Đẩy mạnh việc thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp

Thứ năm, 19/10/2017 11:21
(ĐCSVN) - Thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020, trong những năm qua, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã chú trọng tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đến TAND, Tòa án quân sự các cấp và bước đầu đạt kết quả khả quan.

Nghị quyết số 49/NQ-TW/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định mục tiêu của Cải cách tư pháp là: Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử được tiến hành có hiệu quả và hiệu lực cao.

Một phiên tòa rút kinh nghiệm. (Ảnh: Hương Thủy). 

Đồng thời xác định nhiệm vụ: “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo công khai, dân chủ nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa xét xử, coi đây là bước đột  phá của hoạt động tư pháp”.

Ngày 16/1/2017, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đã ban hành Chỉ thị số 01 về việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2017 của các Tòa án đặt ra các yêu cầu đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử theo đúng tinh thần cải cách tư pháp; đồng thời giao chỉ tiêu mỗi Thẩm phán trong hệ thống TAND trong năm 2017 chủ tọa xét xử ít nhất một phiên tòa rút kinh nghiệm.

Theo đó, việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc, thiết thực, có hiệu quả và đúng quy định  pháp luật đối với tất cả các loại vụ án. Căn cứ vào nhiệm vụ công tác được giao, hàng năm mỗi Thẩm phán trong các TAND lựa chọn ít nhất 1 vụ án,  báo cáo lãnh đạo đơn vị xem xét, quyết định đưa ra xét xử tại phiên tòa sơ thẩm hoặc phúc thẩm để rút kinh nghiệm.

Đối với phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp phải đảm bảo một số yêu cầu. Đó là: Thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tố tụng quy định trong Luật Tổ chức TAND và các văn bản pháp luật tố tụng nhằm đảm bảo tính công bằng, dân chủ và nghiêm minh của pháp luật; Phòng xử án, trang phục của thành viên Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, cách xưng hô tại phiên tòa, vị trí ngồi của những người tham gia tố tụng; đảm bảo tính uy nghiêm của pháp luật, thể hiện sự tôn trọng Hội đồng xét xử, đại diện Viện kiểm sát, những người tham gia tố tụng tại phiên tòa và tôn trọng nội quy, trật tự phiên tòa; Nghị án phải đảm bảo đúng pháp luật, phán quyết của Hội đồng xét xử phải được quyết định theo đa số và phải căn cứ vào kết quả tranh tụng công khai, dân chủ tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, của các bên tranh tụng và những người tham gia tố tụng…

Để triển khai thực hiện kế hoạch của Chánh án TANDTC, TAND các cấp, các Tòa án quân sự đã triển khai việc thực hiện tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm và coi đó như một chỉ tiêu thi đua. Theo đó, mỗi Thẩm phán phải lựa chọn ít nhất 1 vụ án để đăng ký xét xử rút kinh nghiệm. Từ đầu tháng 5 đến nay, các cấp Tòa án đã triển  khai xét xử rất nhiều các phiên tòa rút kinh nghiệm.

Ông Phạm Văn Hà, Chánh án TAND cấp cao tại Hà Nội cho biết, lãnh đạo đơn vị đã triển khai kế hoạch của Chánh án TANDTC đến từng Thẩm phán và coi đó như một chỉ tiêu thi đua. Tất cả các Thẩm  phán đã đăng ký, trung bình mỗi người đăng ký xét xử rút kinh nghiệm từ 2-3 vụ và đến nay hầu như các Thẩm phán đã đăng ký đều phấn đấu đạt chỉ tiêu. Để việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm đạt mục tiêu đề ra, khuyến khích Thẩm phán chủ tọa và các đơn vị Tòa án lựa chọn vụ án có tính chất phức tạp hoặc vụ án có luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo hoặc có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, để đưa ra xét xử tại phiên tòa rút kinh nghiệm (trừ những vụ án có liên quan đến bí mật Nhà nước hoặc bí mật đời tư của các đương sự trong vụ án).

Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương Nguyễn Văn Hạnh cũng cho biết, một số kinh nghiệm thường được rút ra tại phiên mỗi phiên xử như: Hội đồng xét xử nên dành thời gian cho Kiểm sát viên hỏi để làm rõ bản cáo trạng, tình tiết nào chưa rõ thì Hội đồng xét xử mới hỏi để làm rõ; công bố lời khai của người làm chứng vắng mặt tại phiên tòa trong trường hợp bản án có viện dẫn lời khai đó để giải quyết nội dung vụ án; chấn chỉnh ngay việc xưng hô của những người tham gia tố tụng khi họ khai báo; …

Chánh án TAND tỉnh Bắc Ninh Phạm Minh Tuyên cũng cho hay, kế hoạch của Chánh án TANDTC là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện nhiệm vụ được giao theo tinh thần cải cách tư pháp.

Phiên họp rút kinh nghiệm sau mỗi phiên tòa phải chỉ ra được, việc điều hành phiên tòa của Thẩm phán chủ tọa trong suốt quá trình từ khi khai mạc phiên tòa đến khi kểt thúc phiên tòa, đặc biệt là việc điều hành tranh tụng, việc xét hỏi tại phiên tòa đã tuân theo đúng quy định của pháp luật tố tụng hay chưa; Hội đồng xét xử phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến phát biểu của đại diện Viện kiểm sát, người bào chữa, lời khai của bị cáo, nguyên đơn, bị đơn và người tham gia tố tụng khác hay không; Chủ tọa điều hành tranh tụng tại phiên toà, đặt những câu hỏi, xác định những vấn đề để các bên tranh luận với nhau, hướng việc tranh luận đi vào đúng những vấn đề cần chứng minh trong vụ án như thế nào?...

Thực hiện tinh thần cải cách tư pháp, có thể thấy, phiên tòa rút kinh nghiệm chính là diễn đàn để rút kinh nghiệm cho các Thẩm phán, Thư ký,… trong quá trình xét xử; là bài học trực quan của những cán bộ của Tòa án và cần được tổ chức thường xuyên, thực chất hơn…/.

Mai Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực