Tiêm chủng mở rộng tăng cường phòng bệnh cho cộng đồng

Thứ sáu, 19/10/2018 09:51
(ĐCSVN) - Nhờ có chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) hàng năm đã bảo vệ được cho được hàng triệu trẻ không bị mắc, không bị chết cũng như các di chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến; bảo vệ cho hàng triệu phụ nữ và trẻ sơ sinh không bị mắc uốn ván trong sản khoa.

Chương trình TCMR được triển khai tại Việt Nam thời gian qua đã khẳng định được hiệu quả và tính ưu việt trong việc phòng tránh các bệnh nói chung, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nói riêng theo thời điểm, theo mùa như: Lao, viêm gan B, bại liệt, sởi-rubella, tả, thương hàn, viêm não Nhật Bản, uốn ván sơ sinh... Nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác tiêm chủng, Đảng, Nhà nước luôn ưu tiên, dành nhiều nguồn lực để tăng tỷ lệ TCMR tại tất cả các địa phương trong cả nước, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn; đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ tiêm chủng phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt mục tiêu: đến 2025, tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt tối thiểu 95% với 12 loại vắcxin; giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn 18,5‰, dưới 1 tuổi còn 12,5‰. Đến năm 2030, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95% với 14 loại vắcxin; giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi còn 15‰, dưới 1 tuổi còn 10‰. Điều này cho thấy tầm quan trọng của công tác tiêm chủng trong việc chăm sóc và bảo vệ nhân dân, nâng cao sức khỏe cộng đồng.


Tiêm chủng cho trẻ tại Trạm y tế phường An Khánh, TP. Cần Thơ. Ảnh: Báo Cần Thơ

Thành tựu lớn sau hơn 30 năm triển khai

Chương trình TCMR bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). Chương trình có mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc 6 loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao. Sau một thời gian thí điểm, Chương trình từng bước được mở rộng dần cả về địa bàn và đối tượng tiêm chủng. Từ năm 1985 tới nay toàn bộ trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc đã có cơ hội được tiếp cận với Chương trình TCMR.

Đến năm 2010, đã có 11 vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào Chương trình bao gồm vắc xin phòng bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, sởi, viêm não Nhật Bản, tả, thương hàn, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib. Trong năm 2014-2015, với sự hỗ trợ của Tổ chức Liên Minh toàn cầu về Vắc xin và tiêm chủng (GAVI) chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi trong tiêm chủng mở rộng đã được tổ chức thành công. Vắc xin phòng bệnh rubella là vắc xin thứ 12 được triển khai trong chương trình TCMR của Việt Nam.

Nhờ những thành tựu của chương trình TCMR, 11 nghìn xã phường, 704 huyện của cả nước được tiêm chủng; hơn 1,6 triệu trẻ em, gần 1,7 triệu phụ nữ có thai được bảo vệ hàng năm với khoảng 50 triệu mũi tiêm để phòng 12 bệnh nguy hiểm phổ biến nhất liên quan đến sự sống còn của trẻ em; đã quét sạch và làm biến mất hoàn toàn bệnh đậu mùa từ năm 1979; đã quét sạch và làm biến mất hoàn toàn bệnh bại liệt từ năm 2000;đã loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh vào năm 2005; đang thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi và giảm tỷ lệ nhiễm viêm gan vi rút B ở trẻ dưới 5 tuổi xuống 1% trước năm 2020. Các bệnh truyền nhiễm khác trong chương trình TCMR như bạch hầu, ho gà, viêm não nhật bản, sởi đã giảm một cách ngoạn mục từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước tiêm chủng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác tiêm chủng còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tỷ lệ tiêm chủng các vaccine cho trẻ em và phụ nữ đã đạt và duy trì hơn 95% trên quy mô toàn quốc. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 5-10% số huyện chỉ đạt tỷ lệ dưới 90%, tập trung tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nguyên nhân là do điều kiện đi lại không thuận lợi, đồng bào dân tộc với nhiều ngôn ngữ khác nhau, tập quán ở nương rẫy... nên cũng khó tiếp cận với tiêm chủng, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

Cùng với đó, TCMR Việt Nam phải đối mặt với thách thức về việc huy động vốn hỗ trợ từ các nguồn lực để đáp ứng nhu cầu rất lớn đầu tư cho TCMR bao gồm: Củng cố và bổ sung trang thiết bị hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin, đào tạo, tập huấn, đặc biệt là triển khai thêm vắc xin mới trong tương lai. Trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình, sự hỗ trợ của quốc tế cho tiêm chủng mở rộng đang giảm dần...


Tư vấn cho các bà mẹ về lợi ích của tiêm chủng mở rộng với sức khỏe của trẻ.
Ảnh: http://soyte.hanoi.gov.vn

Đẩy mạnh TCMR vì sức khỏe cộng đồng

Theo các chuyên gia, lợi ích của tiêm chủng thực sự vô cùng to lớn, vắc xin và tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong do bệnh truyền nhiễm của nhân loại. Khoảng 85-95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh và đương nhiên sẽ không bị chết hay di chứng do bệnh dịch gây ra. Nhờ có vắc xin hằng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Vắc xin và tiêm chủng góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới.

Do không bị mắc bệnh nên người được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật do bệnh truyền nhiễm gây ra giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường. Tiêm chủng mở rộng là tiêm chủng phổ cập cho hầu hết trẻ em nên diện bảo vệ của nó là rất lớn góp phần quan trọng cho phát triển nguồn nhân lực của mỗi quốc gia.

Tại Việt Nam, chương trình TCMR đã được Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những chương trình Y tế công cộng hiệu quả và thành công nhất ở Việt Nam. Chính nhờ có chương trình TCMR hàng năm đã bảo vệ được cho được hàng triệu trẻ không bị mắc, không bị chết cũng như các di chứng của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phổ biến. Bảo vệ cho hàng triệu phụ nữ và trẻ sơ sinh không bị mắc uốn ván trong sản khoa.

Tuy nhiên, để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Trong quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua cũng có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản v.v cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng. /.

AD (tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực