Phiên họp thứ 18 Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương

Thứ sáu, 30/01/2015 15:52

(ĐCSVN)Sáng ngày 30/1, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã tiến hành Phiên họp thứ 18, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo đã nghe Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp, Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao và Đảng ủy Công an Trung ương trình bày những nội dung cơ bản việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự; sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự và Đề án tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù.

Đề xuất giảm tội danh có quy định hình phạt tử hình xuống còn 15 tội danh

Theo Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, việc sửa đổi, bổ sung Điều 35 của Bộ luật Hình sự hiện hành theo hướng quy định rõ ràng, cụ thể và chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt này về loại tội; về loại vụ việc, về đối tượng; mở rộng đối tượng không áp dụng hình phạt tử hình; giảm một cách hợp lý số tội danh có quy định hình phạt tử hình trong Phần các tội phạm của Bộ luật Hình sự từ 22 tội danh xuống còn 15 tội danh. Tuy nhiên, có ý đề nghị bỏ hình phạt tử hình thêm đối với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ.

Đồng thời, đề xuất quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

 

 Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương.
(Ảnh: TH)


Cho ý kiến vào Đề án, các ý kiến cơ bản nhất trí với mục tiêu, quan điểm chỉ đạo nêu trong Đề án “Giảm quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự (sửa đổi) và hạn chế việc áp dụng hình phạt tử hình”.

Theo đó, nhất trí với đề xuất giảm số lượng các tội danh có quy định hình phạt tử hình đối với các tội danh vẫn còn giữ lại hình phạt tử hình theo hướng quy định chặt chẽ, cụ thể có điều kiện áp dụng. Tuy nhiên, đề nghị cần xác định chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với những đối tượng mà Tòa án xét thấy không còn khả năng cải tạo, giáo dục, không phải “ít khả năng cải tạo, giáo dục” như báo cáo đã nêu.

Về giảm số tội danh có quy định hình phạt tử hình trong Phần các tội danh của BLHS, các ý kiến tán thành đề xuất bỏ hình phạt tử hình trong 7/22 tội danh.

Theo Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh: Việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ, hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất là chưa phù hợp. Hiện nay, các tội danh này đang gây bất bình lớn trong xã hội, gây ảnh hưởng đến uy tín, hiệu lực của bộ máy nhà nước. Nếu không trừng trị nghiêm khắc nhất sẽ mất lòng tin của nhân dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Do đó, cần duy trì hình phạt tử hình đối với 2 tội danh này để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, cũng như đề cao tình răn đe, phòng ngừa chung.

Phó Trưởng ban Thường trực Chỉ đạo CCTP Lê Thị Thu Ba tỏ ra băn khoăn với việc loại bỏ hình phạt tử hình đối với tội danh phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, bởi cho rằng chưa tính đến công trình quan trọng như đập thủy điện, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, xã hội,  vậy trong trường hợp này sẽ xử lý thế nào?.

Cần quy định cụ thể về quy trình, cơ chế giám sát tạm tha để hạn chế tiêu cực

Trình bày Đề án tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết: Từ năm 2008 đến 2014, bình quân hàng năm, số lượng người có án phạt tù đã tăng hơn 10%. Vì vậy, việc thực hiện cơ chế tạm tha nhằm cụ thể hóa chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước, xã hội hóa công tác thi hành án; nâng cao hiệu quả trong việc phòng ngừa tái phạm tội và vi phạm pháp luật; giảm bớt ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; giảm bớt chi phí cho công tác quản lý, thực hiện chế độ sinh hoạt, khám chữa bệnh, biên chế cán bộ…

Theo Đề án tạm tha có điều kiện trong thi hành án phạt tù, người bị kết án phạt tù đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu (phạm nhân) có đủ các điều kiện: phạm tội lần đầu và phải chấp hành được ít nhất 1/2 mức án (một số đối tượng ưu tiên phải chấp hành được ít nhất 1/3); thực sự ăn năn hối cải, có kết quả cải tạo khá, tốt; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại (nếu có); có nơi cư trú rõ ràng; khi được tạm tha không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong thời gian tạm tha, người được tạm tha được hưởng các quyền cơ bản của công dân và phải thực hiện các quy định bắt buộc đối với người được tạm tha. Người được tạm tha, trong thời gian này nếu có hành vi vi phạm pháp luật bị kết án tù, kể cả hành vi phạm tội trước đó, thì bị hủy quyết định tạm tha và tổng hợp với phần án phạt tù còn lại chưa chấp hành.

Cơ quan thực hiện tổ chức trực tiếp quản lý giám sát: UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao nhiệm vụ quản lý, giám sát, giáo dục người được tạm tha.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang,Trưởng Ban Chỉ đạo phát biểu chỉ đạo.
 (Ảnh: TH).


Cho ý kiến vào Đề án, các ý kiến nhất trí với sự cần thiết xây dựng Đề án, sẽ đem lại hiệu quả về chính trị, kinh tế, xã hội. Cơ bản nhất trí với đối tượng; quyền và các quy định bắt buộc đối với người được tạm tha, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp không được tạm tha là đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và đối với một số loại tội phạm có tính chất côn đồ, ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự.

Phó Trưởng ban Thường trực Chỉ đạo CCTP Lê Thị Thu Ba đề nghị cần tính toán kỹ đến việc quản lý đối với người tạm tha, nhất là vai trò tổ chức, đoàn thể xã hội, địa phương trong ràng buộc trách nhiệm quản lý.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý quy trình, thủ tục quá rườm rà, phức tạp, sẽ dễ xảy ra tiêu cực, chạy chọt.

Phát biểu chỉ đạo, đánh giá cao tinh thần chuẩn bị nghiêm túc, công phu của Ban soạn thảo các Đề án, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang,Trưởng Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Đây là 3 dự án quan trọng, cho ý kiến lần đầu thực hiện theo cơ chế mở. Vì vậy, quy trình lấy ý kiến cần thận trọng, quán triệt tư tưởng Hiến pháp năm 2013, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp; bảo đảm nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự; bảo đảm quyền con người, quyền công dân và phù hợp với xu hướng chung của thế giới.

Chủ tịch nước đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo chỉnh lý, hoàn thiện các Đề án trình cơ quan có thẩm quyền trong thời gian tới./.

 Tại phiên họp, đa số ý kiến đề nghị bỏ cấp giấy chứng nhận người bào chữa tại  Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) và thay bằng quy định luật sư đăng ký bào chữa khi đã xuất trình đầy đủ giấy tờ luật định. Theo đó, các ý kiến này cho rằng quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa vô hình chung đã trao cho cơ quan tố tụng có quyền cho phép hoặc không cho phép người bào chữa tham gia tố tụng, cản trở, hạn chế quyền bào chữa. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực