Tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp

Thứ năm, 11/10/2018 16:19
(ĐCSVN) - Trong hai ngày 11 - 12/10, tại TP.Quy Nhơn (Bình Định), Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Các giải pháp triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp”.

Phó Tổng giám đốc Trần Đình Liệu phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phạm Chính

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết, BHXH Việt Nam là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT - đây là hai chính sách lớn, là những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội (ASXH), có tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Chính vì vậy, thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, hoạch định những chính sách về BHXH, BHYT cho mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn để phù hợp với điều kiện thực tế và tình hình phát triển của đất nước.

Ông Trần Đình Liệu cho rằng, Luật BHXH và Luật BHYT được Quốc hội ban hành, đã tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về BHXH, BHYT. Đến nay, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã đạt được những kết quả lớn. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, giải quyết và chi trả các chế độ chính sách vẫn còn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT diễn ra với nhiều hình thức, nhiều mức độ khác nhau, có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp...

Trước tình hình đó, Quốc hội đã nghiên cứu bổ sung một số tội danh về lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015, như: Điều 214, Điều 215 quy định về tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp, BHYT và Điều 216 quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động  và các điều luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018.

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc đến nay, những quy định này vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cũng như chưa có văn bản hướng dẫn về hồ sơ, trình tự thực hiện chuyển hồ sơ vi phạm có dấu hiệu tội phạm về BHXH, BHYT sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Do đó, để có cơ sở phối hợp với các cơ quan tố tụng thực hiện theo Bộ luật Hình sự, BHXH Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Các giải pháp triển khai thực hiện Bộ luật Hình sự về tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp” với sự tham dự của các đơn vị, tổ chức liên quan, để thẳng thắn trao đổi, làm tiền đề phối hợp nghiên cứu xây dựng văn bản hướng dẫn hồ sơ, trình tự thủ tục và triển khai thực hiện các quy định của Bộ luật Hình sự liên quan lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trong thời gian tới.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận 4 vấn đề, gồm: Các dấu hiệu phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; phân biệt hành vi vi phạm hành chính với hành vi phạm tội trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp. Vai trò pháp lý của cơ quan BHXH các cấp trong quá trình tố tụng, các hành vi phạm tội về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của Bộ luật Hình sự. Yêu cầu hồ sơ, tài liệu ban đầu cơ quan BHXH phải cung cấp phục vụ công tác điều tra, tố tụng hình sự. Xây dựng quy trình thực hiện tố tụng hình sự trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (cơ quan có thẩm quyền ban hành để cơ quan BHXH phối hợp tổ chức thực hiện)./.

Phạm Chính - Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực