không đơn giản. Do vậy, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, tổ chức đảng các cấp; cũng như cần có sự liên hệ chặt chẽ giữa xem xét kỷ luật về Đảng với xử lý kỷ luật về chính quyền, về pháp luật nhằm thực hiện tốt những nội dung quy định nói trên. Đó là điều kiện để Quy định số 102-QĐ/TW thực sự đi vào đời sống, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Tóm lại, với việc ban hành Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW, một lần nữa Đảng ta đã khẳng định rõ quyết tâm chính trị trong việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; quyết tâm làm trong sạch đội ngũ đảng viên thông qua việc xem xét, xử lý nghiêm túc các đảng viên có vi phạm.
Mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng. Để thực hiện tốt những quy định nói trên, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức nghiên cứu, quán triệt, áp dụng các hình thức kỷ luật trong Quy định và văn bản Hướng dẫn để xử lý đảng viên vi phạm trên thực tế đúng với nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, bảo đảm thời hiệu xử lý kỷ luật, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng ở địa phương, đơn vị và trong toàn Đảng. Đặc biệt, điều quan trọng nhất là thông qua học tập, nghiên cứu, quán triệt phải giúp cho mọi đảng viên nhận thức rõ các hành vi vi phạm và hình thức kỷ luật tương ứng để trong hoạt động, sinh hoạt không mắc phải; hoặc nếu có mắc phải thì cũng tự giác nhận hình thức kỷ luật để có hướng sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên; qua đó góp phần giữ gìn kỷ luật, kỷ cương của Đảng./.