Vĩnh Phúc: Tăng cường quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự

Thứ ba, 05/05/2020 15:03
(ĐCSVN) - 5 năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành đã ký kết, các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận 19.670 Bản án, Quyết định của Tòa án nhân dân để tổ chức thi hành; vận động, thuyết phục bị cáo, gia đình bị cáo tự nguyện nộp các khoản tiền án phí, bồi thường ngay tại tòa và hướng dẫn gia đình bị cáo đến cơ quan Thi hành án tự nguyện nộp tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, với 1.159 việc và gần 2,9 tỷ đồng.
 Các đại biểu chứng kiến Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh
ký kết Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành giữa 4 cơ quan: Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Công an tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh trong công tác thi hành án dân sự; và ký kết Quy chế phối hợp giữa Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Ngân hàng Nhà nước tỉnh.

Theo báo cáo tại hội nghị, 5 năm qua, thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành đã ký kết, các cơ quan Thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận 19.670 Bản án, Quyết định của Tòa án nhân dân để tổ chức thi hành; vận động, thuyết phục bị cáo, gia đình bị cáo tự nguyện nộp các khoản tiền án phí, bồi thường ngay tại tòa và hướng dẫn gia đình bị cáo đến cơ quan Thi hành án tự nguyện nộp tiền bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, với 1.159 việc và gần 2,9 tỷ đồng. Phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức cưỡng chế thành công 28 vụ việc và tiếp nhận trên 3.000 vụ chuyển giao vật chứng; kịp thời xác minh, kiểm soát, bảo đảm 100% các Quyết định, Bản án đã có hiệu lực pháp luật được đưa ra thi hành. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó, giúp cho công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, góp phần giữ vững tình hình an ninh, chính trị ở địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Nguyên nhân chủ yếu là do sự phối hợp giữa các cơ quan có lúc, có vụ việc chưa thực sự đồng bộ, thiếu thống nhất trong quan điểm xử lý; số việc và tiền thụ lý mới tăng, nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến đất đai, tranh chấp về tài sản, quyền sở hữu chung khó thi hành; nhiều người phải thi hành án cố tình chây ỳ, tẩu tán tài sản, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để khiếu nại vượt cấp nhằm kéo dài việc thi hành án…

Sau khi nghe đại biểu thảo luận, đề xuất các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang nhấn mạnh, sự phối hợp giữa các ngành trong khối Nội chính, UBND huyện, thành phố, Ban chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện cần xác định vai trò, trách nhiệm của mình trong giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền. Trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cần lựa chọn những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, chung chung để nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân; đồng thời yêu cầu Cục thi hành án dân sự tỉnh thống nhất với các ngành, huyện, thành phố liên quan về cách thức, thời gian tuyên truyền, vận động, thuyết phục và tổ chức cưỡng chế các vụ việc khó khăn, phức tạp kéo dài. Trong thời gian chờ giải quyết, cần tranh thủ xin ý kiến thanh tra Bộ Tư pháp đối với những vụ việc còn vướng mắc về thủ tục pháp lý, nhưng dứt điểm phải giải quyết xong trong năm 2020.

Tại hội nghị, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và Ngân hàng Nhà nước tỉnh cũng đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác thi hành án dân sự nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh đối với công tác thi hành án dân sự liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.

Bích Phượng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực